Ninh Bình: Câu chuyện về cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản.

Xem bài viết

Ninh Bình: Câu chuyện về cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản.Fu khách tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam vừa diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.

Việc đăng cai tổ chức Lễ kỷ niệm được cho là cơ hội để Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung khẳng định tinh thần của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972 đã và đang được thực thi hiệu quả, trở thành “kim chỉ nam” cho công tác bảo tồn di sản, đồng thời là dịp để một lần nữa Việt Nam chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy những nỗ lực, kết quả trong công tác bảo tồn di sản với phương châm “Sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản.”

Không phải ngẫu nhiên mà Ninh Bình được chọn là nơi đăng cai sự kiện quan trọng trên với sự hiện diện của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO.

Cách đây 10 năm, Ninh Bình đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Công ước và đón nhận Bằng di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và Danh lam thắng cảnh Tràng An-Tam Cốc-Bích Động.

Sau 10 năm, như đánh giá của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành hình mẫu, câu chuyện thành công trong việc duy trì mối quan hệ cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản.

Công thức thành công của Ninh Bình

Điều gì đã làm nên thành công của Ninh Bình với Quần thể danh thắng Tràng An?

Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 12.252ha, bao gồm Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tam Cốc-Bích Động và một phần khu rừng đặc dụng Hoa Lư.

Nhờ vào một chiến lược bảo tồn bài bản, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị vốn có của di sản, trong đó có việc áp dụng một cách có hiệu quả mô hình quản lý hợp tác công-tư, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, Quần thể danh thắng Tràng An đã đáp ứng những giá trị đặc sắc nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ, địa chất, địa mạo và truyền thống cư trú của người tiền sử, để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết khi tái lập tỉnh, Ninh Bình là một tỉnh nghèo, kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp. Năm 2001, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 03 về phát triển du lịch đến 2010.

Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về phát triển du lịch, trong đó xác định chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ “Nâu” sang “Xanh,” chuyển từ công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch.

Do vậy, từ đó đến nay, tỉnh luôn chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, khoanh vùng cấm và tạm cấm khai thác các dãy núi đá vôi, rừng đặc dụng… để phục vụ cho du lịch.

Quần thể danh thắng Tràng An, thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2019 (sau 5 năm được UNESCO ghi danh), đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách; doanh thu du lịch toàn tỉnh đạt 3.600 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2015.

[Kỷ niệm 50 năm Công ước 1972: Việt Nam cùng thế giới bảo tồn di sản]

Xác định tầm quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An trong “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh, Ninh Bình đã xây dựng chiến lược xây dựng Tràng An trở thành một khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế với sự kết hợp của các loại hình du lịch, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị di sản, kết hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Đó là hướng đi chuyên nghiệp, bền vững, tạo động lực để Ninh Bình phấn đấu thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia.

Đây cũng là nội dung được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXII. Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh phấn đấu số khách du lịch đạt 8-9 triệu lượt người; doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên.

Ninh Binh: Cau chuyen ve can bang giua phat trien va bao ton di san. hinh anh 2Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc tiếp Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch đã tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương. Hiện, thu nhập hằng tháng của người dân tham gia cung ứng các hoạt động du lịch-dịch vụ cao gấp 3 lần so với trước thời điểm di sản được công nhận, cuộc sống người dân được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần được từng bước nâng lên.

Bà Lưu Thị Dung, một người dân tham gia cung cấp dịch vụ du lịch ở Tràng An, cho biết: “Trước đây, người dân chúng tôi quanh năm chỉ gắn với ruộng đồng, chăn nuôi, canh tác nông nghiệp, thì nay còn trực tiếp tham gia làm các công việc liên quan đến bảo vệ di sản, dịch vụ du lịch, như chèo đò, hướng dẫn viên, làm công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bán hàng lưu niệm, làm việc tại các nhà hàng, khách sạn. Chúng tôi tự hào vừa là chủ nhân của di sản, vừa là cầu nối di sản, hàng ngày được gặp gỡ, giới thiệu và kể cho du khách trong và ngoài nước những câu chuyện mộc mạc về vẻ đẹp, những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương mình, về di sản của mình.”

Để có được những thay đổi nhận thức lớn như vậy từ phía người dân, ngay từ sớm, trước và ngay khi mới được UNESCO vinh danh, Ninh Bình đã ban hành hệ thống các văn bản xác định một cách toàn diện về tầm nhìn, nguyên tắc, định hướng cơ bản việc bảo vệ, quản lý di sản; góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế-xã hội nói chung, phát triển du lịch và dịch vụ nói riêng.

Ninh Binh: Cau chuyen ve can bang giua phat trien va bao ton di san. hinh anh 3Du khách tham quan Khu di tích đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Tỉnh đã phối hợp với các chuyên gia UNESCO tổ chức các đợt khảo sát, nghiên cứu tại Tràng An để cung cấp thêm các dữ liệu kể cả về công tác quản lý lẫn công tác nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, Ninh Bình đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, lồng ghép việc quán triệt các quy định của pháp luật, của tỉnh về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản cho gần 1.800 cá nhân, tổ chức đang tham gia làm du lịch và dịch vụ không chỉ riêng với vùng lõi, mà còn cả ở các vùng đệm tham gia. Nhờ đó, người dân đã hiểu biết và ứng xử có trách nhiệm hơn với những giá trị của di sản.

Đánh giá về mô hình bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Ninh Bình, Tiến sỹ Ryan Rabett, Đại học Cambride, Vương quốc Anh nhận định: “Đây là mô hình rất tuyệt vời, khá độc đáo ở Đông Nam Á, nơi mà chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cùng chung tay bảo tồn di sản, phát triển du lịch. Mọi hoạt động đều đan cài trên cơ sở hài hòa các lợi ích. Số tiền thu được từ du lịch lại tái đầu tư vào hoạt động bảo tồn, nghiên cứu khảo cổ học. Tôi cho rằng đây là mô hình hợp tác công tư hiệu quả trong quản lý di sản.”

Chung tay bảo vệ và phát triển di sản trước các thách thức

Như nhiều di sản thế giới khác, có được những kết quả như ngày hôm nay là điều không hề dễ dàng và chặng đường phía trước để giữ gìn, tiếp tục phát huy các giá trị của di sản đúng theo quy định của Công ước đối với Ninh Bình, Quần thể danh thắng Tràng An và các di sản khác của Việt Nam cũng thực sự gặp nhiều thách thức.

Theo Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, có 2 thách thức lớn trong việc thực thi Công ước. Thách thức đầu tiên là việc cần thiết phải dung hòa giữa phát triển với bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa – đây là một vấn đề có tính quyết định tới việc gìn giữ địa cầu.

“Có một lý do thôi thúc tôi tới Việt Nam – một quốc gia từng đạt tốc độ phát triển kinh tế vào nhóm cao nhất thế giới trong vòng 20 năm qua, nhưng Việt Nam đồng thời cũng là một quốc gia thực hiện rất nhiều nỗ lực để đảm bảo rằng không hy sinh việc bảo vệ di sản cho phát triển. Tôi đã có dịp được thấy Khu Di sản Tràng An kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên như thế nào,” bà Audrey Azoulay nói.

Theo bà Audrey Azoulay, đây chính là lý do vì sao UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ.

Tại Tràng An, UNESCO ủng hộ những người phụ nữ chủ đò truyền thống trong việc tiếp tục phát huy cách thức tham quan di sản thân thiện với sinh thái này.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh, trong thế giới hiện nay, chúng ta cần đảm bảo rằng những nỗ lực dung hòa giữa du lịch và phát triển bền vững với bảo tồn thiên nhiên như ở Tràng An được thực hiện tại tất cả các khu di sản thế giới tại Việt Nam, để gìn giữ vẻ đẹp của từng khu di sản ấy, cũng như đối với tất cả các khu di sản thế giới trên toàn cầu.

Một thách thức lớn khác mà bà Audrey Azoulay cho rằng các quốc gia có di sản cần phải vượt qua là biến đổi khí hậu.

Tổng Giám đốc UNESCO cho rằng, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới tất cả mọi người, ảnh hưởng đến cả văn hóa và đó là điều mà tất cả chúng ta cần quan tâm. Rất nhiều trận lũ lụt, cháy rừng và những thiên tai khác xảy ra ở những nước mà họ không phải là người gây ra.

Nếu nhìn qua một lượt những Di sản Thế giới được UNESCO công nhận trên khắp thế giới, có những di sản trong số này bị ảnh hưởng rất nhiều. Song cũng chính các di sản thiên nhiên thế giới ấy lại có thể góp phần đem tới giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, nếu chúng ta mở rộng các vùng di sản, đặc biệt là các di sản thiên nhiên và khu dự trữ sinh quyển, khu vực bảo vệ sẽ lớn hơn.

Khi khu vực di sản được mở rộng, không chỉ di sản đó mà thiên nhiên cũng được bảo vệ và góp phần tạo ra sinh kế cho người dân địa phương. Tràng An của Ninh Bình là một ví dụ điển hình.

Để mỗi người dân có được ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản, Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh đến mặt giáo dục, một trong những lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ giữa UNESCO và Việt Nam.

“Tôi hy vọng trong chương trình giáo dục dành cho trẻ em sẽ có các nội dung về giáo dục bảo vệ môi trường, bảo vệ khí hậu, bảo vệ văn hóa, để các em sau này trở thành những người tốt hơn chúng ta hiện tại,” Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nói.

Có thể nói, trước những thách thức trên, đã đến lúc phải đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng mà chúng đáng có, để mỗi người chúng ta sống hài hòa trong di sản, bảo vệ di sản và thực sự hưởng lợi từ di sản.

“Chúng ta cần phải coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ví dụ ở Việt Nam, và như mô hình mẫu mực của Tràng An,” Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh./.

Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)