Thiệt hại nặng do mưa lũ, Đà Nẵng đề xuất Trung ương hỗ trợ đầu tư 3 dự án gần 1.200 tỷ đồng

Xem bài viết

DNVN – UBND TP Đà Nẵng vừa có Báo cáo số 313 gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai về công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại do các cơn bão số 4, số 5 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Theo đó, cơn bão số 4 (từ đêm 27 đến sáng 28/9) và đợt mưa lũ từ ngày 9/10 – 11/10 đã gây thiệt hại cho Đà Nẵng ước khoảng 50 tỷ đồng. Đặc biệt, bão số 5 và đợt mưa lũ từ ngày 14 – 15/10 tiếp tục gây thiệt hại nặng nề lên đến khoảng 1.500 tỷ đồng; làm 4 người chết (3 nam, 1 nữ); sụp đổ, sạt lở, hư hại nhiều nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn TP, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn.

Mưa lũ lịch sử do ảnh hưởng bão số 5 đã gây sạt lở nghiêm trọng tuyến đường Hoàng Sa - khu vực bán đảo Sơn Trà, đến nay vẫn chưa thể khắc phục xong

Mưa lũ lịch sử tại Đà Nẵng do ảnh hưởng bão số 5 đã gây sạt lở nghiêm trọng tuyến đường Hoàng Sa – khu vực bán đảo Sơn Trà, đến nay vẫn chưa thể khắc phục xong.

Trước tình hình này, UBND TP Đà Nẵng đã có Báo cáo 313/BC-UBND đề nghị Trung ương trước mắt quan tâm hỗ trợ đầu tư cho TP 3 dự án với tổng số tiền khái toán là 1.180 tỷ đồng. Cụ thể, dự án kiên cố hóa đường Hoàng Sa – khu vực bán đảo Sơn Trà với khái toán kinh phí 500 tỷ đồng;

Dự án chống ngập nước lưu vực sân bay Đà Nẵng (dự kiến bao gồm các hạng mục xây dựng 4 hồ điều hòa và hạ tầng kỹ thuật) với khái toán 500 tỷ đồng; dự án đầu tư, gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Trường Sa – Võ Nguyên Giáp (dài gần 2.000m) với khái toán kinh phí 180 tỷ đồng.

Cùng với đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ 150 tấn lúa giống và 3 tấn hạt giống rau các loại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của miền Trung để kịp thời hỗ trợ người dân trên địa bàn khôi phục sản xuất.

UBND TP Đà Nẵng cũng phản ánh với các cơ quan trung ương về tình trạng khi có bão/áp thấp nhiệt đới và gió mạnh, các cấp chính quyền vận động tuyên truyền ngư dân rời khỏi tàu lên bờ tránh bão. Tuy nhiên do tài sản (tàu, ngư lưới cụ) của ngư dân quá lớn nên một số chủ tàu không chấp hành, đặc biệt là chủ tàu các địa phương bạn vào trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang (ngư dân ở lại trên tàu để trông coi, nổ máy điều khiển tàu, bơm nước… để tránh va đập, chìm tàu).

Do vậy, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị các cơ quan Trung ương có quy định, hướng dẫn cụ thể vấn đề này để có giải pháp đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi vào neo đậu tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang.

Hải Châu