Vụ tranh chấp đất tại Phù Mỹ (Bình Định): Vì sao tòa án chậm giải quyết?

Xem bài viết

Trong lá đơn kêu cứu khẩn cấp gửi tới Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Bùi Thể (SN 1962, trú tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) cho biết, hiện ông đang là người quản lý và sử dụng thửa đất có diện tích 1.262,1m2 tại thôn Trực Đạo, xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Nguồn gốc đất đai do bố mẹ ông Thể gồm cụ: Bùi Đình Huề, Phạm Thị Mau để lại.

Ngày 16/3/2012, bố mẹ ông Thể được UBND huyện Phù Mỹ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất số BK124963 (ghi nhận quyền sử dụng 1.262,1m2, trong đó có 200m2 đất thổ cư và 1.062,1m2 đất trồng cây hàng năm khác). Ngày 2/11/2021, gia đình cụ Huề tiếp tục được Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Phù Mỹ xác nhận gia hạn thời hạn sử dụng đất nông nghiệp đến 9/2063).

Theo ông Thể, đầu năm 2021, ông Nguyễn Anh Tú (SN 1974, hàng xóm) bất ngờ lấn chiếm vào phần diện tích đất của gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trên phần đất lấn chiếm, gia đình ông Tú cột gia súc, phơi rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường. Bức xúc, ông Thể đã làm đơn phản ánh tới chính quyền UBND xã Mỹ Trinh đề nghị giải quyết.

Vụ tranh chấp đất tại Phù Mỹ, Bình Định: Vì sao tòa án chậm giải quyết? - Ảnh 1.

Ông Bùi Thể khẳng định khu đất này là của gia đình và đang bị lấn chiếm, sử dụng trái phép

Ngày 20/5/2021, UBND xã Mỹ Trinh tổ chức buổi hòa giải tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Thể và gia đình ông Tú. Tuy nhiên buổi hòa giải không thành nên ông Bùi Thể đã khởi kiện ông Nguyễn Anh Tú ra tòa. Ngày 1/11/2021, TAND huyện Phù Mỹ đã thụ lý đơn khởi kiện của ông Bùi Thể nhưng đến nay việc giải quyết vụ án vẫn chưa ngã ngũ.

Tháng 5/2022, ông Thể mới được biết rằng, ngày 14/2/2022, UBND xã Mỹ Trinh lập hồ sơ đề nghị UBND huyện Phù Mỹ xem xét, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho gia đình cụ Bùi Đình Huề (bố ông Thể).

Ngày 7/6/2022, trao đổi với PV, thẩm phán Châu Văn Minh (TAND huyện Phù Mỹ, Bình Định) cho biết: Sau khi thụ lý vụ án, TAND huyện Phù Mỹ đã tiến hành xác minh về nguồn gốc phần đất đang tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn. Theo tài liệu từ UBND xã Mỹ Trinh, xã đã xây dựng hồ sơ đề nghị UBND huyện Phù Mỹ xem xét, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đó cho gia đình cụ Bùi Đình Huề (bố ông Bùi Thể). Chính vì vậy, tòa đang đợi UBND huyện Phù Mỹ giải quyết vấn đề trên trước mới giải quyết được vụ án.

Vụ tranh chấp đất tại Phù Mỹ, Bình Định: Vì sao tòa án chậm giải quyết? - Ảnh 2.

Vợ chồng ông Bùi Thể cho rằng đã quá mệt mỏi khi phải đi gõ cửa kêu cứu nhiều nơi

Chia sẻ với PV, luật sư Đào Thị Liên – Công ty Luật TNHH Tiền Phong (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, là luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Bùi Thể) cho biết, theo Điều 203 (Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015) về thời hạn giải quyết vụ án dân sự thì thời hạn giải quyết vụ án dân sự tranh chấp đất đai là không quá 4 tháng tính từ ngày tòa án có thông báo thụ lý vụ án. Điều đó có nghĩa, tính từ thời điểm ông Thể khởi kiện thì chậm nhất đến ngày 2/3/2022, tòa án phải có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp có lý do chính đáng và hợp pháp thì Chánh án phải ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử và thời hạn không quá 2 tháng.

“Ngày 1/11/2021, TAND huyện Phù Mỹ đã có thông báo số 145/TB-TLVA do Thẩm phán Châu Văn Minh ký, thể hiện đã thụ lý đơn khởi kiện của ông Bùi Thể. Đến nay, đã 7 tháng mà tòa vẫn chưa giải quyết vụ án xong, chúng tôi và đương sự cũng không nhận được văn bản gia hạn giải quyết vụ án từ Chánh án TAND huyện Phù Mỹ.

Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị gửi đến Chánh án TAND huyện Phù Mỹ đề nghị ban hành văn bản gia hạn thời gian giải quyết vụ án nhưng chưa được trả lời. Ông Bùi Thể cũng đã kiến nghị về việc này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tư vấn ông Thể về quyền khiếu nại việc này, để làm rõ trách nhiệm các cán bộ tòa án có thẩm quyền, nhằm đảm bảo vụ án được giải quyết đúng quy định của pháp luật”, luật sư Liên nói.

Cũng theo luật sư Liên, việc có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là điều kiện duy nhất để được tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai. Bởi lẽ, căn cứ khoản 2 (Điều 203, Luật Đất đai 2013) thì: “2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây: a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này; b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về Tố tụng dân sự”

Trường hợp này, ông Bùi Thể đã qua hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã và chọn biện pháp khởi kiện ra tòa án thì TAND huyện Phù Mỹ đã thụ lý là phải giải quyết. Thời gian qua, luật sư và cá nhân ông Thể đều gửi văn bản đề nghị tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ để thu thập chứng cứ giải quyết vụ án. Tòa án phải xác định trên thực tế phần đất tranh chấp có diện tích bao nhiêu, ở vị trí nào, so với bản đồ địa chính hiện trạng thì xác định người sử dụng đất là ai… để làm căn cứ giải quyết vụ án. Việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ là một trong các căn cứ để giải quyết vụ án trên.

Theo hồ sơ đất đai đã được công khai tại tòa án, gia đình nhà ông Thể quản lý, sử dụng đất từ năm 1975, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2011, địa phương thực hiện dự án chỉnh lý bản đồ địa chính Vlap, căn cứ bản đồ quy hoạch và hiện trạng mới, gia đình ông Thể được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới, theo đó, gia đình được phép quản lý, sử dụng diện tích đất tăng thêm hơn 200m2 so với diện tích trước đây được cấp theo bản đồ 299 (từ năm 1995). Lý do là, sau khi quy hoạch theo bản đồ hiện trạng mới, thửa đất có hình thể và diện tích như vậy và đã được hợp thửa với một thửa đất khác có nguồn gốc Nhà nước quản lý trước đây.

Gia đình ông Thể không phải là trường hợp duy nhất có diện tích đất tăng thêm theo bản đồ Vlap năm 2013. Kết quả đo vẽ, bản đồ địa chính dự án Vlap đã được duyệt và là căn cứ để UBND huyện Phù Mỹ cấp giấy chứng nhận đăng ký biến động tăng diện tích đất cho người dân. Bản đồ hiện trạng dự án Vilap đã được Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bình Đình phê duyệt. Quy trình cấp giấy chứng nhận cho gia đình ông Thể là hoàn toàn đúng, hợp pháp và hợp lệ, không đủ căn cứ để thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.

“Chúng tôi thấy không có căn cứ tạm định chỉ giải quyết vụ án này bởi lẽ, vụ án không rơi vào trường hợp “cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án” quy định tại điểm d (khoản 1, Điều 214, Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015). Như đã trình bày ở phần trên, căn cứ khoản 2 (Điều 203, Luật Đất đai 2013) quy định: Trường hợp đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tòa án vẫn giải quyết tranh chấp đất đai”, luật sư Liên phân tích.