Thực hư về nền văn minh ở tâm Trái đất

Xem bài viết

Với sự tiến bộ đáng kinh ngạc của công nghệ, nhân loại đã có những bước tiến lớn lao trong việc khám phá không gian, tiếp cận các hành tinh khác. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong lòng Trái đất vẫn còn là điều bí ẩn.

Agartha và lý thuyết “Trái đất rỗng”

Những câu chuyện thần thoại về vương quốc Atlantean và Lemurian đã và đang thu hút sự tò mò của nhiều nhà thám hiểm thích khám phá những bí ẩn trên thế giới.

Ngoài ra, các nhà sử học cũng quan tâm tới một số tài liệu về thế giới ngay bên dưới chúng ta, chẳng hạn như “Địa ngục của Hades” trong thần thoại Hy Lạp, đặc biệt là nền văn minh Agartha.

Mặc dù thường được liên kết với chủ nghĩa bí truyền và thần thoại, nhưng khái niệm về Agartha đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến lý thuyết “Trái đất rỗng”.

Agartha được mô tả là một thành phố không tưởng nằm trong lõi Trái đất, với nền văn minh được nuôi dưỡng bởi một Mặt trời riêng biệt. Agartha được liên kết chặt chẽ với Shamballa, một điểm nhấn nổi bật trong Phật giáo Kim Cương thừa, bên cạnh giáo lý Kalachakra của Tây Tạng.

Các giả thuyết hiện có về Agartha cho rằng, cư dân ở đây có trí thông minh siêu phàm và cách sống tốt hơn so với những đồng loại trên Trái đất.

Trong khi đó, theo thần thoại Ấn Độ giáo, Agartha là vùng đất đã mất của Aryavartas, một chủng tộc thượng đẳng đã phải chạy trốn vào các hang động và đường hầm khổng lồ dẫn đến vương quốc của họ.

Ngoài ra, kinh sách cũng chỉ ra rằng, Agartha có thể là nơi cư trú của Nagas, một chủng tộc gồm các vị thần nửa người nửa rắn đầy quyền năng và có phép thuật, sống ở tầng thấp nhất của lòng đất rỗng, tức là Patala.

Một trong những khái niệm sớm nhất về Trái đất rỗng được đưa ra bởi Edmond Halley, người phát hiện ra sao Chổi Halley. Ông đã đề xuất lý thuyết này vào thế kỷ 17, tuyên bố Trái đất bao gồm một số lớp vỏ đồng tâm được ngăn cách bởi các bầu khí quyển riêng lẻ, với lớp ngoài cùng có độ dày khoảng 800 km.

Ngoài ra, theo Halley, các hiện tượng tự nhiên như phương sai từ trường và Cực quang (Ánh sáng phương Bắc) là do các lớp này, chúng chuyển động độc lập với nhau. Lý thuyết trên được ông trình bày vào năm 1692 trên cơ sở các phép đo từ trường và kiến thức về lực hấp dẫn của Mặt trời, Mặt trăng trên Trái đất.

Nhiều người thích ý tưởng này, và mô hình Trái đất rỗng do Edmond Halley trình bày đã được cải tiến trong vài năm sau đó. Lý thuyết về nhiều thế giới được ngăn cách bởi các bầu khí quyển khác nhau đã mở đường cho một quan điểm đơn giản hơn về Trái đất rỗng. Theo lý thuyết này, mỗi lớp của Trái đất có một Mặt trời ở trung tâm, nuôi dưỡng một môi trường tươi tốt, có thể sinh sống được.

Hơn một thế kỷ sau, lý thuyết của Halley được giải thích cặn kẽ bởi John Cleves Symmes, người đã xuất bản một bài báo bày tỏ ý định du hành vào bên trong Trái đất. Ông đã dành phần đời còn lại của mình để tìm kiếm sự ủng hộ cho chuyến thám hiểm này.

Ông đã thành công trong việc vận động Quốc hội bỏ phiếu về đề xuất tài trợ cho chuyến thám hiểm của mình. Cho dù sau đó ý tưởng này đã bị bác bỏ nhưng sự nhiệt tình của Symmes vẫn không suy giảm. Ông tiếp tục phổ biến khái niệm Trái đất rỗng, phát biểu, viết bài và tiến hành các cuộc tranh luận cho đến khi qua đời vào năm 1829.

Phải chăng Trái đất của chúng ta rỗng?
Phải chăng Trái đất của chúng ta rỗng?

Nhật ký của Đô đốc Richard E.Byrd

Mặc dù lý thuyết Trái đất rỗng được nhiều người ủng hộ, nhưng chưa ai thực sự tiếp xúc với nền văn minh Agartha, cho đến năm 1947, khi câu chuyện của Đô đốc Richard E. Byrd thuộc Hải quân Hoa Kỳ làm dấy lên sự tò mò về dạng người sống trong lòng đất.

Theo một mục trong nhật ký được viết trong chuyến bay đến vùng cực của mình, Byrd đã bắt gặp một vùng khí hậu ấm áp, tươi tốt với những sinh vật giống Mammoth và một chủng người cổ đại đã từng cư trú trên Trái đất. Máy bay của ông bị điều khiển giữa không trung và buộc hạ cánh bởi những người ở trung tâm Trái đất.

Khi đáp xuống, ông đã gặp các sứ giả của một nền văn minh mà nhiều người cho là thuộc nền văn minh Agartha thần thoại. Họ bày tỏ mối quan tâm về việc nhân loại sử dụng bom nguyên tử trong Thế chiến thứ Hai và cử Byrd làm đại sứ, quay trở lại Hoa Kỳ, truyền đạt tình cảm của họ.

Tuy nhiên, người ta nghi ngờ những chi tiết này trong nhật ký của Đô đốc Byrd, cho rằng ông ta có thể chưa bao giờ đến được Bắc Cực trong các chuyến thám hiểm của mình.

Bất kể độ tin cậy của các bài viết của Đô đốc Byrd ra sao, điều quan trọng cần lưu ý là sự tương đồng giữa tài liệu của ông và những mô tả về các nền văn minh cổ đại của Atlantis, Lemuria.

Thậm chí ngày nay, người ta có thể tìm thấy bằng chứng về bộ xương cá và rạn san hô hóa thạch ở những vùng khô cằn phía Bắc dãy Himalaya, nơi được cho từng là Shamballa hoặc Shangri – La.

Mặc dù không có bằng chứng về sự thật đằng sau sự tồn tại của các nền văn minh tiên tiến hơn chúng ta ở tâm Trái đất, nhưng những câu chuyện có liên quan cũng tạo ra nhiều suy đoán.

Có thể có một vương quốc thực sự, phát triển mạnh mẽ ngay bên dưới chúng ta? Họ có liên quan gì đến thế giới của chúng ta không? Chúng ta sẽ làm gì khi phát hiện ra sự tồn tại của họ và kiến thức mà họ che giấu? Cuộc tìm kiếm sự thật về khả năng tồn tại của nền văn minh trong Trái đất rỗng vẫn còn tiếp tục.