Đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới ở Việt Nam

Xem bài viết

Đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới ở Việt NamKhách du lịch trong và ngoài nước tham quan phố cổ Hội An. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chiều 14/9, tại thành phố Hội An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố Hội An tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị các Khu di sản thế giới tại Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19 và quản lý di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới ở Việt Nam theo Công ước di sản thế giới.”

Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và đánh dấu 35 năm Việt Nam phê chuẩn công ước.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết, hiện Quảng Nam có 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận là đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An.

Bên cạnh đó, còn có nghệ thuật bài chòi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Với những giá trị đặc sắc, nổi bật của những di sản này, Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng đã khẳng định là một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng của cả nước và khu vực, được thế giới bình chọn nhiều danh hiệu cao quý trên lĩnh vực du lịch.

Tỉnh Quảng Nam đã, đang và sẽ tiếp làm hết khả năng của mình để bảo tồn và phát huy bền vững các Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới trong phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia nhấn mạnh Hội thảo là dịp tốt để các cơ quan, đơn vị, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn cùng nhau trao đổi, đề xuất những giải pháp hữu hiệu, khả thi, sát đúng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19.

[Bảo vệ di sản thế giới vì tự cường và phát triển bền vững]

Với cách tiếp cận này, các đại biểu, các nhà khoa học đã chia sẻ, đề xuất nhiều góc nhìn, cách tiếp cận, giải pháp khả thi với mong muốn hệ thống di sản thế giới ở nước ta được bảo tồn và phát triển bền vững như quản lý các khu di sản thế giới ở Việt Nam theo quan điểm phát triển bền vững của UNESCO trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tiếp nối thành công của nhiệm kỳ 2013-2017, Việt Nam sẽ ứng cử vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, nhằm tiếp tục khẳng định vai trò và uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Việt Nam tham gia Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 1987. Đến nay, Việt Nam có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận./.

 

Đoàn Hữu Trung (TTXVN/Vietnam+)