Từ vụ cô gái lái Mercedes buông 2 tay dùng điện thoại, hành vi này bị phạt nặng thế nào?

Xem bài viết

Những ngày vừa qua, mạng xã hội xôn xao trước đoạn clip ghi lại cảnh nữ tài xế ô tô đi xe Mercedes vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác.

Sau khi clip lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội, cô gái đã bị cơ quan Công an mời lên làm việc. Theo đó, cô gái đã bị xử phạt với các lỗi: không thắt dây an toàn khi điều khiển xe trên đường, dùng tay sử dụng điện thoại khi đang lái xe trên đường với mức phạt 3.400.000 đồng và tước giấy phép lái xe (GPLX) 2 tháng.

Từ vụ cô gái lái Mercedes vừa dùng điện thoại, hành vi này bị phạt nặng thế nào? - Ảnh 1.

Cô gái thả 2 tay dùng điện thoại khi đang điều khiển ô tô. Ảnh: MXH

Tình trạng như cô gái trên không là hiếm gặp, nhiều người không thể rời được chiếc điện thoại dù chỉ trong một vài phút, ngay cả khi họ đang điều khiển phương tiện giao thông. Đây là hành vi rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến khả năng tập trung quan sát, xử lý tình huống đột xuất khi điều khiển phương tiện, nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông. 

Việc sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện giao thông dù là xe máy hay thậm chí là xe đạp đều có thể bị xử phạt.

Cụ thể, theo điểm a khoản 4 và điểm b, điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại điểm c, điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021), mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe với người điều khiển xe ô tô: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe tô tô có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.

Từ vụ cô gái lái Mercedes vừa dùng điện thoại, hành vi này bị phạt nặng thế nào? - Ảnh 2.

Việc sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện giao thông dù là xe máy hay thậm chí là xe đạp đều có thể bị xử phạt.

Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 3 tháng. Bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 tháng đến 4 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy cũng sẽ bị phạt từ 800 nghìn đến 1.000.000 đồng cho hành vi “sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính khi điểu khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện)”.

Như vậy, không chỉ trực tiếp sử dụng điện thoại mà ngay cả đeo tai nghe khi lái xe máy cũng có thể bị phạt rất nặng.

Các chuyên gia khuyên rằng, trong trường hợp cần phải sử dụng điện thoại (gọi điện, nhắn tin), hãy dừng hẳn xe lại ở một vị trí thích hợp để giải quyết, sau đó mới tiếp tục di chuyển để đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh.