Hà Nội đưa việc cưới trở thành nếp sống văn hóa lành mạnh

Xem bài viết

Hà Nội đưa việc cưới trở thành nếp sống văn hóa lành mạnhCác cặp đôi trẻ tham dự đám cưới theo nếp sống mới. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Việc cưới vốn là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân Thủ đô cũng như cả nước.

Nhưng một thời gian dài, ở một số nơi, trong một số trường hợp, nếp sinh hoạt văn hóa đó bị biến dạng, gây lãng phí, tốn kém, thậm chí bị thương mại hóa gây nhiều hệ lụy trong đời sống.

Trước thực tế đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (khóa XV) đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 3/10/2012 về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố.

10 năm đưa Chỉ thị số 11-CT/TU vào cuộc sống, việc cưới đã có những chuyển biến tích cực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng; nhiều mô hình điểm, cách làm hay được nhân rộng.

Sự hưởng ứng của đảng viên và nhân dân

Trước kia, nhiều đám cưới ở thị xã Sơn Tây vẫn giữ nếp cũ với thủ tục rườm rà, lạc hậu, ăn uống linh đình, dựng rạp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu, tổ chức tiệc cưới với số lượng khách mời rất đông, gây dư luận không tốt trong nhân dân.

[Hà Nội: 18 đôi trẻ tổ chức đám cưới tập thể tại khu vực hồ Hoàn Kiếm]

Những điều đó đã tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa thanh lịch của cộng đồng xã hội, không còn phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

Từ khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU, công tác tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức như 100% quy ước của thôn, tổ dân phố đều có nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, đưa việc thực hiện cưới văn minh vào tiêu chí bình xét các danh hiệu văn hóa.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Quang Hán, đến nay, cán bộ, đảng viên đang công tác tại các cơ quan của thị xã, cơ sở chấp hành nghiêm Chỉ thị.

Nhiều người tự nguyện, gương mẫu tổ chức đám cưới bằng hình thức mời tiệc ngọt, báo hỷ sau ngày cưới đảm bảo vui tươi, lành mạnh.

Hầu hết các lễ cưới đều được tổ chức trong một ngày, không phô trương hình thức, giảm số lượng khách mời. Các nghi lễ thực hiện đơn giản, tiết kiệm hơn so với thời gian trước.

Đối với các quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội, nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, nhất là những người giữ cương vị chủ chốt đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 11-CT/TU; tổ chức tiệc cưới gọn nhẹ trong gia đình, không tổ chức ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ, công chức.

Nhiều đoàn viên, thanh niên có các hoạt động ý nghĩa khi tổ chức cưới như tại huyện Thường Tín, các đôi nam nữ trước khi kết hôn đến Ủy ban Nhân dân phường đăng ký và tự nguyện đóng góp vào Quỹ khuyến học của địa phương từ 300.000-500.000 đồng; tại quận Đống Đa có 245 đám cưới của đoàn viên, thanh niên được tổ chức theo tinh thần nếp sống mới, vui tươi, tiết kiệm và được Quận đoàn tặng quà, động viên các gia đình.

Đối với người dân, việc tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa khu dân cư, không mời thuốc lá giờ đã trở nên quen thuộc.

Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố cũng đang quen dần với hình thức tổ chức đám cưới gọn nhẹ, tiết kiệm nhưng trang trọng, ý nghĩa.

Nhiều gia đình tại các quận như Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Tây Hồ… đã tổ chức đám cưới theo nếp sống văn minh với tiệc trà, báo hỷ sau cưới, không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ, không làm quá 40 mâm cỗ.

Ngoài ra, mỗi đám cưới ủng hộ Quỹ khuyến học của địa phương giá trị một mâm cỗ; các cặp đôi còn đến đặt hoa tại Đài tưởng niệm liệt sỹ…

Ha Noi dua viec cuoi tro thanh nep song van hoa lanh manh hinh anh 2Các cặp đôi thực hiện nghi thức dâng hương tại Tượng đài Vua Lý Thái Tổ. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, tất cả các đám cưới trên địa bàn thành phố đều được dừng, hoãn, hủy, giảm quy mô.

Trong ba tháng mùa dịch, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã vận động 46 gia đình hoãn tổ chức đám cưới, chuyển sang báo hỷ; tại huyện Quốc Oai, có những gia đình đã đặt cỗ, mời khách nhưng sau đó chấp nhận thiệt hại về kinh tế để làm đơn giản với tinh thần toàn dân chống dịch…

Nhân rộng mô hình, cách làm hay

Ngày 15/10, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức đám cưới tập thể cho 18 đôi bạn trẻ theo nếp sống mới tại Vườn hoa đền Bà Kiệu, khu vực không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Đây là những cặp đôi không có điều kiện tổ chức đám cưới do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hai năm vừa qua.

Các cặp đôi đã thực hiện nghi lễ dâng hương tại Tượng đài Vua Lý Thái Tổ và cùng chụp ảnh cưới ven hồ vào buổi sáng; tham dự lễ cưới vào buổi tối với các nghi thức trang trọng.

Các cô dâu, chú rể đều mặc áo dài truyền thống với gam màu trắng, đỏ. Tại sự kiện, các cặp đôi được tài trợ hoa, nhẫn cưới và vé máy bay đi tuần trăng mật.

Đây là một trong những mô hình điểm, cách làm hay đang được các cơ quan, đoàn thể tại Hà Nội thực hiện trong quá trình triển khai Chỉ thị số 11-CT/TU.

Bên cạnh đó còn có nhiều mô hình mới như: Mô hình đám cưới “Sáu không” (không ăn uống linh đình, kéo dài; không hút thuốc lá; không tổ chức quá 1,5 ngày; không tổ chức vui chơi, văn nghệ quá 22 giờ, tổ chức hôn lễ không quá 45 phút; không lợi dụng đám cưới để tụ tập uống rượu, bia say, quấy rối gây mất an ninh trật tự và tổ chức đánh bạc; không vi phạm pháp luật an toàn giao thông, nhất là trong quá trình tổ chức đưa, đón dâu) ở huyện Quốc Oai; mô hình đám cưới “Năm không” (không mời thuốc; không uống rượu say; không đánh bạc; không gây mất trật tự công cộng; không mở loa to từ 22 giờ hôm trước đến 7 giờ hôm sau) ở huyện Chương Mỹ, huyện Gia Lâm được nhiều gia đình hưởng ứng.

Tại quận Hà Đông, các đám cưới được tổ chức theo nếp sống văn hóa, tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh, làm không quá 40 mâm cỗ, không hút thuốc lá, không mở loa đài công suất lớn trước 5 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.

Tại Thiền viện Sùng Phúc (quận Long Biên) đã cử hành lễ kết hôn theo nghi thức Phật giáo cho 14 đôi với các nghi thức trang nghiêm được thực hiện dưới sự chứng kiến và chúc phúc của các nhà sư cũng như gia đình…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết cùng với tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa,” xây dựng các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, những quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới cũng được quận chú trọng.

Đoàn thanh niên quận đã tổ chức Festival “Văn hóa cưới” giới thiệu nét đẹp văn hóa trong phong tục cưới truyền thống, nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về việc cưới theo nếp sống văn minh thu hút trên 2.000 lượt người tham dự.

Các hội, đoàn thể trong quận Tây Hồ cũng triển khai nhiều cách làm hay trong việc cưới đến các hội viên, đoàn viên.

Việc vận động tổ chức cưới theo nếp sống mới đang có chuyển biến tích cực, nhất là khu vực ngoại thành Hà Nội.

Theo số liệu thống kê 10 năm (2012-2022) trên địa bàn thành phố Hà Nội có 481.920 đám cưới được tổ chức; trong đó, số đám cưới theo mô hình mới hiệu quả, tiết kiệm là 64.435, đạt 13,37%.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố được triển khai với nhiều hình thức sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tổ chức sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay; kịp thời động viên, biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong tổ chức, triển khai thực hiện các Chỉ thị của Đảng./.

Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)