Hiện thực hóa khát vọng sông Hồng: Dệt nên diện mạo văn hóa mới

Xem bài viết

Hien thuc hoa khat vong song Hong: Det nen dien mao van hoa moi hinh anh 1Nghi lễ rước nước đình Chèm ven sông Hồng. (Ảnh: TTXVN phát)

Hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, sông Hồng được ví như dòng sông văn hóa, dòng sông lịch sử. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã chỉ rõ văn hóa, lịch sử là một trong những thành tố hình thành trục không gian đặc trưng hành lang xanh, với các chức năng chính là văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch…

Đồng thời, khu vực này hình thành trục không gian văn hóa, cảnh quan sinh thái Hồ Tây-Cổ Loa. Việc hình thành và đang xúc tiến hình thành các không gian văn hóa sáng tạo mới khu vực sông Hồng sẽ góp phần hiện thực hóa định hướng này.

Ước vọng không gian văn hóa sáng tạo mới

Về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đề cập đến việc nghiên cứu các thiết chế văn hóa ở các trục không gian văn hóa kết nối giữa các địa phương, bao gồm: Hệ thống trung tâm văn hóa dọc bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng; trục kết nối không gian Thành cổ Hà Nội và trục Tây Hồ Tây-Hồ Tây-Cổ Loa; tổ chức các không gian lễ hội văn hóa, các sự kiện văn hóa lớn của thủ đô; công trình văn hóa cấp thành phố, đào tạo chuyên ngành nghệ thuật, công viên vui chơi, giải trí, quảng trường lớn kết hợp với tượng đài, công viên chuyên đề; không gian sinh hoạt văn hóa được xây dựng mới kết hợp với tổ hợp công trình công cộng, đa chức năng… Khi được triển khai, nhiều không gian văn hóa sáng tạo mới sẽ được ra đời từ đây, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo của Hà Nội phát triển.

Đặc biệt, từ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố dành sự quan tâm đến hoạt động sáng tạo nhằm hiện thực hóa cam kết với UNESCO. Trong bối cảnh thủ đô thiếu các địa điểm đủ lớn để hình thành những không gian sáng tạo có quy mô, tầm cỡ, khu vực sông Hồng sẽ mở ra cơ hội mới.

Với 5.400ha đất bãi sông Hồng (chiếm 50%), Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội lớn, trong đó có các không gian sáng tạo. Đặc biệt, khu vực bãi giữa sông Hồng đã và đang có một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đề xuất xây dựng không gian sáng tạo kết nối với khu đô thị trung tâm từ nhiều năm qua.

Quan tâm đến quy hoạch sông Hồng, các nhà quy hoạch, kiến trúc chỉ ra tại những vị trí ven sông có nhiều địa điểm thích hợp để xây dựng không gian sáng tạo, ví như các khu vực: Bên ngoài bán đảo Quảng An, Chương Dương, Phú Viên…

Trên căn gác một ngôi nhà nằm ven sông Hồng, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh say sưa nói về tiềm năng, lợi thế phát triển không gian văn hóa sáng tạo tại khu vực này. Ông cho rằng, thành phố muốn có tương lai lâu dài cần xác định được giá trị cốt lõi được bảo vệ, phát huy, đó chính là không gian thiên nhiên sông Hồng và hình thành không gian sáng tạo để trở thành cực phát triển hiệu quả.

“Quận nghệ thuật sông Hồng” do ông ấp ủ và thiết kế ra hình hài từ nhiều năm qua, được giới kiến trúc sư, các nhà quản lý văn hóa đánh giá cao. Với diện tích 5ha, nằm ngay khu vực bãi bồi, dưới chân cầu Chương Dương, “Quận nghệ thuật sông Hồng” có thể kết nối được dễ dàng với các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội như: Hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, hồ Tây, làng nghề Bát Tràng…

Nơi này được ví như một chiếc “tổ” dành cho sáng tạo, có một không gian đủ rộng dành cho nhiều hoạt động sáng tạo quy tụ về đây. Đó là các studio sáng tạo, văn phòng nội thất, kiến trúc, marketing, truyền thông… để thu hút các nhà khởi nghiệp trẻ.

Hien thuc hoa khat vong song Hong: Det nen dien mao van hoa moi hinh anh 2Không gian công cộng đa chức năng phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) – một không gian sáng tạo thu hút học sinh đến học tập, trải nghiệm. (Ảnh: TTXVN phát)

“Tổ” này tạo nên một hệ sinh thái, vừa phục vụ cộng đồng sáng tạo, vừa phục vụ nhu cầu thụ hưởng của công chúng. Tại đây, nghệ thuật và sáng tạo là hai yếu tố xuyên suốt từ không gian bên trong các tòa nhà đến không gian ngoài trời.

Chia sẻ vấn đề này, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho biết, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng hợp tác để xây dựng “Quận nghệ thuật sông Hồng.” Tuy vậy, thành phố vẫn chưa có hành lang pháp lý để biến dự án này thành hiện thực. Ông hy vọng trong một tương lai gần, khi Hà Nội tập trung phát triển đô thị sông Hồng, “Quận nghệ thuật sông Hồng” sẽ có thêm cơ hội mới.

[Bộ GTVT sẽ kiểm định hiện trạng cầu Long Biên trước khi sửa chữa lớn]

Là quận trung tâm của nội đô, Hoàn Kiếm đang lập đề án nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho rằng, việc tạo lập một khu vực công viên văn hóa, du lịch chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên vốn có, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đô thị đảm bảo văn minh, hiện đại, kết hợp với xây dựng không gian du lịch văn hóa gắn kết với lịch sử, các phong tục tập quán truyền thống gắn liền với sông nước.

Tại khu vực bãi giữa, quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức khu chức năng không gian cảnh quan du lịch nông nghiệp; các khu chức năng sáng tạo; sân chơi, khu thể thao… Khu vực bãi bồi hình thành công viên cây xanh; khu dịch vụ, khu thể thao để làm nơi sinh hoạt cộng đồng gắn với không gian mặt nước; không gian nghệ thuật cộng đồng, không gian sáng tạo với trọng tâm nhấn mạnh nội dung giá trị lịch sử văn hóa sông Hồng.

Trước đó, kiến trúc sư Việt kiều Nguyễn Nga từng đề xuất ý tưởng tôn tạo cầu Long Biên và phát triển khu vực quanh cầu tạo ra một không gian văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của thủ đô. Đầu những năm 2000, một doanh nghiệp Mỹ đề xuất thành phố xây dựng đô thị khoa học, tập trung sáng tạo tại khu vực bãi Tàm Xá (huyện Đông Anh), gần với khu vực chân cầu Thăng Long. Bởi vậy, khu vực sông Hồng có thể tạo ra những không gian văn hóa sáng tạo, góp phần tạo ra nét đặc trưng riêng cho sông Hồng cũng như cho Hà Nội nói chung.

Những đốm sáng ban đầu

Cùng với những đề án không gian văn hóa sáng tạo khu vực sông Hồng đã hình thành và đang xúc tiến hình thành, ngay tại khu vực bờ vở sông Hồng, một số không gian sáng tạo của các tổ chức, cá nhân yêu Hà Nội đã được nhen nhóm. Quy mô các không gian này tuy còn khiêm tốn nhưng đã làm thay đổi cảnh quan, điều kiện sống, góp phần tạo thêm giá trị văn hóa tinh thần cho người dân. Mọi người phấn khởi, cùng góp công sức xây dựng và bảo vệ các không gian này.

Hơn hai năm trước, người dân phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm nói riêng và người dân Hà Nội nói chung ngỡ ngàng khi một bãi rác ven sông Hồng, vô cùng ô nhiễm được biến thành Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân dài khoảng 200m với 16 tác phẩm nghệ thuật được sắp đặt của các nghệ sỹ trong và ngoài nước.

Mỗi tác phẩm là một câu chuyện về dòng chảy văn hóa, lịch sử Thăng Long-Hà Nội. Đó là: Xẩm tàu điện, Gánh hàng rong, Bức tường danh vọng, Phù sa, Nhà nổi, Thuyền… Đặc biệt, các tác phẩm đều được làm từ nguyên liệu tái chế do các họa sỹ và chính người dân nơi đây thu lượm, góp công sức.

Ngay khi hình thành, con đường nghệ thuật tạo ấn tượng tốt cho cả giới nghệ thuật, các nhà quản lý cũng như người dân và du khách. Nơi này trở thành điểm hẹn của đông đảo người dân trong vùng đến vui chơi, giải trí và là nơi tổ chức một số sự kiện văn hóa khác.

Theo Họa sỹ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Giám đốc dự tuyển dự án Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân: “Những dự án mang yếu tố cảnh quan và cộng đồng như vậy đã làm cho không gian vốn chật hẹp, ngổn ngang của khu vực trung tâm thành phố được cân bằng trở lại và tìm được sức sống mới ngay trên chính những di sản không gian, di sản kiến trúc đậm tính lịch sử.”

Hien thuc hoa khat vong song Hong: Det nen dien mao van hoa moi hinh anh 3Bãi bồi ven sông Hồng mở ra nhiều cơ hội để xây dựng các không gian sáng tạo. (Ảnh: TTXVN phát)

Mới đây, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống phối hợp cùng các doanh nghiệp, tổ chức cải tạo một bãi đất hoang ven sông Hồng, thuộc phường Chương Dương chứa đầy rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường thành không gian công cộng đa chức năng. Khu vực này rộng 1.500m2 với khu vui chơi của trẻ em, vườn rừng cộng đồng, đường kết nối cộng đồng với không gian xanh…

Anh Lê Quang Bình, điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống chia sẻ: Mạng lưới triển khai thử nghiệm kết nối người dân với thiên nhiên. Dù mới cải tạo được một diện tích nhỏ, nhưng vườn rừng ở Chương Dương đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Đặc biệt, nhiều học sinh đã ra vườn rừng để học về cây, về thiên nhiên. Đây là điều rất ý nghĩa vì trẻ em ở Hà Nội thiếu các không gian công cộng, đặc biệt không gian xanh thiên nhiên như các khu dọc sông Hồng, khu bãi giữa.

Không gian 282 Design, phố Phú Viên, phường Bồ Đề là một không gian sáng tạo mới lạ, độc đáo và rất hài hòa. Khoảng sân ở giữa được sắp đặt để khách trải nghiệm những sinh hoạt dân dã và nơi tổ chức các buổi trình diễn nghệ thuật, chia sẻ sáng tạo. Đặc biệt, khu chia sẻ sáng tạo được thiết kế nhiều công năng: Triển lãm hội họa; nơi tổ chức các buổi giảng dạy về nghệ thuật, về trồng cây, làm mô hình; hoạt động vui chơi sáng tạo; thư viện sách kiến trúc nghệ thuật…

Các hạng mục được thiết kế tại đây đều sử dụng vật liệu tái chế như: Cánh cửa gỗ, lưới sắt, rồi cả sỏi, đá, thép, gỗ… đều là đồ cũ bỏ đi và được sắp đặt, lắp ghép rất hợp lý. Rất nhiều người, đa phần là các bạn trẻ đều thích thú và thường xuyên tìm đến không gian này.

Trước kia, có nhiều lý do khiến Hà Nội chưa khai thác được nhiều các giá trị sông Hồng, nhưng thời điểm này cũng là lúc thành phố quan tâm nhiều hơn đến dòng sông. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ấp ủ những kế hoạch để đánh thức tiềm năng sông Hồng, trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Đó là hướng đi phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay khi chúng ta mong muốn có nhiều hơn nữa các không gian sáng tạo, giải trí để tập hợp những con người, ý tưởng, lan tỏa thông điệp sáng tạo để tạo thêm ý nghĩa cho cuộc sống, xây dựng một xã hội đáng sống trong một đô thị đã có quá nhiều hối hả, bận rộn.”

Trong thời gian không xa, khi hiện thực hóa các không gian sáng tạo, sông Hồng không chỉ là tạo nên một diện mạo mới cho dòng sông văn hóa, lịch sử cùng cảnh quan đẹp mà nó còn tác dụng thúc đẩy hoạt động du lịch. Bởi du lịch sông Hồng dù đã bước đầu được khai thác nhưng chưa tận dụng hết tiềm năng vốn có để trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc cho thủ đô./.

Bài 3: Biến tiềm năng thành lợi thế du lịch

Đinh Thuận-Minh Nghĩa (TTXVN/Vietnam+)