Dư luận Đông Âu quan tâm về chuyến thăm Hungary của Chủ tịch Quốc hội

Xem bài viết

Dư luận Đông Âu quan tâm về chuyến thăm Hungary của Chủ tịch Quốc hộiChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér trước khi hội đàm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, dư luận tại Hungary nói riêng và Đông Âu nói chung đều hết sức quan tâm đến chuyến thăm chính thức Hungary của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér, diễn ra từ ngày 25-28/6.

Tại Hungary, báo Dân tộc Hungary (Magyar Nemzet) đăng bài viết với tiêu đề “Chương mới trong quan hệ song phương giữa Hungary và Việt Nam có thể bắt đầu,” trong đó đánh giá quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam-Hungary đã có nhiều bước tiến nổi bật, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Orban Viktor, cũng như chuyến thăm Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tờ báo nhận định chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là nền tảng thúc đẩy quan hệ “Đối tác toàn diện” Việt Nam-Hungary bước sang chương mới trong thời gian tới, nhất là sau khi Việt Nam và EU hoàn thiện thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Bài viết “Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Hungary” trên Báo Tiếng nói Hungary (Magyar Hang) đánh giá quan hệ Đối tác toàn diện Hungary và Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, Hungary là một trong số các quốc gia đầu tiên phê chuẩn EVFTA và EVIPA.

Tờ báo này nhận định Việt Nam có ưu thế hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á về thương mại với EU khi hoàn tất 2 hiệp định lớn là EVFTA và EVIPA.

[[Infographics] Quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hungary]

Tại Cộng hòa Séc, trang bình luận lớn nhất Séc ParlamentníListy.cz đăng bài viết tiêu đề “Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Hungary,” với nội dung đề cao những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế, ngoại giao đa phương của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều bất ổn.

Bài viết cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Âu.

Trong khi đó, trang mạng Sự thật của chúng ta (Nase Pravda) của Đảng Cộng sản Séc đăng bài viết “Về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đông Âu,” đánh giá cao việc Việt Nam đã thành công trong điều hành đất nước thời gian qua thực hiện nhiệm vụ đảm bảo phát triển kinh tế và an sinh xã hội, đồng thời kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của COVID-19, trong đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là một trong bốn vị trí lãnh đạo có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.

Bài viết nhận định chính sách đối ngoại kênh Đảng, kênh Nghị viện của Việt Nam trong thời gian qua đạt hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam.

Cũng theo bài báo, quan hệ ngoại giao truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đang ngày càng phát triển, chuyến thăm các nước Đông Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho thấy nhiều cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam với Séc và Slovakia, nhất là khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có thời gian thời gian học tập tại đây (khi còn Tiệp Khắc).

Tại Ba Lan, với tiêu đề “Việt Nam thực sự trở thành con hổ mới của châu Á,” bài viết trên trang báo Korso Kolbuszowskie đã khẳng định thành công phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam sau thời kỳ “Đổi mới” cũng như việc kiểm soát được đại dịch COVID-19 thời gian gần đây, thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực năng lượng xanh và năng lượng tái tạo.

Bài viết đánh giá Việt Nam đã đúng đắn trong chiến lược đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và nhận định chuyến thăm các nước châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho thấy Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước châu Âu nói chung và Đông Âu nói riêng.

Trên phạm vi châu Âu, trang báo mạng EUtoday.net đã đăng bài viết “Cơ hội hợp tác giữa Việt Nam, ASEAN và EU trước những thách thức mới trên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” đề cập nội dung ASEAN và các nước thành viên (trong đó có Việt Nam) được xác định là đối tác trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU.

Bài viết cho rằng quan hệ EU-Việt Nam đã có bước chuyển mình đáng kể khi các hiệp định EVFTA, EVIPA đang được thúc đẩy và chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến các nước châu Âu (Anh, Hungary) là động thái cho thấy Việt Nam mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác Việt Nam-EU trong các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế./.

Việt Dũng (TTXVN/Vietnam+)