Người bán xăng
Thông tin chị Quàng Thị S đột ngột mất tích kỳ lạ đã “bay” khắp vùng Pú Hồng. Nhiều người dân “lục lọi” trí nhớ xem lần cuối họ gặp chị S là khi nào để cung cấp cho cơ quan công an, thế nhưng hầu hết lượng thông tin ấy đều không mấy giá trị.
Vào thời điểm chồng chị S tìm đến căn nhà thuê ở Pú Hồng A sau khi mất liên lạc với vợ thì thấy cửa khóa trái. Bên trong nhà chỉ có 100 nghìn đồng, đồ đạc vẫn ngăn nắp, gọn gàng. Phía ngoài cửa chiếc xe máy chị S hay đi được khóa càng, dựng ngay ngắn.
Các điều tra viên đặt nghi vấn, chị S có nói với chồng là đi mua thóc, vậy tại sao chiếc xe máy vẫn còn ở nhà? Phải chăn có ai đó đi cùng chị S?
Câu hỏi về việc có người nào đó đón chị S được các trinh sát rà soát khắp bản, thế nhưng chẳng ai biết gì. Hai mấu chốt để làm rõ bản chất vụ án là chị S đang ở đâu và đi với ai vẫn chưa thể có lời giải.
Trong lúc công tác xác minh còn nhiều khó khăn, thông tin “mỏng” thì các trinh sát biết được, thời điểm cuối cùng chị S xuất hiện tại căn nhà thuê là 21h tối 28/11. Trước đó ít giờ, có một thanh niên đến gặp chị này và thỏa thuận về việc mua bán 30 bao thóc nếp, đồng thời hẹn sáng hôm sau sẽ đến đón chị S đi.
Cũng thời điểm này, một người hàng xóm làm nghề bán xăng ở gần căn nhà chị S thuê cũng cung cấp 1 thông tin vô cùng giá trị. Theo anh này, sáng sớm 29/11, khi tỉnh dậy thì thấy Lò Văn Phơi (SN 1985, trú tại Mường Ten, Pú Hồng, Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) đến mua xăng. Phơi vốn là đối tượng thường làm thuê cho các hộ kinh doanh tại bản, trong đó có nhà chị S.
Trong lúc mua xăng, Phơi láo liên nhìn xung quanh, sang cả bên nhà chị S. Gã hỏi vu vơ là có biết chị S đi đâu không? Người bán xăng nói chẳng rõ, có thể chị S đi mua thóc dưới bản. Mua xăng xong, Phơi bỏ đi.
Hành tung bí ẩn
Việc Phơi xuất hiện tại nhà chị S vào sáng sớm ngày mà chị này được xác định mất tích dấy lên những nghi ngờ rất lớn.
Qua tiếp xúc, sàng lọc các thông tin, Công an tỉnh Điện Biên nắm được, người đến nhà chị S vào tối 28/11 và thỏa thuận về việc mua bán 30 bao thóc nếp chính là Lò Văn Phơi. Ngay lập tức, Phơi được đưa vào “tầm ngắm”.
Phơi vốn là kẻ lao động lang thang, ai thuê gì làm nấy ở Pú Hồng. Gã cũng nghiện ma túy nặng, gia đình chẳng khá giả gì.
Khi triệu tập lên làm việc, Phơi thừa nhận mình chính là người đến nhà chị S để rao bán 30 bao thóc nếp vào tối 28/11. Phơi nói có hẹn chị S sáng 29/11 sẽ qua đón đi. Tuy nhiên, khi tới nơi theo lịch hẹn thì thấy nhà chị S khóa cửa, có dò hỏi nhưng không biết chị S đi đâu. Phơi cũng khai, anh ta có ghé mua xăng gần đó và hỏi về chị S nhưng người bán xăng không nắm được.
Lời khai của Phơi bước đầu trùng khớp với những thông tin mà các điều tra viên thu thập được trước đó. Thế nhưng, với linh cảm nghề nghiệp, các điều tra viên tin rằng, gã đàn ông này đang cố tình giấu diếm điều gì đó.
Một loạt các câu hỏi được đặt ra, Phơi vốn nghiện ma túy, hoàn cảnh kinh tế eo hẹp thì làm sao có được 30 bao thóc nếp để bán? Phơi trả lời rằng anh ta giao hộ một người họ hàng trong bản. Thế nhưng, khi xác minh, các trinh sát khẳng định cả bản chẳng ai có số lượng thóc nếp nhiều như Phơi khai.
Vào thời điểm này, một nhân chứng cho biết, khoảng 3h sáng 29/11 có nghe thấy tiếng xe máy di chuyển từ hướng nhà Phơi đi về trung tâm bản Pú Hồng A, là nơi chị S thuê nhà.
Chi tiết này đặc biệt được chú ý, liệu rằng thời điểm sáng sớm tinh mơ ấy, Phơi hay ai đã điều khiển xe máy trên cung đường này?
Lộ mặt
Mặc dù Phơi luôn khăng khăng cho rằng mình chẳng liên quan đến sự mất tích của chị S, tuy nhiên các điều tra viên bắt đầu nhận thấy những mâu thuẫn trong lời khai của đối tượng.
Với những chứng cứ được thu thập ngay sau đó về di biến động của Phơi trong thời gian trước, sau vụ việc, các điều tra viên đã liên tục đấu tranh khiến đối tượng bắt đầu “luống cuống”. Cuối cùng, Phơi “gục ngã” và bắt đầu khai về hành trình sát hại chị S của mình.
Phơi khai, do thường xuyên chở chị S đi mua thóc nên gã nắm rõ về tài chính của người phụ nữ ấy. Khi túng tiền, Phơi nảy sinh ý định đi cướp và chọn chị S làm “con mồi”.
Chiều 28/11, Phơi tìm chị S và nói có người muốn bán 30 bao thóc nếp. Chị S nghe thấy thế liền đồng ý. Phơi hẹn sáng 29/11 sẽ đến đón chị S xuống bản mua.
Khoảng 4h sáng 29/11, Phơi đến nhà chị S bằng xe máy của mình, do quen biết đã lâu nên chị S chẳng mảy may nghi ngờ, leo lên xe cùng Phơi đi mua thóc.
Trước khi đi, Phơi đã nảy ra ý định khóa xăng xe máy. Xe di chuyển đến khu vực vắng thì bất ngờ chết máy, dừng lại. Phơi bảo do xe hết xăng nên để chị S đi bộ.
Lợi dụng chị S mất cảnh giác, Phơi nhặt khúc gậy ven đường đánh mạnh vào đầu nạn nhân. Thấy chị S ngã xuống, Phơi tiếp tục dùng gậy, đá đánh liên tiếp. Sau cùng, Phơi lấy đoạn dây cao su được cắt từ săm xe máy lao vào siết cổ chị S cho tới khi nạn nhân tắt thở, tử vong.
Gây án xong, gã lục lọi lấy số tiền chị S mang theo để mua thóc rồi lên xe máy bỏ đi.
Nhằm đánh lạc hướng công an, sáng sớm 29/11, Phơi quay lại nhà chị S, gã ghé vào gần đó để mua 2 lít xăng đồng thời cố tình hỏi người bán xăng xem chị S đi đâu mà có hẹn rồi đến lại không gặp. Khi nhận được câu trả lời là “không biết” từ người bán xăng, Phơi “yên tâm” lên xe ra về.
Số tiền lấy được từ chị S, Phơi đưa 1 phần nhỏ cho vợ, số còn lại gã giấu trong nhà và lấy 400 nghìn đồng để chi tiêu cá nhân.
Căn cứ vào lời khai của Phơi, Công an tỉnh Điện Biên sau đó đã tìm được thi thể chị S bị hung thủ sát hại và giấu gần một con suối vắng vẻ.
Dù đã tính toán hết sức “ma mãnh”, thế nhưng tội ác mà Phơi gây ra đã không thể “qua mặt” được Công an tỉnh Điện Biên. Phơi bị bắt và phải chịu cái kết nghiêm minh mà pháp luật dành cho hắn.