Chương trình nghệ thuật “Vũ khúc giao mùa” giao hòa âm sắc Việt-Hàn

Xem bài viết

Chương trình nghệ thuật “Vũ khúc giao mùa” giao hòa âm sắc Việt-HànMột chương trình nghệ thuật ở khu vực Ngọ Môn, Đại nội Huế trong Festival Huế 2022, hồi tháng Sáu vừa qua. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Đêm 25/11, tại Quảng trường Ngọ Môn (Đại nội Huế), Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế phối hợp với Hiệp hội Múa Gyeonggi Hàn Quốc tổ chức chương trình nghệ thuật “Vũ khúc giao mùa” nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc (22/12/1992-22/12/2022).

Chương trình có 12 tiết mục chính, mở màn là hòa tấu “Vọng Kinh kỳ” do dàn nhạc truyền thống cung đình trình tấu, tiếp đó là phần giao hòa âm sắc giữa các vũ khúc truyền thống của Việt Nam và Hàn Quốc.

Các vũ khúc cung đình như Phụng vũ, Trình tường tập khánh, Lục triệt hoa mã đăng, Lục cúng hoa đăng trên nền nhã nhạc cùng với diễn xướng của vũ công tạo nên một âm sắc tươi vui, trang nhã, mang tính triết lý của các vũ khúc cung đình.

[Hòa nhạc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc]

Hiệp hội Múa Gyeonggi Hàn Quốc tham gia chương trình, giới thiệu tới người dân, du khách Thừa Thiên-Huế các di sản phi vật thể của Xứ sở Kim chi với các tiết mục múa như múa Sunsori Santaryeong, múa sếu Tae Pyung Mu, múa Hanryangmu hữu tình gắn với sân múa truyền thống của Bảo tàng Dân gian Gyeongbokgung; điệu múa Daegeumsanjo hình thành từ nhóm múa nữ ở triều đại Goryeo (năm 918-1392); múa Salpuri – điệu nhảy cổ xưa; múa Salpuri, Tae Pyung Mu là các di sản văn hóa phi vật thể Gyeonggi-do của Hàn Quốc.

Trước đó, đêm 24/11, Hiệp hội âm nhạc truyền thống Hàn Quốc cũng đã giới thiệu đến khán giả xứ Huế những bản nhạc, bài dân ca, vũ khúc thuộc danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Hàn Quốc tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại nội Huế)./.

Mai Trang (TTXVN/Vietnam+)