27 năm trước Jean Hilliard (Mỹ) bị đóng băng suốt 6 giờ đã hồi sinh kỳ diệu khiến các bác sĩ vô cùng bất ngờ.
Đêm 20/12/1980, thời tiết lạnh giá, nhiệt độ giảm xuống âm 22 độ F (-30 độ C). Jean Hilliard lúc đó 19 tuổi lái xe từ nhà bạn về nhà cha mẹ ở Lengby, Minnesota. Bất chợt, cô gái lạc tay lái và lao chệch khỏi đường. Chiếc xe dừng lại và không thể khởi động lại máy, Jean quyết định đi bộ đến nhà Wally Nelson – một người bạn, cách đó khoảng 3,2km.
Jean Hilliard lúc đó chỉ đi giày tây, khoác một chiếc áo khoác và đeo găng tay. Quần áo không đủ ấm nên Jean ngã gục xuống đường khoảng vài mét trước cửa nhà người bạn. Cô nằm bất động trong tuyết cho tới khi được Nelson phát hiện vào khoảng 7h sáng hôm sau. Thời điểm đó, người cô đã cứng như một tảng đá và Nelson phải đẩy cô vào ghế sau ôtô rồi đưa đến bệnh viện.
Theo Nytimes, các bác sĩ tại Bệnh viện Fosston sững sờ trước tình trạng của Jean. Họ cố gắng truyền dinh dưỡng cho cô qua đường tĩnh mạch nhưng cây kim không thể xuyên qua lớp da đã đóng băng. Bác sĩ cũng không thể đo nhiệt độ cho cô bằng nhiệt kế. Khuôn mặt và đôi mắt cô đông cứng, không phản ứng gì với ánh sáng. Cơ thể bệnh nhân không đáp ứng với bất kỳ hình thức chăm sóc y tế nào.
Bác sĩ George Sather điều trị cho Jean cho biết: “Cơ thể cô ấy lạnh lẽo, đông cứng giống như một miếng thịt để trong ngăn đá tủ lạnh. Các chi đều không thể gập hoặc cử động. Cô ấy không có bất kỳ một phản ứng nào trong khoảng hai hoặc ba giờ sau khi bắt đầu tan băng. Nhịp tim của Jean chỉ đập 8 lần mỗi phút. Nhiệt độ cơ thể khoảng 26 độ C”.
Bác sĩ bó tay trước trường hợp của Jean.
Các bác sĩ lắc đầu bất lực. Họ nói các tế bào hoàn toàn đông cứng, các cơ quan nội tạng cũng lạnh dần, sẽ càng khó hơn để chúng có thể thực hiện chức năng của mình cho tới khi hoàn toàn ngừng hẳn. Thậm chí não cũng không thể cứu. Jean sẽ không còn hy vọng nào cả. Điều duy nhất các bác sĩ có thể làm cho cô gái trẻ là đắp các túi giữ ấm quanh người cô để nâng nhiệt độ cơ thể lên, làm tan lớp băng.
11h trưa, Jean bắt đầu co giật và lấy lại được ý thức một cách thần kỳ. Mọi người xung quanh cô đều kinh ngạc. Vào ban đêm, cô có thể di chuyển đôi cánh tay. Đến ngày thứ 3, đôi chân của cô cũng có thể di chuyển. Cô phải điều trị y tế trong 49 ngày tiếp theo nhưng sau đó hồi phục hoàn toàn và không phải cắt bỏ ngay cả một ngón tay.
Đến nay, không ai biết được làm cách nào mà cơ thể của cô gái lại có thể phục hồi hoàn toàn khỏi trạng thái đóng băng cứng như vậy. Trường hợp của Jean Hilliard hiện vẫn còn là một bí ẩn của ngành y.
Vì sao một cơ thể có thể sống sót trong trạng thái rắn khi bị đông lạnh?
Không giống như nhiều vật chất, nước chiếm một thể tích lớn khi ở thể rắn, và thậm chí còn nhiều hơn cả khi ở thể lỏng.
Sự giãn nở theo nhiệt độ này là một tin xấu đối với các mô tế bào bị nhiễm lạnh, vì chất lỏng bên trong cơ thể có nguy cơ bị phồng lên đến mức làm vỡ tung các mạch máu, hay xuyên thủng màng tế bào.
Tuy nhiên, cơ thể của Hilliard lại chưa gặp phải những tình trạng này. Theo lý giải của khoa học, rất có thể nạn nhân dù bị hạ thân nhiệt, nhưng vẫn có nhiệt độ cao hơn nhiều so với mức đóng băng.
Nếu cơ thể người bị lạnh sẽ xuất hiện hiện tượng hạ thân nhiệt. Sự nguy hiểm của hiện tượng hạ thân nhiệt phụ thuộc vào từng mức độ giảm nhiệt cơ thể. Cụ thể khi xuống mức 32 độ C, cơ chế bù trừ nhiệt độ của cơ thể bắt đầu suy giảm, trạng thái tâm thần có thể biến đổi và thậm chí người bệnh có thể bị mất trí nhớ. Khi xuống mức 27 độ C, nạn nhân bắt đầu mất ý thức. Khi còn dưới 21 độ C, trạng thái hạ thân nhiệt nặng sẽ diễn ra, và có thể dẫn tới tử vong.
Kỷ lục ghi nhận thân nhiệt thấp nhất của một người trưởng thành mà vẫn sống sót là ở 13,7 độ C. Ở thời điểm đó, người này đã bị ngâm trong nước lạnh và đóng băng trong thời gian khá lâu.
Trên thực tế, cơ thể người hay bất kỳ loài động vật nào cũng sẽ trở nên căng cứng một cách rõ rệt khi gặp phải tình trạng hạ thân nhiệt nghiêm trọng. Điều này dễ gây nhầm lẫn với tình trạng đóng băng, dù mức độ nghiêm trọng của 2 trạng thái này là khác nhau.
Đối với Hilliard, cơ thể của cô có lẽ đã gặp phải tình trạng căng cứng giống như khi xảy ra với một xác chết. Điểm lợi của trạng thái này đó là cơ thể sẽ tự động “đóng” các kênh dẫn đến mạch máu dưới da, nhằm giữ cho các cơ quan bên trong vẫn hoạt động ổn định.
Cơ chế này hoạt động hiệu quả đến mức rất dễ khiến người ta lầm tưởng rằng nạn nhân đã chết, với biểu hiện hoàn toàn lạnh ngắt khi chạm vào và không có dấu hiệu của sự sống. Thậm chí nhịp tim cũng được đưa về ở mức rất thấp.
Khi cơ thể rơi vào trạng thái này, các nhân viên y tế sẽ rất khó để cứu giúp nạn nhân, vì họ không thể dùng kim tiêm để xuyên qua lớp da do các tĩnh mạch bị co thắt nặng nề, và tình trạng mất nước khiến chúng ép chặt vào các cơ bên trong.
Nạn nhân lúc này cũng ở trạng thái cực kỳ nguy hiểm, và cận kề cái chết nếu như không có sự can thiệp kịp thời.
Những điều này cho thấy Hilliard đã hoàn toàn may mắn và sống sót một cách thần kỳ khi cô thực sự đã “đối mặt với tử thần”.
Câu chuyện cũng cho thấy những điều tuyệt vời mà cơ thể con người có thể đạt được. Dẫu vậy, chúng ta không nên trông chờ vào may mắn, vì rất ít người có khả năng chịu đựng sự thay đổi trạng thái khắc nghiệt tới như vậy.
- Hệ thống “pin nước” khổng lồ dưới chân núi Alps
- Cơn bão Mặt trời lớn có thể “ném” không gian gần Trái đất vào hỗn loạn
- Tận mục những cây quyền trượng nổi tiếng nhất lịch sử nhân loại