ĐD Bùi Thạc Chuyên: Điều cứu sống con người chính là không sợ hãi

Xem bài viết

Đại dịch COVID-19 đã qua đi nhưng những dư âm của nó vẫn còn. Năm tập phim đầu tiên trong dự án “Không sợ hãi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã chứng minh điều đó khi những hình ảnh trong phim đã gợi cho khán giả xúc động nhớ lại những ngày tháng đất nước cùng nhau gồng mình chống dịch, tất cả vì miền Nam yêu thương.

Ra mắt cuối tuần qua (9/7) trên ứng dụng Galaxy Play, năm tập phim mang đến các chủ đề “Không đứng nhìn,” “Không chạy trốn,” “Không cô đơn,” “Không vô cảm”“Không bỏ rơi.” Đây cũng là năm góc nhìn nhỏ, nhân văn mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chọn để bước đầu nhìn lại một đại dịch tàn khốc.

Một tay lái xe, một tay quay phim

Là người làm phim tài liệu trực tiếp (phim tài liệu không có lời bình), đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã quen hoạt động một mình. Từ ngày 27/2/2021, ông bắt đầu cầm máy, liên hệ nhân vật để ghi lại những câu chuyện xúc động, chan chứa tình người tại nơi tâm dịch Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.

Dấn thân vào tâm dịch là ý tưởng của riêng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Ông cảm thấy mình phải có tiếng nói, sự đóng góp khi đất nước và người dân đang lâm vào một thảm họa đồng thời hy vọng ghi chép của mình đưa ra được bài học gì đó…

Sau gần nửa năm ghi hình, tháng 12/2021, đạo diễn bắt tay vào xử lý nội dung và dựng năm tập phim đầu tiên. Đến ngày ra mắt, ông Chuyên đã ‘ôm’ cả ba nhiệm vụ quay phim, phỏng vấn, biên kịch và dựng phim.

DD Bui Thac Chuyen: Dieu cuu song con nguoi chinh la khong so hai hinh anh 1Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (trái) chụp cùng bác sỹ Phan Xuân Trung trong buổi ra mắt phim tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Galaxy)

Ê-kíp chỉ có một người nên đạo diễn tự thực hiện những cảnh quay di chuyển trên đường. Có không ít những đoạn phim mà vị đạo diễn đã phải một tay lái xe máy, một tay cầm máy quay, may sao khi đó đường vắng vì giãn cách.

Đây cũng là cách mà đạo diễn thực hiện những cảnh phỏng vấn bác sỹ Phan Xuân Trung (người đồng sáng lập nhóm Facebook “Giúp nhau mùa dịch”) khi len lỏi qua từng con hẻm giăng dây kẽm để đến thăm khám cho bệnh nhân trong tập 5.

Trước khi bước vào tâm dịch, nhà làm phim 54 tuổi được trang bị một mũi vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đi quay, ông mới được tiêm mũi thứ hai và khi bắt đầu dựng phim thì được tiêm mũi thứ ba.

Ông kể rằng lúc đầu thấy sợ, nhưng đặt niềm tin vào vaccine nên nghĩ bản thân sẽ ổn. Tuy vậy, đạo diễn vẫn có nỗi lo thường trực nếu chẳng may mắc bệnh thì sẽ lây cho người khác bởi ông phải gặp rất nhiều nhân vật để phỏng vấn.

[Xem VTV đặc biệt ‘Ranh giới’: Biết trân trọng từng hơi thở mỗi ngày]

May mắn thay, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên giữ được sức khỏe tốt. Cùng sự hỗ trợ và giúp đỡ của nhiều người bạn, trong đó có cả các bác sỹ và nhân viên y tế, đạo diễn được hướng dẫn thực hiện những thủ tục cần thiết để làm phim.

Đạo diễn cũng đăng ký vào tình nguyện trong Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh để có thể ghi hình tại nơi chữa bệnh. Các bệnh nhân, nhân vật xuất hiện trên phim đều được làm mờ mặt hoặc đã cho phép đạo diễn ghi hình.

Phim tài liệu có thể làm rất tốt việc ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ trong những giai đoạn như thế này. Mong sao khi mọi người xem lại vẫn thấy giá trị của nó, ngay cả nhiều năm sau” đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói.

“Năm không” và còn nhiều hơn nữa

Là những thành phẩm đầu tiên trong dự án lớn mang tên “Không sợ hãi,” năm tập phim đã nhìn lại tâm dịch miền Nam trong những ngày cam go nhất.

Từ những nhân viên y tế, tình nguyện viên đến những mạnh thường quân, ai cũng khẩn trương cùng vào cuộc, cố gắng đồng hành với người bệnh bằng mọi khả năng mình có. Đó là hai anh em ở Bình Dương xin làm tình nguyện trong bệnh viện, là ông chủ garage ôtô góp phương tiện đi lại, là những chủ thầu xây dựng hay thợ xăm ngày đêm đi chở oxy, hỗ trợ chở bệnh nhân đi viện; là các bác sỹ chủ động đến từng nhà bệnh nhân để tư vấn, khám chữa bệnh…

DD Bui Thac Chuyen: Dieu cuu song con nguoi chinh la khong so hai hinh anh 2Đến Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, nhiều người tình nguyện coi nơi đây như quê hương thứ hai để lăn xả, miệt mài giúp đỡ khi thành phố ‘ốm.’ (Ảnh chụp màn hình)

Trong thời gian dịch, đạo diễn đã quay rất nhiều cảnh tượng khó quên, câu chuyện xúc động nhưng chưa thể dựng thành phim. Khi dựng năm tập phim đầu tiên, ông vẫn tiếp tục đi liên hệ nhân vật và quay. Lượng tư liệu đến nay đã lên hơn 10 terabyte.

Vào thời điểm 5 tập phim ra mắt, đất nước đã trở lại cuộc sống trước kia, bước vào bình thường mới. Trước câu hỏi liệu có lo những tập phim sẽ khơi lại cảm giác nặng nề cho những người từng trải qua những giờ khắc tăm tối nhất không, đạo diễn cho rằng đau thương nào cũng cần được nhắc đến và đây là khoảng thời gian ‘có một không hai’ trong lòng mỗi người, mang những giá trị riêng.

“Tôi hiểu dù muốn hay không muốn, người ta vẫn coi đây là một sự kiện rất lớn trong cuộc đời. Ngay cả khi không làm gì, chịu giãn cách suốt 3 tháng, chắc chắn người dân đã hiểu ra rất nhiều điều trong cuộc sống. Thêm nữa, tôi muốn có một sự chân thực, khách quan nhất trong cách mình kể lại các câu chuyện bởi có những việc khi được đưa lên mạng xã hội đã bị nói quá. Nguyên nhân là do họ thiếu đi sự điềm tĩnh,” nhà làm phim nhận xét.

Không chỉ dừng lại ở năm tập phim, sẽ còn những “Không…” khác nữa sớm ra mắt. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết ông đang kiên nhẫn chờ đúng thời điểm phù hợp khi nhân vật có thể chia sẻ đồng thời tiết lộ các chủ đề mới có thể là “Không u mê,” “Không mặc cảm”

“Sẽ còn rất nhiều điều nữa người ta cần có. Tất cả đều phải xuất phát từ không sợ hãi. Bởi khi một thảm họa kéo đến, cái cứu sống người ta là sự không sợ hãi chứ không phải một yếu tố nào khác,” đạo diễn nói thêm.

DD Bui Thac Chuyen: Dieu cuu song con nguoi chinh la khong so hai hinh anh 3Poster dự án phim ‘Không sợ hãi.’ (Ảnh: Galaxy)

Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng cho rằng đạo diễn muốn chúng ta nhìn lại đại dịch theo một khía cạnh nhân văn. Có cơ hội xem công chiếu phim trên màn ảnh lớn, ông Hiếu nhận xét: “Chính con người với bản chất tốt đẹp của mình đã giúp Việt Nam vượt qua đại dịch. Không muốn lấy nước mắt của khán giả nhưng quanh tôi, tất cả những đôi mắt đều ngấn lệ khi đèn rạp chiếu bật sáng trở lại.”

Nhà thơ Phong Việt cũng cho rằng khán giả xem không phải là để nhìn lại những ký ức bi thương từng có, mà sẽ thấy với tất cả những gì đã qua, để thấy “chúng ta xứng đang sống có ý nghĩa và mạnh mẽ với từng giây phút mà đời sống này trao tặng.”/.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sinh năm 1968 tại Hà Nội, là một trong những nhà làm phim điện ảnh kỳ cựu của miền Bắc kể từ thập niên 90. Ông là đạo diễn của phim ngắn “Cuốc xe đêm” (2000), các phim truyện “Sống trong sợ hãi” (2005), “Chơi vơi” (2009) và “Lời nguyền huyết ngải” (2012) và giành nhiều giải thưởng trong nước.

Trong số đó, “Chơi vơi” từng tham dự một số liên hoan phim quốc tế và dành giải thưởng của Hiệp hội Phê bình điện ảnh quốc tế (FIPRESCI) trong khuôn khổ Liên hoan phim Venice 2009.

Bên cạnh công việc làm phim, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên còn dẫn dắt các nhà làm phim trẻ và giảng dạy tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD (trực thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam). Hiện nay, ông đang tiếp tục thực hiện dự án phi tài liệu “Không sợ hãi” và kỳ vọng sẽ sớm có dịp ra mắt phim cho khán giả Hà Nội trên màn ảnh lớn.

Minh Anh (Vietnam+)