Khai mạc Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk năm 2022

Xem bài viết

Khai mạc Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk năm 2022Đoàn nghệ nhân huyện Buôn Đôn phục dựng nghi lễ mừng lúa mới và trình diễn chiêng hòa tấu Jrai tại Liên hoan. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Tối 23/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng lần thứ II, năm 2022. Tham dự sự kiện có gần 500 nghệ nhân đến từ 15 Đoàn của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Liên hoan chào mừng kỷ niệm 17 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005-23/11/2022) và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại (25/11/2005-25/11/2022); kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (23/11/1940-23/11/2022).

Khai mạc Liên hoan, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà cho biết, từ năm 2007 đến nay, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng nhằm thực hiện cam kết trong nội dung Hồ sơ đệ trình với Tổ chức UNESCO.

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh, giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa cho nhân dân 49 dân tộc trên địa bàn tỉnh.

[“Báu vật sống” gìn giữ, bảo tồn âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên]

Đây là dịp để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng có cơ hội gặp gỡ, giao lưu văn hóa nghệ thuật gắn với diễn tấu cồng chiêng, tô thắm thêm tình đoàn kết các dân tộc anh em, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá Di sản Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; đồng thời tăng cường ý thức, trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Để Liên hoan diễn ra thành công, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, các nghệ nhân, diễn viên quần chúng phát huy hết niềm say mê, nỗ lực trình diễn các tiết mục cồng chiêng gắn với nghi thức, nghi lễ truyền thống, cùng những lời ca, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.

Hội đồng thẩm định Liên hoan làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, công tâm, khách quan, xem xét, lựa chọn những tiết mục trình diễn xuất sắc tại Liên hoan để phục vụ công diễn và trao thưởng.

Khai mac Lien hoan Van hoa cong chieng tinh Dak Lak nam 2022 hinh anh 2Đoàn nghệ nhân thị xã Buôn Hồ hát Ai ray tại Liên hoan. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Thông qua Liên hoan, tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, đội cồng chiêng tiêu biểu, nòng cốt ở khắp các địa phương trong tỉnh, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.”

Sau Lễ khai mạc, đông đảo công chúng yêu âm nhạc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã thưởng thức phần trình diễn nghệ thuật cồng chiêng đến từ các Đoàn nghệ nhân huyện Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’Gar và huyện Cư Kuin.

Đến với Liên hoan, các đội đã mang đến nhiều thể loại như trình diễn cồng chiêng, phục dựng nghi lễ/lễ hội, kết hợp dân vũ với múa và diễn tấu chiêng, hòa tấu chiêng, song tấu chiêng, hát dân ca, hát đối đáp, diễn tấu các nhạc cụ dân tộc… Tất cả đã tạo nên một bữa tiệc âm nhạc độc đáo, đặc sắc cùng tiếng cồng, tiếng chiêng vang rộn giữa đại ngàn Tây Nguyên./.

Hoài Thu (TTXVN/Vietnam+)