Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 10/8.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) khẳng định, di sản văn hóa Việt Nam, các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng nói riêng là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
Việc bảo vệ, phát huy các giá trị di tích này nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tình trạng di tích bị biến dạng, trẻ hóa sau trùng tu, tôn tạo ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử, văn hóa không được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp nghiêm trọng.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết giải pháp căn cơ nhằm khắc phục trước mắt và định hướng lâu dài để giải quyết vấn đề này?
Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, việc quy hoạch, tu bổ, tôn tạo, khoanh vùng, cắm mốc khu vực bảo vệ di tích sau khi được xếp hạng ở các địa phương còn chậm.
Nhiều di sản văn hóa có nguy cơ xuống cấp do thiếu nguồn lực kinh phí tu bổ. Một thực trạng nữa là việc xâm hại di tích xảy ra phổ biến ở các di tích chưa được xếp hạng, vi phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, đặc biệt là các dự án tu bổ di tích từ nguồn vốn xã hội hóa.
Đại biểu chất vấn giải pháp của Bộ trưởng thời gian tới để khắc phục tình trạng di tích xuống cấp trở thành “phế tích” thậm chí là “mất tích?”
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo thống kê, cả nước có trên 40.000 di tích, những di tích này đang được kiểm đếm, rà soát để có phương án bảo tồn, phát triển.
Gần 3.600 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và 123 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO ghi danh và nhiều di sản được cấp tỉnh quản lý, xếp loại.
“Căn cứ Luật Di sản văn hóa, trách nhiệm về quản lý, phân tích, xếp hạng là do địa phương sở tại quản lý,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thừa nhận tình trạng di tích xuống cấp ở nhiều nơi, Bộ trưởng cho rằng, đó là do nguồn lực ở địa phương không nhiều, đầu tư cho di tích còn khó khăn. Nhiệm kỳ trước đây, Quốc hội có chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa, trong đó nguồn kinh phí khoảng 245 tỷ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu di tích.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã điều tiết số tiền này cho khoảng 400 di tích. Tuy nhiên, nguồn ngân sách cũng chưa đủ sức để khắc phục tình trạng này.
Về các giải pháp, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 1230/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025.
Bộ cũng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, hỗ trợ nguồn lực của Trung ương và địa phương để chống xuống cấp các di tích. Các địa phương đề xuất phải trên 5.000 tỷ đồng để thực hiện công việc này, nhưng nguồn lực của Trung ương là không đủ.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích. Khi nhận được nguồn lực này, Bộ sẽ chuyển cho các địa phương trùng tu, tôn tạo.
Bên cạnh đó, cần tính toán các nguồn vốn, bởi nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Trung ương thì chắc chắn không đủ nguồn lực để thực hiện công việc này.
Liên quan đến việc trùng tu di tích, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh là lập dự án, thẩm định, thiết kế, tổ chức thi công. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ tham gia phần đầu thẩm định chung và trình cấp có thẩm quyền để phê duyệt dự án.
Bộ sẽ thanh tra khi thấy có dấu hiệu vi phạm. Khi được giao, các cơ quan phải thực hiện đúng phương án đã được phê chuẩn, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng để phát hiện, ngăn chặn việc làm sai mục đích tôn tạo, phục dựng trùng tu di tích.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên các nguồn lực để tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên cũng không thể trùng tu, tôn tạo hết. Địa phương tự chủ được ngân sách thì việc tôn tạo thuận lợi, còn địa phương phải nhận trợ cấp từ trung ương thì việc tôn tạo gặp nhiều khó khăn.
Việc xã hội hóa cũng khó khăn do các doanh nghiệp chưa tha thiết đầu tư vào hoạt động trùng tu di tích vì không đem lại nhiều nguồn lợi. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn Đảng, Nhà nước dành nguồn lực đầu tư để đất nước có những di tích xứng tầm với ý nghĩa lịch sử cách mạng./.
Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)