Estrogen là một loại hormone xuất hiện tự nhiên trong cơ thể người. Đôi khi mọi người nghĩ về estrogen như một nội tiết tố nữ. Tuy nhiên, tất cả cơ thể con người đều yêu cầu estrogen để hoạt động chính xác. Mức độ estrogen quá cao hoặc quá thấp có thể khiến một người gặp các vấn đề về sức khỏe.
1. Estrogen là gì?
Estrogen là một loại hormone sinh dục được tìm thấy ở cả nam và nữ, mặc dù nữ có nồng độ estrogen cao hơn nam. Buồng trứng, tinh hoàn, tế bào mỡ và tuyến thượng thận sản xuất estrogen bắt đầu từ tuổi dậy thì . Hormone này có hai vai trò quan trọng nhất là điều hòa chu trình kinh nguyệt cũng như hoạt động của hệ sinh sản, duy trì và thúc đẩy sự phát triển của các đặc điểm sinh dục nữ như ngực, mông, tóc, lông…
Estrogen cũng rất quan trọng đối với hệ thống sinh sản của nam giới. Có ba loại estrogen:
- Estradiol, dạng chính của estrogen.
- Estriol, một dạng estrogen chủ yếu được sản xuất trong thời kỳ mang thai.
- Estrone, được tìm thấy với số lượng cao hơn ở phụ nữ sau mãn kinh .
Hormone sinh dục nam testosterone tác động trực tiếp đến chức năng tình dục và các hoạt động khác của cơ thể phái mạnh. Một phần của hormone này sẽ được chuyển đổi thành hormone estrogen trong mô mỡ.
Trong cơ thể nam giới estrogen tồn tại dưới dạng estradiol có tác dụng duy trì ham muốn tình dục và phòng ngừa nguy cơ béo phì. Quá trình lão hóa khiến cho cơ thể nam giới sản sinh ít hormone testosterone hơn nhưng vẫn diễn ra quá trình chuyển đổi testosterone thành estrogen từ đó sinh ra mất cân bằng hormone.
Lượng estrogen mà nam giới nên có sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và tiền sử sức khỏe của họ. Theo BS. Bùi Tiến Long ( Khoa khám bệnh, Bệnh viện Nội tiết), một nam giới trưởng thành nên có mức estradiol là 10-40 picogram trên mililit (pg/mL).
Mặc dù cơ thể nam giới cần estrogen để hoạt động bình thường, nhưng quá nhiều estrogen có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe. Nồng độ estrogen tăng lên có thể gây ra các triệu chứng như vô sinh, rối loạn cương dương , nữ hóa tuyến vú và trầm cảm.
2. Nguyên nhân gây thừa estrogen
Các nguyên nhân có thể do các rối loạn nội tiết như cơ thể đang tạo ra quá nhiều estrogen, cơ thể đang nhận quá nhiều estrogen từ một số loại thuốc đang dùng để trị bệnh.. . Ngoài ra, stress cũng làm tăng cortisol, giảm progesterone và tăng estrogen. Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nồng độ estrogen và làm giảm khả năng phân hủy (chuyển hóa) estrogen của cơ thể.
Người bị loạn khuẩn đường ruột , thiếu men tiêu hóa, chế độ ăn ít magie và rau xanh làm giảm khả năng thải estrogen dư thừa ở gan.
Về thức ăn, nghiên cứu nhiều nhất là đậu nành và sữa bò do có chứa nhiều phytoestrogen. Tuy nhiên các kết quả nghiên cứu cho thấy sự trái ngược về việc tăng hay giảm nồng độ estrogen khi dùng nhiều đậu nành hay sữa bò nên vẫn chưa thể khẳng định dùng nhiều đậu nành hay sữa bò làm tăng estrogen.
3. Biểu hiện của estrogen cao ở nam giới
Các dấu hiệu của estrogen cao ở nam giới có thể khác nhau, nhưng một số triệu chứng chính có thể gặp phải bao gồm:
3.1 Ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng
Estradiol là một loại hormone cần thiết được sử dụng để sản xuất tinh trùng trong tinh hoàn. Tuy nhiên, nồng độ estrogen cao quá mức có thể làm chậm quá trình sản xuất tinh trùng, ảnh hưởng đến chất lượng hoặc khả năng di chuyển của tinh trùng, hoặc ngừng sản xuất tinh trùng hoàn toàn.
3.2 Estrogen cao ở nam giới gây rối loạn cương dương
Để có được và duy trì sự cương cứng đòi hỏi một sự cân bằng mong manh giữa testosterone và estrogen. Mức độ estrogen tăng cao có thể làm mất cân bằng này, dẫn đến rối loạn chức năng cương dương. Điều này thậm chí có thể nổi bật hơn nếu bạn cũng bị giảm mức testosterone.
3.3 Nữ hóa tuyến vú
Nữ hóa tuyến vú đề cập đến sự gia tăng đột ngột sự phát triển của các mô mỡ ở ngực. Estrogen tăng cao có thể góp phần vào sự phát triển này trong mô mỡ vú, dẫn đến ngực sưng và mềm.
Ngoài ra, các dấu hiệu khác của estrogen cao có thể bao gồm: Tâm trạng lâng lâng, giảm ham muốn tình dục, trầm cảm và/hoặc lo lắng, mệt mỏi về thể chất, mất ngủ và các rối loạn giấc ngủ khác, loãng xương, bốc hỏa…
4. Các phương pháp điều trị estrogen cao là gì?
Các phương pháp điều trị mà bác sĩ đề xuất sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra mức độ estrogen cao. Trong một số trường hợp, thay đổi lối sống có thể hữu ích. Nếu nồng độ estrogen cao làm tăng nguy cơ ung thư hoặc làm trầm trọng thêm bệnh ung thư đã mắc phải, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị tích cực hơn.
Thực hiện một số thay đổi lối sống có thể giúp giảm mức độ estrogen của cơ thể:
Giảm tỷ lệ phần trăm chất béo trong cơ thể : Giảm chất béo trong cơ thể có thể làm giảm lượng estrogen mà các tế bào mỡ tiết ra. Để giảm béo, cần có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng về cách giảm tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể một cách an toàn để bạn nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết.
Giảm bớt căng thẳng: Giảm lượng hormone căng thẳng mà cơ thể sản xuất có thể giúp giữ cân bằng mức estrogen và progesterone.
Chế độ ăn lành mạnh: Ăn một chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ với rất ít đường chế biến có thể giúp gan xử lý estrogen dễ dàng hơn.
Hạn chế uống rượu: Loại bỏ hoặc hạn chế uống rượu có thể giúp gan phá vỡ estrogen.
Tập thể dục thường xuyên: Đây là một trong những phương pháp để cân bằng lại nội tiết tố và giữ cho estradiol luôn ở trong mức kiểm soát. Duy trì thói quen tập luyện thường xuyên cũng có thể giúp giảm các tế bào mỡ. Điều này có thể làm giảm lượng enzyme aromatase, sau đó có thể giúp giảm lượng testosterone được chuyển đổi thành hormone estrogen.