Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng bệnh đậu mùa khỉ ở người đang ghi nhận có lây lan qua quan hệ tình dục, nhưng nó không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Bệnh đậu mùa lần đầu tiên được tìm thấy trên khỉ vào năm 1958, bệnh lây truyền và lưu hành ở một số vùng nhất định của châu Phi, nhưng các trường hợp mắc bệnh gần đây ở châu Âu và Bắc Mỹ đã khiến các nhà nghiên cứu bối rối vì chưa xác định có trường hợp nào có liên quan đến châu Phi.
WHO ước tính có hàng nghìn ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở khoảng một chục quốc gia châu Phi mỗi năm. Hầu hết là ở Congo, nơi báo cáo khoảng 6.000 trường hợp hàng năm và Nigeria, với khoảng 3.000 trường hợp mỗi năm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các loại vaccine được sử dụng để diệt trừ bệnh đậu mùa có hiệu quả tới 85% đối với bệnh đậu mùa khỉ, nhưng các chiến dịch tiêm chủng đã ngừng hoạt động kể từ khi bệnh đậu mùa được loại trừ.
1. Hoạt động gần gũi như quan hệ tình dục có nguy cơ cao nhiễm đậu mùa khỉ
Tính đến ngày 23 tháng 5 năm 2022, 67 trường hợp được xác nhận đã được báo cáo tại chín quốc gia thành viên EU / EEA (Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển) và ít nhất 42 trường hợp nghi ngờ khác đang được điều tra. Các ca bệnh đậu mùa khỉ ở người được chẩn đoán hiện nay chủ yếu là ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới, điều này cho thấy rằng sự lây truyền có thể xảy ra khi quan hệ thân mật. Sự lây truyền có thể xảy ra khi tiếp xúc gần niêm mạc hoặc vùng da không còn nguyên vẹn với vật liệu lây nhiễm từ tổn thương, hoặc qua các giọt đường hô hấp lớn khi tiếp xúc mặt đối mặt kéo dài.
2. Bệnh đậu mùa khỉ không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục
Thông tin từ CNBC cho biết đợt bùng phát đã nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu và Bắc Mỹ trong tuần trước và dự kiến có thể sẽ lan rộng hơn khi có nhiều bác sĩ tìm kiếm các dấu hiệu và triệu chứng hơn. Mặc dù bản thân virus không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục, thường lây lan qua tinh dịch và dịch âm đạo, nhưng sự gia tăng số ca bệnh gần đây nhất dường như đã lây lan ở những người đàn ông có quan hệ tình dục với đàn ông khác.
Virus lây lan qua tiếp xúc gần gũi với người, động vật hoặc vật liệu bị nhiễm virus. Nó xâm nhập vào cơ thể qua da, đường hô hấp, mắt, mũi và miệng. Theo CDC Hoa Kỳ, mặc dù sự lây truyền từ người sang người cũng xảy ra qua đường hô hấp, nhưng phải tiếp xúc trực tiếp lâu dài. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh do virus cùng họ với bệnh đậu mùa gây ra nhưng không nghiêm trọng bằng. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ có thể giết chết 1 trong 10 người mắc bệnh, dựa trên các quan sát ở châu Phi.
Theo Tiến sĩ Scott Gottlieb, thành viên hội đồng quản trị của Pfizer, công ty khởi nghiệp xét nghiệm di truyền Tempus, công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe Aetion và công ty công nghệ sinh học Illumina cho biết bệnh đậu mùa khỉ có thể gây rối loạn ở những nơi nó đang lây lan. Tiến sĩ Scott Gottliebcho biết sẽ có thêm nhiều trường hợp được xác nhận ở Mỹ trong những tuần tới khi các bác sĩ và quan chức y tế công cộng đánh giá lại những bệnh nhân đã xuất hiện các triệu chứng và virus vẫn tiếp tục lây lan.
Bác sĩ hàng đầu của Canada cho biết bệnh đậu mùa ở khỉ lây lan bất thường, nhưng nguy cơ nhiễm trùng thấp. Tiến sĩ Howard Njoo, Phó Giám đốc y tế công cộng của Canada cho biết bệnh đậu mùa đã được xóa sổ bằng cách tiêm phòng vào năm 1980 và vaccine của nó có thể được sử dụng để chống lại bệnh đậu mùa ở khỉ. TS. Njoo nói thêm rằng nguy cơ chung đối với dân số nói chung là “thấp”, nhưng mọi người có thể bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa ở khỉ thông qua các biện pháp được sử dụng phòng COVID-19, như đeo khẩu trang và giữ vệ sinh tốt.
Các nhà điều tra tại Canada đang cố gắng tìm hiểu xem căn bệnh này đang lây truyền giữa người với người như thế nào. Một số trường hợp đã được báo cáo ở nam giới quan hệ tình dục đồng giới.
Angela Rasmussen, một nhà virus học về vaccine và truyền nhiễm Tổ chức Dịch bệnh tại Đại học Saskatchewan cho biết: “Cộng đồng những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới đã bị kỳ thị kinh khủng về mối liên hệ với việc lây nhiễm virus, nhưng tôi muốn nói rằng mối liên hệ đó vẫn chưa được hoàn thiện.”
Rasmussen nói thêm rằng bệnh đậu mùa khỉ có nhiều cách lây lan giữa người với người, nhưng bệnh này cần tiếp xúc khá lâu với người khác mới có thể bị bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, virus gây bệnh đậu mùa khỉ không được coi là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, hoặc lây lan qua tinh dịch và dịch âm đạo. Tuy nhiên, bất kỳ ai tiếp xúc gần với người có virus đều được coi là có nguy cơ lây nhiễm cao.
3. Kiêng quan hệ tình dục khi nghi ngờ bản thân hoặc đối tác nhiễm bệnh
Lời khuyên của WHO để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ:
Phòng ngừa: Người tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, bao gồm cả quan hệ tình dục có thể bị bệnh đậu mùa khỉ. Các bước để tự bảo vệ bao gồm tránh tiếp xúc da với da hoặc mặt đối mặt với bất kỳ ai có triệu chứng mắc bệnh, thực hành tình dục an toàn, giữ tay sạch bằng nước và xà phòng hoặc xoa tay có cồn, và duy trì các biện pháp bảo vệ đường hô hấp.
Phát hiện và chăm sóc: Nếu mọi người phát ban, kèm theo sốt hoặc cảm giác khó chịu hoặc ốm yếu, cần đi xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ. Nếu người nào đó bị nghi ngờ hoặc được xác nhận là mắc bệnh đậu mùa khỉ, họ nên cách ly cho đến khi vảy bong ra và kiêng quan hệ tình dục, kể cả quan hệ tình dục bằng miệng. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể được điều trị hỗ trợ để giảm bớt các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ. Người chăm sóc bệnh nhân bệnh đậu mùa khỉ nên sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân thích hợp, bao gồm đeo khẩu trang, lau chùi các đồ vật và bề mặt đã bị chạm vào.
Báo cáo: Bất kỳ bệnh nào giống như phát ban trong khi đi du lịch hoặc khi trở về phải được báo cáo ngay cho chuyên gia y tế, bao gồm thông tin về tất cả các chuyến du lịch gần đây, tiền sử tình dục và tiền sử chủng ngừa bệnh đậu mùa. Người dân và khách du lịch đến các quốc gia lưu hành bệnh đậu mùa khỉ nên tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã.
Ngoài ra nên cân nhắc tập trung đông người vì các cuộc tụ tập đông người có thể là môi trường thuận lợi cho việc lây truyền virus đậu mùa khỉ vì chúng kéo theo những tương tác gần gũi, kéo dài và thường xuyên giữa mọi người, do đó có thể khiến những người tham dự tiếp xúc với các tổn thương, dịch cơ thể, giọt đường hô hấp và các vật liệu bị ô nhiễm.
Trong khi các cơ chế lây truyền chính xác của đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay vẫn đang được điều tra và chúng có thể khác với các cơ chế lây lan của SARS-CoV-2, điều quan trọng cần lưu ý là các biện pháp phòng ngừa chung được khuyến nghị đối với COVID-19 cũng được kỳ vọng sẽ bảo vệ phần lớn từ sự lây truyền của virus đậu mùa khỉ.