Khảo sát chỉ ra: Hơn 40% trẻ vị thành niên phạm tội từng bị cha mẹ làm điều này

Xem bài viết

Một nhà tâm lý trị liệu ở Trung Quốc từng chia sẻ câu chuyện gây chú ý: Bé gái 5 tuổi nọ liên tục nói chuyện một mình với chú gấu bông, nhưng không muốn nói chuyện với bố mẹ. Phụ huynh nghĩ con mình bị tự kỷ, tìm cách chữa trị khắp nơi. Sau nhiều lần điều trị tâm lý, cô bé mới nói một lời khiến bố mẹ rơi nước mắt: “Đồ chơi không mở miệng mắng con”.

Hóa ra người mẹ rất nóng nảy, thường nói với con: “Đừng gây chuyện…”; “Tại sao con cứ khóc hoài thế?”; “Tại sao con ngốc thế?”… Câu nói cửa miệng của mẹ đã biến thành lời trách mắng nặng nề trong lòng đứa trẻ. Để không làm mẹ lo lắng và tức giận, cô bé bắt đầu xa lánh, không nói chuyện với mẹ, không muốn giao du với người khác, thường trốn trong phòng tâm sự với gấu bông.

Khảo sát cho thấy: Hơn 40% trẻ vị thành niên phạm tội từng bị cha mẹ làm điều này - Ảnh 1.

Sau nhiều lần điều trị tâm lý, cô bé mới nói một lời khiến bố mẹ rơi nước mắt: “Vì đồ chơi không mở miệng mắng con”. (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, nếu cha mẹ cứ chối bỏ, đánh giá con cái không tốt, phóng đại khuyết điểm của con vô độ thì lâu dần trẻ sẽ phải chịu những tổn thương tâm lý khôn lường. Theo một khảo sát, hơn 40% trẻ vị thành niên phạm tội từng bị cha mẹ bạo hành bằng lời nói.

01. Cha mẹ thường đánh giá không tốt, con cái mặc cảm sâu sắc

Chia sẻ trên diễn đàn Zhihu của Trung Quốc, một cư dân mạng kể: “Kể từ khi tôi còn là một đứa trẻ, bố mẹ tôi đã không bao giờ khen tôi. Đặc biệt là mẹ, bà luôn mắng tôi với những lời khó nghe. Tôi luôn bị ấn tượng sâu sắc bởi những lời nói ấy, không thể nhớ mình đã đau lòng và khóc bao nhiêu lần.

Nhiều khi tôi muốn làm một điều gì đó, nhưng bố mẹ, thậm chí cả những người thân trong gia đình cứ chê bai, nghĩ rằng tôi không thể làm tốt mọi việc. Có cảm giác như họ đã nhồi nhét cho tôi ý nghĩ rằng tôi chỉ là một thằng ngốc không biết làm gì ngoài việc gây rắc rối. Theo thời gian, tôi dường như tin vào “sự thật” này, cảm thấy rằng mình thực sự kém cỏi và không thể hoàn thành được bất cứ điều gì”…

Nói chung, những đứa trẻ lớn lên trong sự từ chối và đòn roi, không nhận được sự chấp thuận của cha mẹ, sẽ lớn lên với lòng tự trọng rất thấp và sự coi thường giá trị bản thân. Kết quả là không dám chủ động tranh giành mọi thứ, khó chủ động theo đuổi người khác giới và luôn nghĩ rằng mình không đủ tốt với người ấy.

Tâm lý học tin rằng ý thức của trẻ em có hai nguồn: Một là tự nhận thức, tức là tự biết mình; Thứ hai là từ người khác, gọi là ngoại thức. Đối với những đứa trẻ nhận thức chưa hoàn thiện, kinh nghiệm sống ít ỏi, nội lực chưa đủ mạnh thì góc nhìn về bản thân của chúng thường phụ thuộc vào sự đánh giá của người ngoài. Và người tiếp xúc với trẻ nhiều nhất, đánh giá nhiều nhất chính là bố mẹ.

Nếu cha mẹ cứ nhấn mạnh những khuyết điểm, lỗi lầm của con cái và so sánh chúng với những đứa trẻ khác, thì trẻ sẽ nghĩ rằng mình là một người tồi tệ, không đáng để người khác yêu thương. Theo thời gian, trẻ sẽ trở thành những gì cha mẹ nói.

02. Đứa trẻ quen bị đánh giá xấu suốt đời theo đuổi sự chấp thuận của người khác

Giáo sư tâm lý học nổi tiếng Trung Quốc Lý Mai Cẩn nói rằng: “Những đứa trẻ bị cha mẹ phủ nhận sẽ không bao giờ học được cách yêu bản thân mình”.

Cha mẹ luôn cảm thấy con mình không giỏi bằng con người khác, không đáp ứng được yêu cầu của mình về nhiều mặt,… khiến con mất tự tin, và tự nghi ngờ. Khi kết thân với người khác, họ cũng có xu hướng đặt mình ở vị trí tương đối thấp, đi đâu cũng trở nên thận trọng, thậm chí chiều lòng người khác một cách thái quá.

Trong cuộc sống, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều bạn bè hay đồng nghiệp có tính cách xu nịnh, không dám bày tỏ suy nghĩ thật của mình, kể cả khi họ bị tổn thương. Nguyên nhân một phần vì họ có lòng tự trọng thấp, họ nhạy cảm, sợ người khác sẽ phớt lờ mình. Họ cũng sợ người khác đánh giá không tốt về mình nên ít khi dám nói không. Điều này cũng thường liên quan đến tổn thương từ quá khứ.

Theo một khảo sát, hơn 40% trẻ vị thành niên phạm tội từng bị cha mẹ bạo hành bằng lời nói.

Sáu phạm nhân vị thành niên trong trại tạm giam kể lại câu chuyện của mình: “Cha mẹ tôi ly hôn khi tôi 12 tuổi, mẹ tôi mắng tôi mỗi ngày và thường bảo tôi chết đi”; “Mẹ bảo tôi vô dụng, là đồ phế vật”; “Tôi chưa bao giờ được khen. Mẹ luôn so sánh tôi với những con vật bẩn thỉu”…

Những câu nói khiến họ đau lòng nhất chính là: óc lợn, đồ rác rưởi, chỉ biết ăn, sao không chết đi! Những đứa trẻ thường xuyên bị sỉ nhục, chối bỏ, châm biếm, mỉa mai, miệt thị đã có một lỗ hổng lớn trong tâm hồn, khiến chúng trút bỏ những tổn thương và tủi nhục một cách cực đoan vào người khác.

Nhiều cha mẹ đặc biệt thích phủ nhận con cái. Chẳng hạn:

– Từ chối cảm xúc của trẻ: “Có gì mà khóc?”.

– Phủ nhận khả năng của trẻ: “Rửa không sạch thì để mẹ”.

– Bác bỏ ý tưởng của đứa trẻ: “Có ít điểm mà vẫn muốn làm bác sĩ, không phải là muốn hại người sao?”.

– Từ chối sự lựa chọn của trẻ: “Công việc con lựa chọn có gì tốt đâu, làm giáo viên thì tốt hơn”.

– Phủ nhận con: “Tại sao lại sinh ra một người vô tích sự như vậy!”.

Thật cay đắng biết bao cho đứa con luôn bị cha mẹ chối bỏ.

03. Làm thế nào có thể chữa lành tổn thương thời thơ ấu?

Có thể chúng ta đã bị tổn thương quá nhiều từ khi còn nhỏ, nhưng bây giờ khi đã trưởng thành, chúng ta sẽ không thể mãi sống trong bóng tối của những lời phê bình tiêu cực mà phải dũng cảm đối diện và hàn gắn.

Thứ nhất, cha mẹ không tán thành, phủ nhận, phê bình bạn, không có nghĩa là bạn thực sự tồi tệ; Có khả năng là họ thiếu khả năng đánh giá cao và công nhận từ người khác. Vì thế, bạn không việc gì phải cảm thấy thua kém. Cha mẹ không chấp nhận bạn cũng có thể bạn không đáp ứng được kỳ vọng hoặc nhu cầu và ước mơ của họ. Không phải tất cả lỗi tại bạn, tại bạn xấu.

Khảo sát cho thấy: Hơn 40% trẻ vị thành niên phạm tội từng bị cha mẹ làm điều này - Ảnh 2.

Hãy mạnh dạn sống cuộc đời của chính mình. (Ảnh minh họa)

Thứ hai, đánh giá đúng mức sự chấp thuận của cha mẹ. Khi còn nhỏ, chúng ta phụ thuộc vào cha mẹ để tồn tại. Do đó, đánh giá và phê bình của cha mẹ sẽ được coi là rất quan trọng. Tuy nhiên, bây giờ khi đã trưởng thành, chúng ta và bố mẹ là những cá nhân độc lập và bình đẳng với nhau về kinh tế, cuộc sống và nhân cách. Nếu bạn quá quan tâm đến sự chấp thuận của cha mẹ mình, thì sự từ chối và chỉ trích của họ sẽ khiến bạn cảm thấy rất đau đớn.

Thứ ba, vạch ra ranh giới rõ ràng. Phân biệt đâu là công việc của bố mẹ và đâu là của chính bạn. Cha mẹ có đồng ý hay không là việc của họ. Bạn có thể đối xử tốt với bố mẹ, đưa họ đi chơi, tặng quà, quan tâm đến họ,… đây là việc nên làm. Nhưng bạn không cần phải tán thành đánh giá của họ. Thay vì sống để được sự chấp thuận, tốt hơn hết là bạn nên sống cuộc đời mà bạn muốn.