Mẹ Hà Nội rèn con kỷ luật không đòn roi

Xem bài viết

Mẹ Hà Nội rèn con kỷ luật không đòn roi - Ảnh 1.

Gia đình bốn người nhà chị Thủy.

Là mẹ của hai con gái Dương Bảo Hân, 12 tuổi và Dương Khánh Ngọc, tám tuổi, chị Hoàng Bích Thủy (34 tuổi, giáo viên mầm non) không đồng tình với quan điểm giáo dục “yêu cho roi cho vọt”. Chị cho rằng đòn roi hay còn gọi là lối tắt trong giáo dục giúp bố mẹ giải quyết vấn đề nhanh chóng nhưng sẽ gây tổn hại lâu dài cho mối quan hệ giữa bố mẹ và con.

Vì vậy, chị luôn đau đáu với câu hỏi: “Có cách nào để mình không cần đánh mắng mà con vẫn ngoan ngoãn, vâng lời, và hiểu chuyện?”. Để tìm đáp án cho câu hỏi này, chị Thủy từng đọc qua vài phương pháp giáo dục trong sách nhưng “cảm thấy khó để áp dụng với văn hóa, lối sống người Việt”. Không bỏ cuộc, chị nghĩ lại về thuở ấu thơ của chính mình xem một đứa trẻ cần nhất điều gì để lớn khôn. Chị khám phá ra được đó là sự kiên nhẫn, sự lắng nghe của phụ huynh và quan trọng là bố mẹ phải rèn kỷ luật cho con ngay từ đầu. Chị giúp con nhận thức được vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của con như khi con đi học ở trường, giúp các bé được biết việc nào được làm, việc nào không được làm, các hình phạt nếu có. Dưới đây những cách làm của vợ chồng chị Thủy để rèn kỷ luật cho bé.

1. Thiết lập quy tắc kỷ luật ba lần ngay từ đầu

Theo chị Thủy, mọi cách rèn kỷ luật cho con phụ thuộc vào lứa tuổi và khả năng của các bé. Nếu bé còn nhỏ, bố mẹ rèn bé biết cất đồ chơi đúng nơi quy định, rèn con mặc quần áo, vệ sinh cá nhân. Khi thực hiện quy tắc kỷ luật, vợ chồng chị Thủy đều tôn trọng kỷ luật, làm gương cho bé. Nếu định bảo ban con làm gì, chị Thủy đều nói rõ ràng với các con lý do vì sao phải làm; hướng dẫn cách làm cho tới khi các con hiểu và biết làm; cuối cùng trao đổi về hình thức kỷ luật khi con thực hiện sai. Trong trường hợp con làm sai, ở lần một, bố mẹ nhắc nhở. Lần hai, bố mẹ cảnh báo. Tới lần ba, bố mẹ thi hành kỷ luật với con.

Ví dụ, khi con làm bài cẩu thả, soạn sách vở thiếu, bố mẹ đã nhắc nhở mà vẫn không được, chị Thủy sẽ thi hành kỷ luật, đưa ra yêu cầu để con chép lại bài 20-50 lần hoặc đứng soạn sách vở cả tuần 50 lần. Nếu con rửa bát, lau nhà, lau cầu thang bẩn, cặp vợ chồng sẽ để con rửa đi rửa lại tới khi sạch.

Thời gian đầu khi thi hành kỷ luật, chị Thủy cho biết bé phản kháng khi bố mẹ bắt rửa bát lại với biểu cảm mặt mũi sưng, động tác vùng vằng. Con nói: “Tại sao con phải làm lại ạ? Con rửa như thế này là sạch lắm rồi”. Thấy con cáu, chị Thủy sẽ làm dịu tình huống. Chị sẽ nhẹ nhàng chỉ vào chỗ bẩn trên bát đĩa, hỏi lại con cách mình đã dạy con rửa, cách kiểm tra xem bát như thế nào là sạch.

“Nếu bố mẹ không dạy con ‘tiêu chuẩn bát sạch’ ngay từ đầu, có thể cả nhà sẽ cãi nhau tới cùng, bất phân thắng bại”, chị cho hay. Do đó, chị thiết lập tiêu chuẩn trước và dựa vào tiêu chuẩn đó để đánh giá chất lượng công việc của con. Khi bố mẹ chỉ ra đúng vết bẩn vẫn còn, con không chối được, con sẽ rửa lại. Dù lúc rửa lại, con gái chị Thủy vẫn cáu, nhưng ở lần sau, bé đã biết rửa kỹ hơn và còn nói: “Đúng là rửa bát cẩn thận đỡ mất thời gian và công sức phải rửa lại mẹ ạ!”.

Trong trường hợp hai chị em gái cãi nhau, tranh giành, bố mẹ là người lắng nghe các con với nguyên tắc ai sai sẽ phải chịu kỷ luật. Nếu cả hai quyết tâm cãi nhau tới cùng, bố mẹ cho cả hai lao động, làm việc chung với nhau, chẳng hạn như dọn dẹp bốn tầng nhà. Theo chị Thủy, đây là cách để vừa rèn kỷ luật, vừa rèn sự kiên nhẫn cho con khi con tức giận với ai đó, giúp con biết sống chung, biết phối hợp với người khác.

Mẹ Hà Nội rèn con kỷ luật không đòn roi - Ảnh 2.

Ngoài làm các việc nhà cơ bản, con gái chị Thủy đã biết vào bếp nấu nướng phụ bố mẹ.

2. Cắt giảm quyền lợi

Cắt giảm quyền lợi cũng là cách rèn kỷ luật cho con. Ví dụ, nếu con cất đồ không đúng chỗ, bố mẹ cắt quyền lợi không cho bé chơi món đồ bé thích. Nếu con cư xử không đúng như nói trống không, cáu gắt, cãi ông bà bố mẹ; phụ huynh có thể hoãn việc đi chơi của con với bạn bè, không cho con sử dụng điện thoại trong một tuần… Tức là những việc con thích làm, bố mẹ có thể tạm hoãn.

Với các bé đã lớn, biết nhận thức, chị Thủy gợi ý bố mẹ uốn nắn các thói quen, hành vi sai của con thay vì cáo buộc hành vi lẫn tính cách của con. Ví dụ, khi con cẩu thả trong việc rửa bát, điều này không có nghĩa con là người cẩu thả. “Nếu bố mẹ nói: ‘Con là người cẩu thả! Làm cái gì cũng không xong!’, điều này sẽ gây tác dụng ngược. Con sẽ tự ái, cáu giận và thể hiện sự bất cần”, nữ giáo viên mầm non nói. Vì thế, chị Thủy chỉ dạy cách làm và giải thích cho con hiểu, giúp con làm đúng hơn.

3. Sau khi kỷ luật con, bố mẹ phân tích

Theo chị Thủy, bố mẹ và con cái sẽ có hai góc nhìn khác nhau từ cùng một tình huống và đôi khi con không nhận ra cái sai của mình. Vì vậy, bố mẹ cần giải thích rõ cho con hiểu để khiến con nhận ra được bản chất vấn đề, biết nguyên nhân để bé không tái phạm.

Ví dụ, trong lúc giãn cách xã hội, con gái lớn của chị mê xem Tik Tok cả ngày. Khi vợ chồng chị tịch thu điện thoại, bé tìm cách mượn của người khác hoặc lén lấy điện thoại để xem khi bố mẹ vắng nhà. Lúc này, chị Thủy quy định rõ với con: “Nếu con học tốt, làm hết việc nhà, con được xem Tik Tok 30 phút buổi chiều và 30 phút buổi tối”. Nhờ quy định này, con học nhanh, làm việc nhà nhanh hơn. Nhưng điểm số của bé bị tụt dốc trong một tháng.

Lúc này, chị Thủy phân tích, giảng giải để con nhận thức được việc xem Tik Tok có hại như thế nào, ảnh hưởng ra sao tới việc học và cả tới tính cách. Chị còn áp dụng biện pháp mạnh là tịch thu điện thoại của bé, cho phép bé đàm phán khi kết quả học tập của bé được cải thiện. Sau đó, con gái lớn đã biết điều chỉnh việc học và chơi vừa đủ, tuân thủ đúng qui định “Học trước – Chơi sau – Chơi có giờ”.

Mẹ Hà Nội rèn con kỷ luật không đòn roi - Ảnh 3.

Khi rảnh rỗi, vợ chồng chị Thủy sẽ đưa các con đi chơi, khám phá đó đây.

4. Bố mẹ để con đưa ra cách xử lý cho sự việc hoặc gợi ý cho con

Khi con lớn tức giận và quát nạt em, chị Thủy sẽ để con tự nói ra lý do em làm con tức. Sau đó, chị đưa ra câu hỏi gợi mở cho con: “Lần sau, thay vì quát nạt lại em, con sẽ làm gì?”. Lúc này, bé tự đưa ra một số giải pháp mà bé thấy hợp lý. Đồng thời, khi con nhỏ nói hư với chị, bé cũng phải chịu kỷ luật.

Chị Thủy cho rằng khi các bé được nói ra tâm trạng, được hỏi ý kiến và cách xử lý, con sẽ nhận thức vấn đề sâu sắc hơn, có động lực để sửa đổi không tái phạm nữa.

Lưu ý khác:

Trong quá trình rèn kỷ luật cho con, nếu vợ chồng chị Thủy mắc phải sai lầm, cả hai sẵn sàng nhận lỗi với các con. Ví dụ, nếu chị Thủy làm sai, chị sẽ nói: “Mẹ xin lỗi, mẹ đã nhầm. Đáng lẽ mẹ phải tìm hiểu sự việc kỹ hơn trước khi nói hay quyết định. Đây đúng là bài học cho mẹ. Con đừng như mẹ nhé!”. Bởi chị muốn rèn con thái độ tốt và biết nhận lỗi khi sai.

Hiện tại, nhờ áp dụng các phương pháp rèn kỷ luật trên, chị Thủy nhận thấy các con có khả năng dự đoán hậu quả cho hành động của mình, biết cân nhắc thiệt hơn. Và điều quan trọng, bố mẹ giúp con cái cảm nhận được tình yêu thương, sự lo lắng, quan tâm thực sự, chứ không phải bố mẹ áp đặt con cái theo ý muốn chủ quan của mình. Với chị, rèn kỷ luật, cũng chính là cách bố mẹ bảo vệ con.

Hằng Trần

Ảnh: NVCC