Xem bài viết

Thông tin bất ngờ về người lấy trộm 60 thùng hồ sơ đấu thầuThông tin bất ngờ về người lấy trộm 60 thùng hồ sơ đấu thầu

GĐXH – Liên quan tới vụ việc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa mất 60 thùng hồ sơ đấu thầu, bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được người lấy cắp là nhân viên văn thư.

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa cho biết, Ban này đã ký quyết định đình chỉ công tác 15 ngày nhằm phục vụ điều tra nghi vấn, cố ý tiêu hủy tài liệu cơ quan nhà nước đối với nữ cán bộ văn thư L.T. L.

Trước đó, người của Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa đến kho lưu trữ hồ sơ phát hiện hồ sơ, tài liệu đựng trong 60 thùng đã không còn. Sau khi tiếp nhận tin báo, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, xác minh.

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác định L.T.L. (SN 1989, cán bộ văn thư của Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa) đã bán số tài liệu trên cho người mua phế liệu với giá 9 triệu đồng.

Hồ sơ tài liệu mà L.T.L. đem bán được lưu từ nhiều năm trước. Số giấy tờ này đã được cơ quan công an thu hồi.

Được biết, Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa, được thành lập vào ngày 16/9/2021, trên cơ sở sáp nhập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông số 1 và số 2 tỉnh Thanh Hóa.

Kho lưu trữ tài liệu của Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa tại số 17, đường Hạc Thành, phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa. Hiện đơn vị này đã chuyển trụ sở làm việc về số 46 đường Bùi Khắc Nhất, phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa.

Nữ cán bộ văn thư lấy trộm 60 thùng hồ sơ mang đi bán: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật - Ảnh 2.

Kho lưu trữ hồ sơ của Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, nơi bị mất hồ sơ

Bình luận về sự kiện hi hữu này, Tiến sĩ Đặng Văn Cường- Giảng viên luật hình sự (Trường Đại học Thủy Lợi) chia sẻ, hành vi bán hồ sơ của cán bộ văn thư là bất thường và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, tài liệu của cơ quan tổ chức có thể là tài liệu mật hoặc không phải là tài liệu mật. Việc quản lý tài liệu là một trong những khâu quan trọng trong việc quản lý hành chính nhà nước. Đối với những tài liệu quan trọng thuộc danh mục mục tài liệu mật thì việc quản lý đòi hỏi chặt chẽ, nếu để lộ lọt, mất mát thì sẽ bị xử lý hình sự.

Còn đối với các loại tài sản khác mà không thuộc danh mục tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật thì việc quản lý nó cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ. Những cán bộ thực hiện nhiệm vụ văn thư, lưu trữ ở các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan có lượng hồ sơ tài liệu lớn liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng, nhà ở, liên quan đến các dự án thì việc quản lý tài liệu được thực hiện có bài bản, có quy trình thủ tục cụ thể.

Đối với các cán bộ thực hiện nhiệm vụ văn thư, lưu trữ trong các cơ quan nhà nước thì đều phải được đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, hợp đồng theo đúng quy định. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ, trường hợp làm mất mát, hư hỏng tài liệu thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Việc quản lý tài liệu của cơ quan nhà nước trước tiên sẽ được thực hiện theo luật lưu trữ. Theo đó, Luật Lưu trữ quy định: Tài liệu lưu trữ là tài liệu có giá trị phục vụ hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lịch sử được lựa chọn để lưu trữ. Tài liệu lưu trữ bao gồm bản gốc, bản chính. Trong trường hợp không còn bản gốc, bản chính thì được thay thế bằng bản sao hợp pháp.

Người làm lưu trữ ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập phải có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ lưu trữ và kiến thức cần thiết khác phù hợp với công việc; được hưởng chế độ, quyền lợi tương ứng trong cơ quan, tổ chức và được hưởng phụ cấp ngành nghề đặc thù, chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8, Luật này quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lưu trữ như sau: Chiếm đoạt, làm hỏng, làm mất tài liệu lưu trữ; Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu lưu trữ; Mua bán, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu lưu trữ; Sử dụng tài liệu lưu trữ vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài trái phép.

Theo quy định của pháp luật thì tùy từng loại tài liệu mà thời hạn lưu trữ khác nhau, quy cách điều kiện bảo quản khác nhau. Đối với những tài liệu đã hết hạn bảo quản lưu trữ thì việc tiêu hủy phải theo quy trình, quy định, tránh lộ lọt thông tin, ảnh hưởng đến hoạt động của nhà nước và của cơ quan, tổ chức.

Nữ cán bộ văn thư lấy trộm 60 thùng hồ sơ mang đi bán: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật - Ảnh 3.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường nhận định, đây là một “vụ trộm” vô cùng hi hữu

Việc nữ cán bộ văn thư bán một số lượng lớn tài liệu của cơ quan nhà nước thu lợi số tiền đến 9.000.000 đồng là chuyện khá bất ngờ với nhiều. Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ động cơ mục đích của cán bộ văn thư lưu trữ này, xác định rõ đặc điểm của loại tài liệu này để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

“Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, có tài liệu mật thì sẽ xử lý hình sự người vi phạm về tội “Mua bán tài liệu bí mật nhà nước”. Trường hợp các tài liệu đó không phải là tài liệu mật nhưng là hồ sơ lưu trữ còn trong thời hạn thì việc mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tới 05 năm tù theo quy định tại Điều 342 (BLHS 2015). Nếu trường hợp trong đó có tài liệu mật thì nữ cán bộ này sẽ bị xử lý với tội danh và mức hình phạt nghiêm khắc hơn nhiều”, Tiến sĩ Cường chia sẻ.

Điều 342. Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

1. Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng trở lên;

c) Để thực hiện hành vi trái pháp luật;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.