Những điều tôi ước mình biết trước khi ở riêng

Xem bài viết

Những điều tôi ước mình biết trước khi ở riêng - Ảnh 2.

Nhiều người trẻ ngày càng năng động và mong muốn sớm có được cuộc sống tự lập. Dù ở cùng bạn bè để chia sẻ tiền bạc hay ở một mình, họ cũng phải đối mặt với ít nhiều khó khăn trong lần đầu rời xa vòng tay cha mẹ.

Dưới đây là câu chuyện lần đầu ra riêng ở TP.HCM của 4 bạn trẻ được Zing ghi nhận.

Quỳnh Anh (22 tuổi, chuyên viên sự kiện)

Tôi quyết định ra ở riêng để thuận lợi tìm kiếm cơ hội việc làm tại đô thị, cũng như có cơ hội học cách sống tự lập, không dựa dẫm vào gia đình.

Tôi thuê trọ lần đầu ở quận 3 sau gần hai tuần tìm kiếm, với chi phí 4 triệu đồng/tháng. Vì mong muốn nhanh chóng “an cư” để có thời gian cho công việc, tôi không đắn đo nhiều hay dành thời gian đi xem thêm những nơi ở khác.

Những điều tôi ước mình biết trước khi ở riêng - Ảnh 3.

Bài học tự lập đầu tiên của Quỳnh Anh chính là cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thuê phòng.

Phòng khá ổn cho đến khi TP.HCM bước vào mùa mưa. Trần nhà bị dột, tường lại thấm nước khiến cho phòng ẩm thấp và gây hư hại nhiều vật dụng. Tôi báo cho chủ trọ để khắc phục, nhưng họ cứ lần lữa mãi không sửa.

Cuối cùng, tôi đành quyết định chuyển đi sau 3 tháng thuê trọ, đồng thời chấp nhận mất luôn tiền cọc phòng.

Tôi ước ban đầu không vội vàng quyết định thuê ngay mà nên xem xét kỹ lưỡng chất lượng phòng ốc, đối chất với chủ trọ rõ ràng để tránh “tiền mất tật mang”.

Theo tôi, có thể bạn không dành thời gian nhiều ở phòng, nhưng cũng nên đầu tư tử tế một không gian thoải mái để nghỉ ngơi sau giờ làm mệt nhọc.

Sau lần thuê nhà đầu tiên khá đau lòng, tôi có kinh nghiệm và sự kiên nhẫn hơn khi tìm kiếm nơi ở mới. Hiện tại, tôi đã thuê được một phòng trọ tương đối chất lượng, trong khi giá thuê còn thấp hơn nơi cũ.

Quế Anh (23 tuổi, nhân viên nhân sự)

Lần đầu rời gia đình để sống riêng, tôi thuê trọ chung với một người bạn nhằm tiết kiệm chi phí.

Ban đầu, hai đứa chung sống khá ổn, phân chia công việc nhà cũng như trách nhiệm tiền bạc rõ ràng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi bắt đầu nảy sinh nhiều mâu thuẫn do không thể cảm thông cho tính cách và thói quen sinh hoạt của đối phương.

Tôi cảm thấy rất mệt mỏi, áp lực khi sống chung với một người có cá tính quá khác mình. Nhưng đúng giai đoạn đó, thành phố bước vào thời kỳ giãn cách xã hội, tôi không thể chuyển phòng.

Dịch bệnh dần hạ nhiệt, tôi bắt tay tìm kiếm nơi ở mới. Nhưng lúc này, vấn đề khác lại nảy sinh khi tôi không có nhiều tiền dự trữ. Tôi “cắn răng” sử dụng quỹ tiết kiệm dành cho việc học hành để thuê một căn hộ mới, giá cao gần gấp 3 so với chi phí ở chung.

Tôi cũng buộc phải tiêu tốn thêm gần 15 triệu đồng để đặt cọc phòng cũng như mua sắm một vài thiết bị, đồ dùng thiết yếu.

Lúc này, tôi ước mình chuẩn bị sẵn một khoản dự phòng cho tình huống cần thay đổi chỗ ở. Muốn sống riêng một cách thoải mái, không va chạm với ai, chúng ta đều cần đến một số tiền đáng kể.

Minh Đức (23 tuổi, chuyên viên truyền thông)

Lần đầu ra ở riêng, tôi rất hào hứng nên muốn đầu tư cho không gian sống của mình thật tiện nghi.

Những điều tôi ước mình biết trước khi ở riêng - Ảnh 4.

Minh Đức chi tiêu có phần “mạnh tay” khi lần đầu ra riêng.

Tôi khá thoải mái dùng tiền tiết kiệm cá nhân trong việc mua sắm nội thất để trang hoàng phòng ốc. Tôi đầu tư một lượt các thiết bị nhà bếp, máy giặt, bàn làm việc, giường, nệm… với chi phí gần 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, tôi quên mất rằng cuộc sống riêng sẽ còn phải tốn nhiều chi phí khác nữa: từ tiền cọc nhà, phí quản lý chung cư, tiền điện nước cho đến mua thực phẩm…

Vì vậy, tháng đầu tiên với tôi khá khó khăn khi không còn nhiều tiền để sinh hoạt. Tôi hầu như không dám ăn ngoài và từ chối mọi lời mời tụ tập cùng bạn bè. Thậm chí, gần hết tháng tôi còn phải vay ba mẹ một ít để cảm thấy an tâm hơn.

Sau một khoảng thời gian sống tự lập, điều tôi mong được làm lại nhất chính là chuẩn bị kế hoạch chi tiêu từ sớm. Bạn nên cân nhắc dùng tiền cho những nhu cầu cấp bách trước mắt, còn lại có thể đầu tư sau theo nhu cầu.

Đăng Mạnh (24 tuổi, kỹ sư IT)

Từ năm 3 đại học, tôi đã ấp ủ ý định ra riêng sau khi hoàn thành chương trình học tập. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, tôi vẫn luôn ao ước được sống tự lập để thoải mái trong giờ giấc sinh hoạt, không bị ai gò bó.

Vì vậy, tôi sớm lên kế hoạch kiếm tiền và tích lũy để chờ ngày “sổ lồng”. Tuy nhiên, trong suốt quá trình đó, chưa một lần tôi nói với ba mẹ về ý định này.

Sau khi nghiên cứu và chọn được địa điểm thuê phù hợp, tôi chính thức thông báo với ba mẹ trong một buổi cơm tối. Họ khá bình tĩnh và bắt đầu đối chất nhiều vấn đề, như khả năng tài chính dài hạn và cách xử trí trong các tình huống khẩn cấp.

Lúc đó tôi nhận thấy còn khá nhiều “lỗ hổng” trong bản kế hoạch sống tự lập của mình. Tuy nhiên, tôi cho rằng ba mẹ hỏi nhiều chỉ vì không muốn tôi ra ở riêng. Cả hai bên to tiếng với nhau và chúng tôi “chiến tranh lạnh” cả tuần sau đó.

Ngày tôi xách vali ra đi, ba mẹ ngỏ ý muốn cùng tôi đến tham quan chỗ ở mới khiến tôi khá bất ngờ.

Hai người xem xét kỹ lưỡng mọi ngóc ngách trong phòng, cả tầng tôi ở và khu vực xung quanh tòa nhà. Họ thậm chí còn dặn dò chủ nhà và vài người hàng xóm cùng tầng để mắt và giúp đỡ tôi. Tôi cảm thấy xúc động trước sự quan tâm lo lắng của ba mẹ dành cho mình.

Tôi ước ban đầu mình nên chuẩn bị cả kế hoạch nói chuyện với ba mẹ để họ có thể an tâm hơn về quyết định ra ở riêng này. Tôi thấy mình khá vô trách nhiệm khi không để tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của ba mẹ. Sự ích kỷ và nóng vội của tôi đã khiến họ phải buồn lòng.

Theo Zingnews