Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi-Cuộc đời và nghệ thuật”

Xem bài viết

Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi-Cuộc đời và nghệ thuật”Tiến sỹ Amandine Dabat (hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi – áo dài đỏ) cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế tham quan không gian trưng bày. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Tối 10/1, tại nhà Tế Tửu thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, tổ chức khai mạc Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi-Cuộc đời và nghệ thuật.”

Không gian trưng bày giới thiệu đến công chúng hình ảnh về cuộc đời của vua Hàm Nghi từ khi lên ngôi, giai đoạn chống Pháp, giai đoạn lưu đày tại Alger (thủ đô nước Algeria); 31 bản sao các tác phẩm nghệ thuật là tranh, tượng do nhà vua sáng tác ở Alger và đặc biệt là một bức tranh gốc của vua Hàm Nghi (tựa đề tạm dịch: Hồ trên dãy núi Alps) do một cá nhân hiến tặng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Tại không gian này, ngoài nội dung trưng bày trực quan, du khách còn được tìm hiểu, khám phá thông qua thiết bị trình chiếu cảm biến không dây, sách tương tác giới thiệu các thông tin, hình ảnh, video clip giới thiệu về cuộc đời của vua Hàm Nghi. Không gian triển lãm nhằm giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp và di sản nghệ thuật của một vị vua yêu nước, một nghệ sỹ tài hoa, nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của vua Hàm Nghi (1944-2023).

Cùng ngày, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Tiến sỹ Amandine Dabat, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, là hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi tổ chức buổi giới thiệu “Cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi.” Tiến sỹ Amandine Dabat đã từng làm luận án tiến sỹ về cuộc đời làm nghệ thuật của vua Hàm Nghi.

Tiến sỹ Amandine Dabat cho biết bà rất vinh dự có mặt tại buổi giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp nghệ thuật của vua Hàm Nghi. Trong quá trình nghiên cứu để làm luận án tiến sỹ, thông qua các tài liệu, nguồn lưu trữ khác nhau, có thể thấy được sự gắn bó của vua Hàm Nghi đối với Việt Nam.

[Vua Hàm Nghi và “Nghệ thuật lưu đày”được giới thiệu ở Nice]

Các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi phản ánh sự mong mỏi của ông và tình yêu đối với Việt Nam. Có thể nói rằng Việt Nam luôn chiếm phần quan trọng trong trái tim của vua Hàm Nghi.

Thời gian tới, bà sẽ trao tặng nhiều tác phẩm nghệ thuật, vật ngự dụng của vua Hàm Nghi cho Việt Nam. Đặc biệt, mong muốn lớn nhất của bà là làm sao đưa thi hài vua Hàm Nghi về an táng tại cố hương. Đây cũng là ước muốn cuối cùng của vua Hàm Nghi trước khi mất.

Buổi giới thiệu “Cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra nhiều cơ hội giao giao lưu văn hóa và đẩy mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế với các đơn vị đối tác đến từ Pháp. Đặc biệt, năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hợp tác ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp, cũng như kỷ niệm 10 năm thiết lập đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp.

Nhân dịp này, Tiến sỹ Amandine Dabat đã hiến tặng “ống điếu hút thuốc” của vua Hàm Nghi cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ống điếu được làm từ gỗ khảm xà cừ, có chiều dài hơn 20cm và đường kính gần 9cm; được chế tác tại Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ 19.

Vua Hàm Nghi sinh ngày 3/8/1871, có tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, con thứ năm của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, em của vua Kiến Phúc và vua Đồng Khánh sau này.

Khong gian trung bay “Vua Ham Nghi-Cuoc doi va nghe thuat” hinh anh 2Hiện vật ống điếu hút thuốc của vua Hàm Nghi do Tiến sỹ Amandine Dabat (hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi) hiến tặng thu hút đông đảo sự quan tâm. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Ông lên ngôi khi mới 13 tuổi (năm 1884), lấy niên hiệu là Hàm Nghi. Vua Hàm Nghi lên ngôi trong một giai đoạn lịch sử khá rối ren, phức tạp, chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta đã bị đặt dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng vua Hàm Nghi đã có tư tưởng kháng Pháp mạnh mẽ, ông trở thành “ngọn cờ đầu” của phong trào Cần Vương, tập hợp và lãnh đạo các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết, chiến đấu chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.

Tuy nhiên, sau ba năm hoạt động sôi nổi, phong trào Cần Vương đã bị thất bại, đánh dấu bởi sự kiện vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng bị thực dân Pháp vây bắt tại địa phận huyện Tuyên Hóa (nay thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đêm 11/11/1888.

Đến ngày 16/11/1888, Chính phủ Pháp đã tổ chức họp bàn và quyết định đày vua Hàm Nghi sang Algeria (một thuộc địa của nước Pháp ở Bắc Phi lúc bấy giờ). Trong thời gian bị lưu đày, vua Hàm Nghi đã học vẽ và điêu khắc.

Vua Hàm Nghi đến với hội họa bằng tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc khi ông thực hiện bức chân dung tự họa đầu tiên bằng than chì với cách vẽ theo tấm ảnh chân dung của mình trong trang phục cung đình triều Nguyễn.

Sau đó, ba cuộc triển lãm cá nhân của vua Hàm Nghi với nghệ danh Tử Xuân đã gây tiếng vang lớn tại Paris, thủ đô nước Pháp. Các tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Chủ nghĩa ấn tượng, Chủ nghĩa hậu ấn tượng, các họa sỹ Paul Gauguin, Auguste Rodin.

Ông cũng được xem như là một nghệ sỹ người Việt đã mở đầu cho trào lưu nghệ thuật tạo hình theo phong cách Tây phương./.

Tường Vi (TTXVN/Vietnam+)