“Tôi đã hiểu vì sao đàn ông cần vợ lúc xế chiều” – tâm sự một phụ nữ U70

Xem bài viết

Đã 7 năm kể từ ngày chồng mất, đúng là cuộc sống của cô có chút hiu quạnh, nhưng cô cảm thấy việc tái hôn ở tuổi này dường như không thích hợp. Tại sao phải bước vào hôn nhân một lần nữa?

Ảnh minh họa: Getty Images.

Cô Xuyên trải lòng:

“Năm nay tôi 63 tuổi. Dù tôi khỏe mạnh, xinh đẹp và trẻ trung nhưng sau khi chồng mất, tôi không có ý định tái hôn. Dù điều kiện sống của tôi có tốt đến đâu và trông tôi trẻ ra sao, tôi vẫn chỉ là một người phụ nữ đã già. Tôi không nghĩ phụ nữ lớn tuổi cần tái hôn.

Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là có nhiều người đàn ông lớn tuổi gửi lời đến tôi qua bạn bè rằng họ muốn tìm hiểu tôi, vì họ độc thân và tôi cũng độc thân, họ muốn tái hôn.

Điều kiện của những người đàn ông này bình thường, không tốt cũng chẳng tệ. Tôi đã đi xem mắt, và cuối cùng cũng hiểu được lý do thực sự khiến họ muốn tìm một người vợ ở tuổi xế chiều”.

Một trong những người đàn ông cô Xuyên đã đồng ý hẹn gặp là chú Giang. Chú Giang năm nay 66 tuổi, sau khi vợ mất, chú muốn tái hôn và đang tìm một người vợ mới.

Khi hỏi cô mới biết lương hưu của chú chỉ ở mức thấp, không đủ thuê người giúp việc săn sóc, nên chú nghĩ đến chuyện tái hôn để tìm một người vợ biết giữ nhà, nấu những bữa ăn ngon và dọn dẹp.

“Thời tiết năm nay mưa nhiều, mưa suốt mùa hè. Căn phòng ở nhà ẩm ướt quá. Năm nào vào mùa mưa như vậy tôi cũng luôn nghĩ nếu có vợ, có ai đó để dọn dẹp nhà cửa thì môi trường sống có thể trong lành, sạch sẽ, tốt biết bao”, chú Giang trò chuyện với cô Xuyên trong buổi gặp mặt.

“Khi còn sống, vợ tôi thường nấu ăn. Món sườn xào của cô ấy rất ngon, món cá hấp cũng ngọt. Tôi hy vọng ai đó có thể làm cho tôi những món ấy. Ngoài ra khi tôi ốm đau và nằm viện, cũng cần một người kề cận sớm hôm. Kể từ khi vợ mất, mỗi lúc tôi ốm, các con có đến thăm, nhưng không con nào có thể chăm sóc bố chu đáo”- nghe những lời chú nói cũng khiến cô Xuyên cảm thương, nhưng cô còn nhìn thấy rằng lý do chú muốn lấy vợ là tìm người chăm sóc cho mình những năm tháng sau này, vì chú không thể chăm sóc tốt cho bản thân, cũng không có tiền thuê người làm giúp.

Tái hôn với một người đàn ông như vậy, phụ nữ luôn phải vất vả, lo toan. Không muốn sống với một người như chú Giang, vì vậy cô đã lịch sự từ chối.

“Mặc dù tôi hiểu mong muốn được chăm sóc của anh Giang trong những năm cuối đời, nhưng tôi không muốn tái hôn và làm bảo mẫu. Cuộc sống của tôi đang thoải mái, dễ chịu, những năm tháng sau này tôi lại càng không muốn mình phải mệt mỏi”, cô Xuyên nói.

Sau đó, cô đi xem mắt chú Quân, một người đàn ông tuổi xế chiều có kinh tế tốt hơn. Chú có thể giặt giũ và nấu ăn một mình, sống một cuộc sống độc thân rất thoải mái. Cô hỏi chú: “Anh có thể tự lo cho mình, tại sao anh vẫn muốn tái hôn?”.

Chú bảo sống một mình rất cô đơn, nếu có người đồng hành trong đời thì tốt. Chú có lương hưu không tệ, mỗi tháng có thể đưa vợ đi du lịch một lần. Cô Xuyên không tin có người đàn ông tốt như vậy, nên hỏi lại: “Anh tìm vợ chỉ là để tìm người tiêu tiền hộ mình sao?”.

Câu hỏi chắc chắn đã chạm vào đúng suy nghĩ của chú Quân. “Khi về già, ngoài việc sợ cô đơn, chúng ta còn sợ tuổi già. Có ai đó bên cạnh sẽ tốt hơn. Nếu tôi già yếu hay bị liệt, cô ấy sẽ nhớ lại tôi đã tốt với cô ấy thế nào và chăm sóc cho tôi”, chú trả lời.

Nghe xong, cô Xuyên lại cảm thấy rằng chú đang tìm một vú em. Chỉ mong người vợ tái hôn sau này có thể chăm sóc chú ấy bằng cả lòng, nhưng người vợ đó không phải là cô.

“Cuối cùng, khi tôi hiểu lý do tại sao đàn ông muốn tái hôn và tìm một người vợ trong những năm cuối đời, tôi không còn muốn tái hôn nữa. Một người đàn ông có tốt với bạn như thế nào sau khi tái hôn thì trên thực tế, họ đều muốn tìm một người ở cạnh khi họ không thể tự chăm sóc mình trong những năm tháng sau này. Một người phụ nữ tái hôn vào những năm cuối đời, cuối cùng phải chăm sóc nửa kia. Cuộc sống kiểu này mệt mỏi quá, thà độc thân vui vẻ còn hơn”, cô Xuyên nói.

Bạn nghĩ sao về quan điểm của cô Xuyên? Tái hôn tuổi xế chiều có thật sự cần thiết không? Và ở tuổi này, khi người ta nghĩ đến tái hôn, có phải đều vì sự cân nhắc những thiệt hơn, sự đổi trao bắt nguồn từ tư tưởng chuẩn bị cho tuổi già và bệnh tật chứ không còn tình cảm?