Thông tấn xã Việt Nam – Thành viên tích cực, trách nhiệm trong OANA

Xem bài viết

Thông tấn xã Việt Nam – Thành viên tích cực, trách nhiệm trong OANATổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang điều hành phiên thảo luận thứ 2 tại Đại hội đồng OANA lần thứ 18 với chủ đề Thúc đẩy hợp tác truyền thông thời kỳ sau đại dịch. (Ảnh: TTXVN phát)

Đại hội đồng Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) lần thứ XVIII đã khai mạc tại thủ đô Tehran của Iran vào sáng nay 24/10/2022.

Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang dẫn đầu đoàn Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tham dự sự kiện và điều hành một phiên thảo luận tại hội nghị. Là một thành viên tích cực và nhiều năm được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành của OANA, TTXVN đã có nhiều đóng góp vào các hoạt động và sự phát triển của OANA.

OANA – Tổ chức báo chí uy tín của khu vực

OANA được thành lập tại Bangkok (Thái Lan) vào ngày 22/12/1961 theo sáng kiến của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) với mục tiêu đảm bảo trao đổi thông tin trực tiếp và tự do giữa các hãng thông tấn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực phát triển năng động với hơn 50% dân số toàn cầu.

Kể từ khi được thành lập năm 1961 đến nay, OANA hiện đã có hơn 40 hãng thông tấn thành viên đến từ 35 nước trong khu vực, chiếm 2/3 lượng thông tin trên toàn thế giới.

[Thông tấn xã Việt Nam tổng kết công tác tổ chức Hội nghị OANA lần 44]

Sự tham gia của các hãng thông tấn lớn, có tầm ảnh hưởng ở trong và ngoài nước như TASS của Liên bang Nga, Tân Hoa xã của Trung Quốc, Kyodo của Nhật Bản, Yonhap của Hàn Quốc, Azertac của Azerbaijan, AAP của Australia… đã tạo nên tiếng nói mạnh mẽ của OANA trong hơn 6 thập kỷ qua.

Mục đích hoạt động của OANA bao gồm:

Một là, tăng cường và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phổ biến, trao đổi thông tin trực tiếp và tự do giữa các hãng thông tấn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực phát triển năng động chiếm tới hơn 50% dân số toàn cầu;

Hai là, thúc đẩy hợp tác giữa các hãng thông tấn trong khu vực và giữa OANA với các hãng thông tấn ngoài khu vực nhằm thiết lập một mạng lưới trao đổi thông tin, góp phần giảm sự mất cân đối về thông tin giữa các nước phát triển và đang phát triển;

Ba là, tham gia tích cực vào những nỗ lực nhằm xoá bỏ tình trạng đói nghèo, thất nghiệp và dịch bệnh, hướng tới xây dựng xã hội hiện đại, kiến tạo hoà bình và sự thông hiểu giữa các quốc gia;

Bốn là, hợp tác để nâng cao chất lượng thông tin, biên tập, đào tạo và kỹ thuật nhằm hiện thức hoá các mục tiêu trên.

Ngày nay, OANA đã trở thành diễn đàn trao đổi thông tin trực tiếp giữa các Hãng thông tấn, góp phần tạo sự lan tỏa rộng rãi nguồn tin chính thống của mỗi nước ra khu vực và thế giới. Thông tin của OANA truyền tải thông điệp vì một xã hội nhân văn, vì một khu vực hòa bình, thịnh vượng và sự thông hiểu giữa nhân dân các nước.

Với những nỗ lực của mình, OANA đã khẳng định vai trò của tổ chức báo chí khu vực ngày càng có uy tín và hiệu quả trong môi trường truyền thông thế giới.

Hàng năm, OANA tổ chức hội nghị Ban Chấp hành do các hãng thành viên Ban Chấp hành luân phiên đăng cai. Trong khi đó, cứ ba năm một lần, OANA tiến hành họp Đại hội đồng để bầu ra Ban Chấp hành gồm 13 hãng thông tấn thành viên.

Tại các diễn đàn trong khuôn khổ OANA như: các cuộc họp của Đại Hội đồng, Ban chấp hành, Ủy ban Kỹ thuật, Ủy ban Đạo đức báo chí của OANA, các nước thành viên thường tập trung thảo luận các biện pháp giải quyết những thách thức đặt ra với báo chí truyền thống trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông mới.

Trong những năm gần đây, các hãng thông tấn thành viên OANA đã có nhiều nỗ lực trong việc hiện đại hóa website chung, đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội; tổ chức vinh danh các sáng kiến, giải pháp đổi mới và phát triển của các hãng thành viên với việc trao Giải thưởng OANA xuất sắc về chất lượng thông tấn; xây dựng và thông qua Quy tắc Hướng dẫn về tác nghiệp và biên tập.

Các cuộc trưng bày và triển lãm ảnh do OANA tổ chức là dịp để các hãng thông tấn thành viên trao đổi kinh nghiệm cũng như chứng kiến những kết quả hoạt động nhiếp ảnh chuyên nghiệp của các phóng viên ảnh trong khu vực.

Trong giai đoạn chịu tác động của đại dịch COVID-19, OANA đã có nhiều sáng kiến để vinh danh các phóng viên đã trực tiếp tác nghiệp trên tuyến đầu phòng, chống dịch.

Đại hội đồng OANA lần thứ XVIII – cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa các hãng thông tấn sau đại dịch

Sáng ngày 24/10/2022, Đại hội đồng OANA lần thứ XVIII đã khai mạc tại thủ đô Tehran của Iran. Đây là dịp để Đại hội đồng OANA đánh giá những thách thức và thảo luận về những giải pháp thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương giữa các hãng thông tấn thành viên sau hơn 2 năm bị trì hoãn do đại dịch COVID-19.

Dự lễ khai mạc có Bộ trưởng Văn hóa và Hướng dẫn Hồi giáo Iran Mohammad Mehdi Esmaili, Đại sứ Việt Nam tại Iran Lương Quốc Huy và đại diện đoàn ngoại giao một số nước có đại biểu tham dự hội nghị cùng 22 đoàn đại biểu của các hãng thông tấn trong khu vực.

Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang dẫn đầu đoàn TTXVN tham dự sự kiện và điều hành một phiên thảo luận tại hội nghị.

Thong tan xa Viet Nam - Thanh vien tich cuc, trach nhiem trong OANA hinh anh 2Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang (ngoài cùng, bên trái) điều hành phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề Thúc đẩy hợp tác truyền thông thời kỳ sau đại dịch. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngay sau lễ khai mạc đã diễn ra 2 phiên thảo luận chuyên đề. Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang điều hành Phiên thảo luận thứ hai của Hội nghị với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác truyền thông trong thời kỳ hậu đại dịch.”

Phiên thảo luận có sự tham gia của hai diễn giả chính là ông Vugar Seyidov, hãng thông tấn AZERTAC (Azerbaijian) và ông Toshimitsu Sawai, Giám đốc điều hành hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản).

Trong phát biểu dẫn đề, bà Vũ Việt Trang cho rằng trong giai đoạn COVID-19, các hãng thông tấn đã trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do doanh thu dịch vụ giảm mạnh, hầu hết các dự án phát triển bị trì hoãn, nhiều công ty truyền thông không còn lựa chọn nào khác là phải đóng cửa.

Ngoài ra, công nghệ số đã làm thay đổi cách công chúng tiếp nhận thông tin từ báo in sang các nền tảng Internet. Điều đó buộc các hãng thông tấn phải thay đổi. Diễn đàn này là dịp để các hãng thông tấn khu vực trao đổi các giải pháp và sáng kiến nhằm vượt qua khó khăn và tiến về phía trước.

Với chủ đề sát với tình hình của các hãng thông tấn trong giai đoạn hiện nay, hai diễn giả và các đại biểu tham dự đã trao đổi sôi nổi, chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình hoạt động đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn và cũng đề xuất một số mô hình hợp tác giữa các hãng thành viên trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong ngày làm việc đầu tiên của Đại hội đồng OANA lần thứ XVIII cũng đã diễn ra Cuộc họp Ban chấp hành OANA lần thứ 49 và Triển lãm ảnh mang chủ đề “Cuộc sống trong thời kỳ sau COVID-19” trưng bày những bức ảnh tiêu biểu của phóng viên các hãng thông tấn thành viên phản ánh sự hồi sinh của mọi lĩnh vực trong đời sống, thể hiện khát vọng của các nước trong khu vực về kiến tạo, phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Thông tấn xã Việt Nam đóng góp tích cực vào hoạt động của OANA

Trong lịch sử phát triển của mình, TTXVN luôn coi trọng việc thiết lập, củng cố các mối quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương, coi đây là một trong những hoạt động quan trọng góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị trong việc thông tin tuyên truyền đối ngoại trên các kênh truyền thông của các đối tác nước ngoài.

Việc TTXVN gia nhập tổ chức báo chí đa phương khu vực OANA từ rất sớm đã thể hiện sự chủ động hội nhập quốc tế của hãng thông tấn quốc gia của Việt Nam.

Ngay từ những năm tháng đất nước còn trong chiến tranh, việc TTXVN là thành viên của OANA đã góp phần hiệu quả trong việc đưa thông tin của Việt Nam đến với thế giới để bạn bè quốc tế hiểu, ủng hộ đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta.

TTXVN cũng đã nhận được sự giúp đỡ hết sức quý báu, chân tình của các hãng thông tấn bạn bè trên nhiều lĩnh vực để từng bước hoàn thiện, phát triển và trở thành tổ hợp truyền thông đa phương tiện hiện đại ngày nay.

Kể từ khi gia nhập OANA vào năm 1969, TTXVN là một thành viên tích cực của tổ chức báo chí khu vực này và nhiều năm được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành của OANA; TTXVN đã có nhiều đóng góp vào các hoạt động và sự phát triển của OANA. Tham gia vào OANA, TTXVN chủ động tuyên truyền thông tin đối ngoại trên các kênh truyền thông của OANA nhằm quảng bá về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; giới thiệu đất nước và con người Việt Nam đến đông đảo công chúng trong khu vực.

Bên cạnh đó, đóng góp tích cực của TTXVN còn thể hiện qua những lần đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành OANA. Đến nay, TTXVN đã 4 lần đăng cai tổ chức Hội nghị này.

Lần đầu tiên là năm 1989, Hội nghị diễn ra tại Hà Nội từ ngày 17 đến 20/6. Đây là Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành OANA. Hội nghị bao gồm cuộc họp của Ủy ban kỹ thuật, tổ chức hội thảo về công tác biên tập, triển lãm ảnh, triển lãm kỹ thuật mới…

Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận về các vấn đề tăng cường lưu lượng và hiệu quả của mạng lưới truyền tin; cải thiện nội dung và hình thức tin bài của OANA; thành lập mạng lưới trao đổi tin kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tổ chức các lớp bồi dưỡng về viết tin bài về đặc tả và ảnh báo chí; hiện đại hóa công tác vi tính thông tin.

Lần thứ hai vào năm 1999, Hội nghị cũng diễn ra tại Hà Nội, trong hai ngày 26 và 27/10. Đây là Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành OANA. Với chủ đề “Những thách thức trước các hãng thông tấn thành viên OANA trong thế kỷ XXI”, Hội nghị đã nhất trí về sự cần thiết đổi mới của từng hãng thông tấn thành viên để nâng cao khả năng cạnh tranh thông tin, tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa các hãng thông tấn thành viên trong khu vực, nhất là hợp tác nâng cao nghiệp vụ, kỹ thuật thông tin.

Nhân dịp này, OANA đã chính thức khai trương trang thông tin trên mạng internet. Cũng trong dịp này, TTXVN đã ký Hiệp định hợp tác song phương với hãng Thông tấn IRNA của Iran.

Lần thứ ba TTXVN đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành OANA là vào năm 2005. Hội nghị diễn ra tại Hà Nội ngày 3/10. Đây là Hội nghị lần thứ 27 Ban Chấp hành OANA.

Với chủ đề “Tăng cường sức sống và sáng tạo của OANA trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”, các hãng thông tấn đã bàn thảo về phương hướng hoạt động và những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các hãng thông tấn thành viên.

Hội nghị đã nhất trí về sự cần thiết phải nghiên cứu và đề ra những biện pháp để thông tin nhanh khi xảy ra các thảm họa thiên tai, đồng thời ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đa dạng hóa các dịch vụ và truyền tải thông tin nhanh chóng đến công chúng.

Hội nghị cũng phân tích những thách thức đang đặt ra với các hãng thông tấn trước sự xuất hiện ồ ạt của các website và ngày càng có nhiều người truy cập internet; khuyến nghị các hãng thông tấn cần giữ vững thương hiệu của mình về cả tốc độ, sự chính xác và độ tin cậy cao.

Phát biểu tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khi đó đã đánh giá cao vai trò của TTXVN trong chiến lược phát triển thông tin theo mô hình một hãng truyền thông quốc gia mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế, đóng góp tích cực vào hoạt động của OANA cũng như các tổ chức quốc tế khác mà TTXVN là thành viên.

Lần thứ tư TTXVN đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44 tại Hà Nội (ngày 18 và 19/4/2019). Với chủ đề “Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo,” hội nghị đã tập trung vào 3 nội dung gồm chiến lược của các hãng thông tấn để ứng phó với việc thay đổi thói quen sử dụng thông tin, tập trung vào các nội dung video và nền tảng YouTube; tin giả và kiểm chứng thông tin báo chí; giành lại niềm tin đối với báo chí chính thống.

Thông qua việc tổ chức các hội nghị Ban chấp hành OANA, TTXVN ngày càng chứng tỏ sự phát triển của của một hãng thông tấn quốc gia. Là một cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện quốc gia, với trên 60 sản phẩm thông tin thuộc mọi loại hình (báo in, báo nói, báo ảnh, báo truyền hình, báo điện tử), được thực hiện bởi đội ngũ trên 1.000 phóng viên, biên tập viên trong và ngoài nước (trong tổng số trên 2.200 cán bộ, công nhân viên toàn ngành), TTXVN là cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm và loại hình thông tin nhất cả nước.

Với hệ thống 63 cơ quan thường trú tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở ngoài nước đặt tại tất cả 5 châu lục, TTXVN có lực lượng phóng viên tác nghiệp trên khắp mọi miền đất nước và tại hầu hết các địa bàn trọng điểm của thế giới.

Những sản phẩm thông tin của TTXVN đã trở thành những kênh thông tin tin cậy và nhanh nhạy để từng giờ, từng phút đưa nguồn thông tin dồi dào và phong phú của TTXVN đến với công chúng trong và ngoài nước.

Là cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia, TTXVN chú trọng quảng bá thông tin bằng các loại hình về Việt Nam ra thế giới bằng nhiều ngôn ngữ và trên các nền tảng khác nhau. TTXVN hiện có quan hệ hợp tác song phương và đa phương với trên 40 hãng thông tấn và tổ chức báo chí quốc tế lớn trên thế giới (như AFP, Reuters, AP, TASS, Tân Hoa xã, Kyodo, Prensa Latina…) và là Ủy viên Ban chấp hành tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA).

Nguồn tin chính thống của TTXVN được đăng tải rộng rãi trên các kênh truyền thông của các hãng đối tác đã góp phần nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền đối ngoại của Việt Nam đến với bạn bè thế giới./.

Trọng Đức (TTXVN/Vietnam+)