5 năm thực hiện công nghiệp văn hóa: Chưa đủ bột để gột nên hồ

Xem bài viết

5 năm thực hiện công nghiệp văn hóa: Chưa đủ bột để gột nên hồCông nghiệp văn hóa Việt Nam có khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Sau 5 năm thực hiện chiến lược quốc gia, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam đã nhanh chóng có những đóng góp cho nền kinh tế. Cụ thể, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa đạt 3,61% GDP vào năm 2019, trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2020 là 3%.

Song, trên thực tế, các sản phẩm văn hóa trong nước vẫn bị hàng ngoại lấn lướt, các doanh nghiệp văn hóa, các nhà sáng tạo còn chật vật “giải bài toán” doanh thu.

Nhiều điểm nghẽn

Với kinh nghiệm hoạt động lâu năm, nhạc sỹ Quốc Trung, tổng đạo diễn Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa cho hay nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam hiện nay vừa thiếu, vừa yếu. Nguyên nhân là do nhận thức của những người hoạt động trong lĩnh vực này chưa đầy đủ.

“Công nghiệp văn hóa phải được nhìn nhận dưới góc nhìn kinh doanh. Nhân lực của nền công nghiệp văn hóa bao gồm cả nghệ sỹ sáng tạo và những người làm kinh doanh. Chúng ta đang chưa có sự hình dung về một ngành công nghiệp âm nhạc nói riêng và công nghiệp văn hóa, nghệ thuật biểu diễn nói chung,” nhạc sỹ Quốc Trung cho biết.

5 nam thuc hien cong nghiep van hoa: Chua du bot de got nen ho hinh anh 2Nhạc sỹ Quốc Trung có nhiều năm hoạt động trong ngành âm nhạc. (Ảnh: Monsoon Festival)

Nhạc sỹ cho rằng K-Pop thành công vì Hàn Quốc có nhiều người biết làm kinh doanh nghệ thuật. Chính phủ Hàn Quốc từng cử người đi học ở Mỹ, từ đó, thiết lập ra chiến lược dành riêng cho quốc gia mình.

Họa sỹ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam đồng tình với quan điểm trên. Ông Sơn cho rằng cụm từ “công nghiệp văn hoá” từ khi xuất hiện đến nay cũng gây ra nhiều bối rối cho chính những người trong cuộc.

“Để có những bộ phim truyền hình, những ban nhạc K-Pop, tạo nên làn sóng văn hoá Hàn Quốc trên toàn thế giới ngày hôm nay, ngay từ cuối những năm 80, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư cấp học bổng, gửi rất nhiều người trẻ sang Mỹ để học tập,” ông Sơn cho hay.

Điều đó cho thấy Chính phủ Hàn Quốc đã có một tầm nhìn đi trước, khi cố gắng “chuyên nghiệp hoá” tất cả các khâu của nền công nghiệp văn hoá giải trí từ rất sớm và đã dần thu hái quả ngọt vào đầu những năm 2000.

[Hà Nội: Xây dựng công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn]

Từ ví dụ đó, họa sỹ Nguyễn Thế Sơn cho rằng điều quan trọng và cốt yếu nhất là Việt Nam thiếu sự đầu tư vào văn hoá nói chung cũng như những chuyên ngành sáng tạo nói riêng.

“Chúng ta đang thiếu ‘bột’ để có thể ‘gột’ nên các món hồ. Các thành phố rất cần những festival nghệ thuật có tầm cỡ trở thành thương hiệu và có sức hút của địa phương chứ không để mỗi một mùa lễ hội qua đi, mỗi một tuần lễ nghệ thuật qua đi, những vấn đề khó khăn vẫn còn đó, không khuyến khích được động lực phát triển thực sự cho những người sáng tạo,” ông Sơn nói.

Ở lĩnh vực điện ảnh, tiến sỹ Ngô Phương Lan (Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam) nêu vấn đề: “Nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, thị phần phim Việt mới chiếm chưa đến 30%). Phim đặt hàng của Nhà nước phát huy hiệu quả xã hội không cao, số phim có thể ra rạp đếm trên đầu ngón tay. Vài năm gần đây phim đặt hàng hầu như chỉ chiếu trong các dịp kỷ niệm với số lượng khán giả khiêm tốn, được mời xem miễn phí.”

5 nam thuc hien cong nghiep van hoa: Chua du bot de got nen ho hinh anh 3Các chuyên gia thảo luận trong hội thảo nhìn lại 5 năm thực hiện công nghiệp văn hóa (ngày 12/9). (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trước những tình trạng này, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho rằng nguyên nhân gây ra những điểm nghẽn của nền công nghiệp văn hóa Việt Nam là chính sách và pháp lý chưa đầy đủ.

Cụ thể là chính sách thuế cho các doanh nghiệp sáng tạo. Dù văn hóa-nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, có ý nghĩa lớn cho xã hội nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế như các ngành nghề khác.

“Đầu tư cao, không được ưu đãi thuế, doanh thu thì bấp bênh. Điều này tạo tâm lý e ngại ‘bỏ tiền chẵn để thu về tiền lẻ’, chưa kể là vấn đề bản quyền của các sản phẩm sáng tạo hiện nay chưa được đảm bảo,” ông Hoàng nêu vấn đề.

Đẩy mạnh vai trò của Nhà nước

Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, họa sỹ Nguyễn Thế Sơn cho rằng Nhà nước cần tạo cơ sở hạ tầng cho công nghiệp văn hóa. Cụ thể là những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể quy tụ những đơn vị, những mảng sáng tạo lại thành những khu nghệ thuật, trong đó các lĩnh vực sáng tạo được tạo điều kiện tự do phát triển tối đa, thoải mái cạnh tranh.

“Một điểm mấu chốt nữa trong quá trình triển khai các hoạt động của nền kinh tế sáng tạo và ngành công nghiệp văn hoá là cần có chính sách rõ ràng để thu hút nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ tham gia, đặc biệt là điều chỉnh thuế như nhiều nước phát triển đã tiến hành,” họa sỹ Nguyễn Thế Sơn đề xuất.

Là một doanh nghiệp tư nhân, bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hanoi Grapevine (nền tảng thông tin về văn hóa, nghệ thuật) tán thành ý kiến này.

“Chúng tôi mong rằng vai trò của Nhà nước sẽ tích cực hơn, cụ thể là có chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp. Chúng tôi rất cần có sự đánh giá bình đẳng, những hỗ trợ về tài chính, có hành lang pháp lý và đặc biệt là có sự đồng hành bảo trợ của Nhà nước cho các dự án tốt, không kể là của các đơn vị công lập hay tư nhân,” bà Trương Uyên Ly bày tỏ.

5 nam thuc hien cong nghiep van hoa: Chua du bot de got nen ho hinh anh 4Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa thành công trong việc hòa nhập âm nhạc thế giới và Việt Nam. (Ảnh: BTC)

Bà Nguyễn Thị Phương Hòa Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) kiến nghị xây dựng một cơ chế thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ và bảo vệ bản quyền tác giả, nhất là trong môi trường số.

“Thời gian tới, chúng ta cần nghiên cứu xây dựng luật về quyền sáng tạo và tự do biểu đạt của nghệ sỹ nhằm cụ thể hóa quy định tại Hiến pháp về quyền văn hóa, quyền được đào tạo, đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, thu nhập hợp pháp… cho nghệ sỹ, nhất là các nghệ sỹ tự do trong thời gian tới sẽ trở thành lực lượng lao động sáng tạo chủ lực hoạt động trên thị trường,” bà Nguyễn Thị Phương Hòa nói.

Từ kinh nghiệm hợp tác quốc tế, bà Phương Hòa chỉ ra rằng Chính phủ các nước đều tiến hành các biện pháp, chính sách ở các cấp độ khác nhau để hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, hỗ trợ tài chính cho các thiết chế văn hóa công, các nghệ sỹ, các tổ chức phi chính phủ, huy động nguồn lực và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân…/.

Minh Thu (Vietnam+)