Hiệu ứng từ hội thi
Khép lại kỳ thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 7 năm 2022 vừa qua, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, từ cấp trường đến cấp tỉnh đã tự chế tạo hàng nghìn thiết bị đào tạo để phục vụ công tác giảng dạy. Trong đó có 381 thiết bị của 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia kỳ thi toàn quốc.
Kiểm nghiệm thực tế trong quá trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tính sư phạm, các thiết bị đem đến hội thi toàn quốc lần thứ 7 được đánh giá là những phương tiện hữu ích, giúp các thầy cô giáo đạt hiệu quả thiết thực trong giảng dạy. Việc tổ chức giảng dạy trên các mô hình thu nhỏ, các thiết bị dự thi đã làm tăng tính trực quan, giúp người học nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề.
Sự khác biệt của các thiết bị này còn tạo nên hứng thú cho người dạy, người học, trực quan hóa quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát huy khả năng sẵn có, thực hiện nhiệm vụ vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu để sản xuất thiết bị, làm phong phú thêm nguồn trang thiết bị đào tạo trong nhà trường.
Hội thi lần này đã có sự chuyển biến tích cực về chất lượng, phong phú về nhóm nghề đào tạo, đa dạng về thể loại thiết bị, từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng công nghệ kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp, công nghệ AI, công nghệ IoT. Sự đa dạng của thiết bị tự làm tại hội thi cho thấy, thiết bị đào tạo tự làm đã thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các cơ sở đào tạo.
Ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, mặc dù cuộc thi đã tạo được hiệu ứng tích cực trong việc khuyến khích, thúc đẩy phong trào sáng chế thiết bị đào tạo tại cơ sở, số lượng thiết bị đào tạo ở các ngành nghề dự thi đã tăng khoảng 10% so với kỳ thi trước, tuy nhiên vẫn chưa đáng kể so với tổng ngành nghề hiện nay đang đào tạo. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa tổ chức tốt phong trào tự làm thiết bị đào tạo gắn kết với các hoạt động chuyên môn, chưa khuyến khích thầy cô giáo tự nghiên cứu sáng tạo thiết bị, nâng cao chất lượng đào tạo, học sinh sinh viên học tập nâng cao kỹ năng nghề.
Một lớp học nghề cơ điện tử với thiết bị thực hành hiện đại.
Cần
cơ chế khuyến khích
Hiện nay, vẫn còn một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp
có số giờ thực tập thấp, tỷ lệ học sinh, sinh viên trên một thiết bị đào tạo
còn cao, ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của nhà giáo cũng như việc rèn luyện
kỹ năng tay nghề cho người học. Vì vậy, việc tự nghiên cứu, sản xuất thiết bị
đào tạo trở thành nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nếu
làm tốt công tác này thì hàng năm sẽ cung cấp một số lượng đáng kể thiết bị đào
tạo, không chỉ được sử dụng tại cơ sở đào tạo mà còn có thể cung cấp cho nhiều
cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, góp phần giảm áp lực đầu tư ngân sách cho giáo
dục nghề nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, việc tổ chức các hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc, đã cho thấy
lợi ích to lớn, hiệu quả và ý nghĩa thiết thực của việc tự sản xuất thiết bị
đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều thiết bị tự làm đã đáp ứng tốt
các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo và được sử dụng tối
đa trong quá trình dạy học của các trường.
Do đó, các cơ quan quản lý và cơ sở đào tạo cần nghiên
cứu tạo cơ chế phù hợp để thúc đẩy phong trào sản xuất thiết bị đào tạo ngày
càng hiệu quả, chất lượng hơn. Xem xét việc hàng năm dành một phần kinh phí để
hỗ trợ tự sản xuất thiết bị đào tạo, có chính sách để các thiết bị đào tạo tự
làm đạt giải cao trong các hội thi toàn quốc có chỗ đứng trong các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp. Xây dựng chính sách để khuyến khích phong trào nghiên cứu, sáng tạo,
tự thiết kế, chế tạo thiết bị đào tạo trở thành công việc thường xuyên trong hoạt
động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Anh Quang