Cô gái bị bố mẹ kiện vì từ chối mua nhà cho em trai

Xem bài viết

Ngày 12/9, Văn phòng Tư pháp thành phố Quảng Châu công bố vụ án khiến dư luận tranh cãi. Theo đó, bố mẹ kiện con gái để đòi 500.000 nhân dân tệ tiền phụng dưỡng dù không hề nuôi nấng cô.

Sự việc xảy ra khi cô gái họ Zhang, người được dì nuôi từ nhỏ, đã mua nhà cho con trai của dì để trả ơn, thay vì mua cho em ruột của cô. Điều này khiến bố mẹ Zhang bực tức, 163 đưa tin.

Năm 2 tuổi, Zhang được gửi đến nhà dì để nhờ nuôi giúp vì gia cảnh quá nghèo. Ban đầu, bố mẹ hứa sẽ đón cô về sau nửa năm.

Nhưng cuối cùng, vì điều kiện khó khăn, bố mẹ cứ để Zhang lại nhà dì, hiếm khi liên lạc. Họ cũng không hề gửi tiền sinh hoạt cho người dì.

Suốt nhiều năm, Zhang không còn có tình cảm hay sự kết nối thân mật với bố mẹ.

Cô gái bị bố mẹ kiện vì từ chối mua nhà cho em trai - Ảnh 1.

Câu chuyện bố mẹ kiện con gái để đòi tiền phụng dưỡng khiến nhiều người bức xúc.

Zhang cho biết vì hoàn cảnh nên từ nhỏ, cô đã phát triển tính cách mạnh mẽ, độc lập. Lớn lên, cô theo bạn tới Tô Châu lập nghiệp. Sau nhiều năm phấn đấu chăm chỉ, cô trở thành trưởng phòng của một công ty lớn, tự mua được nhà và xe, định cư tại thành phố này.

Ngày 27/5, tòa án địa phương đã xét xử vụ án. Theo quy định của pháp luật có liên quan, chị gái không có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em trai. Trừ trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, ví dụ bố mẹ đã mất và em trai chưa thành niên, chị gái mới phải nuôi dưỡng em.

Trong trường hợp này, em trai của Zhang ở tuổi trưởng thành. Như vậy, bố mẹ đẻ không được gây áp lực buộc cô phải mua nhà cho em trai.

Luật sư của Zhang nói rằng theo Bộ luật Dân sự, cha mẹ không có khả năng lao động, khó khăn trong cuộc sống có quyền yêu cầu con đã thành niên nộp tiền cấp dưỡng. Nhưng nguyên đơn (bố mẹ Zhang) được hưởng lương hưu, có thu nhập đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày nên không thuộc nhóm người khó khăn trong cuộc sống.

Đa số dân mạng ủng hộ cách hành xử của Zhang, cho rằng cô không cần phải mềm lòng với những người đã sinh ra nhưng không nuôi nấng hay quan tâm tới con mình, mà chỉ muốn đòi hỏi quyền lợi.

Đinh Phạm