Cả nhà phải đi chân đất vì cơn thèm kẹo của anh trai tôi

Xem bài viết

Mẹ vắng nhà mấy hôm về quê có việc. Nay mẹ ở quê ra, cạnh mấy chục trứng gà và giỏ rau xanh thì tôi thấy có 1 bọc giấy xi măng nho nhỏ. Tò mò mở ra xem thấy bên trong là khoanh mộng lúa non còn nguyên rễ. Mộng vàng ươm, thơm dịu. Hỏi mẹ xách lên làm chi, mẹ cười bảo để nấu ít mạch nha cho anh Tủn. Anh mê mạch nha nhất trên đời, thứ quà vặt rẻ tiền nhưng mang đến đủ loại niềm vui.

Tủn là thằng anh sinh đôi với tôi. Dù đẻ ra cách nhau có mấy phút nhưng chúng tôi khác biệt hoàn toàn. Ai cũng bảo tôi hiền lành dễ bắt nạt, chẳng bù cho anh Tủn nghịch ngợm như tướng cướp. Từ bé tôi đã được khen ngoan ngoãn chịu khó. Còn Tủn thì lười biếng ham chơi. Sự đối lập của chúng tôi khiến căn nhà không có ngày nào yên tĩnh. Hôm nào không chí chóe cãi nhau thì chắc chắn trời mưa, bởi 2 đứa tôi cứ mưa là lăn ra ngủ!

Tôi không thích ăn đồ ngọt mà chỉ mê hoa quả. Anh Tủn thì ngược lại. Suốt cả thời ấu thơ, 10 trận Tủn bị bố đánh đòn thì 9 trận liên quan đến quà vặt. Lúc thì đi học giật kẹo của bạn, lúc thì đánh nhau với lũ nhóc trong xóm để tranh mấy chiếc bánh. Hôm thì mẹ phải đi đền tiền vì Tủn “lỡ tay” nhấc nồi niêu treo ở bờ rào nhà người ta đem ra đổi kem mút, bánh quế. Bữa thì Tủn lén nghịch đun chảy socola, chẳng biết múa may ra sao mà suýt cháy rụi cả cái bếp.

Tóm lại vì miếng ăn mà ông anh sinh đôi của tôi gây sự suốt ngày. Tôi nhớ một lần bố đánh Tủn dữ lắm, trận mưa roi đen đét tới mức quần của anh rách bươm. Dù thương Tủn nhưng mẹ cũng không can vì bữa đó Tủn “ngựa quen đường cũ”, tật ham ăn của anh đã báo hại cả nhà.

Hồi ấy anh em tôi cỡ 7 tuổi, đang nghỉ hè chuẩn bị lên lớp 2. Bố đi làm đồng mệt, mẹ cũng đi chợ về muộn không kịp nấu cơm trưa. Cả nhà úp vội bát mì tôm rồi ai nấy lăn ra ngủ khò. Tủn ăn kẹo nhiều quá nên sâu răng, có mấy cái răng sữa lung lay mẹ đưa đi nhổ sạch. Anh chàng đau sốt suốt mấy hôm không ăn được gì. Liếc sang tiệm tạp hóa đối diện cổng nhà mà Tủn thèm đến rớt nước miếng. Nhưng anh sợ bị rụng cả hàm răng như lời mẹ dọa nên cố gắng nhịn kẹo phải đến 3-4 hôm.

Rồi chuyện gì đến cũng đến. Giữa trưa hè nắng gắt, bỗng tiếng rao vang lên quyến rũ lạ kỳ: “Ai bàn là quạt cháy máy bơm, hỏng không dùng nữa đổi thành mạch nha đê!”. Phát hiện ra Tủn với đôi mắt thèm thuồng đứng sau cổng, chú bán kẹo cứ đạp xe lượn đi lượn lại mấy vòng. Cuối cùng lý trí không thắng nổi cái dạ dày, anh tôi dứt khoát gom 4 đôi tổ ong lẫn dép lào trước cửa đưa cho chú bán kẹo! 4 đôi dép lành lặn “xịn xò” đổi lấy 2 que mạch nha bé xíu, đúng là pha giao dịch lỗ không tả nổi.

Khoảnh khắc diễn ra sự kiện kinh hoàng ấy, cả nhà tôi vẫn ngủ ngáy ngon lành. Không ai biết rằng mình sẽ phải đi chân đất, làm đủ việc trong sự cười cợt thắc mắc của làng xóm. Tủn đang nhai kẹo nhồm nhoàm thì bố tỉnh giấc. Thế là ông anh dại dột của tôi được ăn thêm “buffet roi” no nê. Tối đó Tủn bị phạt nhịn cơm. Đến đêm mẹ tôi thương anh, lại giấu bố luộc cho anh mấy quả trứng.

Mẹ xắn quần đi chân không ra chợ, cắn răng dẫm qua hàng cá tôm để ngồi sạp bán nốt đống rau. Sau đó mẹ mua tạm 4 đôi dép mới cho cả nhà. Tính ra bằng 3 ngày tiền lãi dưa cà của mẹ chứ chẳng rẻ. Lớn lên hiểu chuyện rồi thì Tủn ân hận lắm. Anh bỏ hẳn tật ăn vặt linh tinh, thấy đồ ngọt là tránh xa cả mét. Sinh nhật mẹ năm nào Tủn cũng mua tặng đôi giày mới, có đôi hàng hiệu giá gần chục triệu cơ. Mẹ thì vẫn giữ nguyên tính tiết kiệm giản đơn, hiếm khi xỏ mấy đôi sang chảnh ấy.

Lỗi lầm ngày bé của Tủn chẳng có gì ghê gớm. Nhưng lúc nhà còn nghèo thì dép guốc cũng là chuyện to to. Cả năm trời chỉ Tết là được mua dép mới, ấy thế mà anh tôi 1 lúc đem 4 đôi lấy kẹo gặm ăn! Mỗi khi nhắc lại phi vụ trộm dép đổi kẹo của anh Tủn là cả nhà tôi bò lăn ra cười. Tuổi thơ chỉ 1 lần trôi qua như thế, những tháng năm thật ngọt ngào làm sao…