Nhà báo Đồng Mạnh Hùng trải nghiệm 30 năm ‘Cuốn vào sóng phát thanh’

Xem bài viết

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng trải nghiệm 30 năm ‘Cuốn vào sóng phát thanh’Nhà báo Đồng Mạnh Hùng hiện là Trưởng ban Thư ký Biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), Nhà Xuất bản Thông tấn ra mắt bạn đọc cuốn sách “Cuốn vào sóng phát thanh” của tác giả Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký Biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Trong 30 năm công tác, nhà báo Đồng Mạnh Hùng đã dành nhiều thời gian để thử nghiệm những kỹ năng mới mẻ vào từng tác phẩm, từng chương trình phát thanh, từ chương trình nhỏ đến những “đại chương trình.”

Anh không chỉ đúc rút thành lý thuyết cho riêng mình mà còn đến các đài phát thanh-truyền hình ở các tỉnh thành phố, các đài huyện, đài xã và đặc biệt là sinh viên báo chí để chia sẻ, đào tạo và truyền cảm hứng làm phát thanh.

Anh còn viết hàng chục bài viết về những kỹ năng, kinh nghiệm học hỏi, đúc rút được để đăng trên các tạp chí nghiệp vụ và được nhiều nhà báo trẻ coi đó là cẩm nang nghề nghiệp của mình.

Nha bao Dong Manh Hung trai nghiem 30 nam 'Cuon vao song phat thanh' hinh anh 2Bìa cuốn sách của nhà báo Đồng Mạnh Hùng. (Ảnh: NVCC)

Từ những chắt chiu, sáng tạo qua nhiều năm công tác, nhà báo Đồng Mạnh Hùng đã viết nhiều bài nghiên cứu, bài tổng kết lại kinh nghiệm, kỹ năng của mình qua quá trình làm việc, học hỏi các chuyên gia nước ngoài và thử nghiệm cùng đồng nghiệp.

Cuốn sách gồm những bài nghiên cứu, bài viết về phát thanh của nhà báo Đồng Mạnh Hùng trong suốt 30 năm qua, được chia thành ba phần: “Phát thanh-Một số vấn đề lý luận,” “Tiếng nói Việt Nam-Người và nghề” và “Phát thanh-Kinh nghiệm và kỹ năng.”

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, nhà báo Đồng Mạnh Hùng cho hay phần 3 là phần chứa đựng nhiều tâm huyết nhất của anh bởi đó là những thử nghiệm của anh trong nghề phát thanh, có những thành tựu và cũng có những thất bại. Qua đó, tác giả mong rằng những đồng nghiệp trong nghề “báo nói” sẽ tham khảo và rút ra kinh nghiệm cho mình.

[Việt Nam giúp Lào xây dựng Đài phát thanh-phát hình tỉnh Bokeo]

“Giờ ở ‘tuyến sau’, tôi mới có thời gian để đọc lại những bài nghiên cứu về phát thanh suốt nhiều năm qua. Thời gian đã khiến nhiều quan điểm, nhiều con số ngày nào còn nóng hồi, mới tinh nay đã trở nên lạc hậu… Nhưng đâu đó vẫn thấy những trăn trờ, vẫn thấy lửa nghề, nên tôi nhóm lại, thổi vào đó những ví dụ mới, những con số mới, những cái nhìn của thời đại mới,” nhà báo Đồng Mạnh Hùng chia sẻ.

Phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Thu Hằng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận xét cuốn sách thực sự là tài liệu quý, làm dày thêm nguồn tài liệu về báo chí và phát thanh ở Việt Nam.

“Về tổng thể, những bài báo, những bài tham luận khoa học của anh luôn thắm lửa nghề đồng thời thể hiện bức tranh khá hoàn chỉnh về những dấu ấn đổi mới của phát thanh tại Việt Nam. Qua những bài viết của anh, chúng ta có thể gặp được những con người cả trong lịch sử lẫn hiện tại gắn bó và tạo nên thương hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam,” phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Thu Hằng nói. 

Nha bao Dong Manh Hung trai nghiem 30 nam 'Cuon vao song phat thanh' hinh anh 3Nhà báo Đồng Mạnh Hùng ký tặng sách cho đồng nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Thu Hằng, năm 1994, VOV đẩy mạnh ứng dụng phương thức sản xuất chương trình phát thanh trực tiếp, bắt đầu với chương trình “Thời sự và Âm nhạc.” Cũng từ những năm đó, trên sóng thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu xuất hiện những giọng nói mới mẻ, trẻ trung, đầy sức hấp dẫn của một lớp phóng viên, biên tập viên mới như Đồng Mạnh Hùng, Tạ Toàn, Mai Hồng, Quang Sơn rồi Thu Hà, Hồng Nhung, Vân Anh, Vũ Duy, Huy Nam…

Chính từ thực tế công việc, từ sự học hỏi của lớp đàn anh đi trước, từ sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài, họ đã sáng tạo ra nhiều chương trình hay, nhiều format lạ, cách biên tập, cách thể hiện và dẫn dắt độc đáo… đã chinh phục một thế hệ thính giả trong suốt nhiều năm./.

Minh Thu (Vietnam+)