Xác định lỗ, may mắn thì hòa vốn khi làm đám cưới riêng tư

Xem bài viết

Xác định lỗ, may mắn thì hòa vốn khi làm đám cưới riêng tư - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều đôi trẻ mong muốn tổ chức tiệc cưới riêng tư, ấm cúng với gia đình, bạn bè thân thiết.

Thay vì gửi thiệp cưới rộng rãi, Thảo Ngân chỉ thông báo tin vui đến những người bạn rất thân thiết của hai vợ chồng. Cô thuê không gian riêng, tự chuẩn bị chương trình cưới với mong muốn cả chủ tiệc và quan khách được thoải mái tận hưởng khoảnh khắc đáng nhớ này.

“Việc giới hạn khách mời giúp mọi người không bị lạc lõng ở đám cưới. Vợ chồng tôi tổ chức tiệc tại sân vườn của một khu du lịch sinh thái, ngoài phí thuê cũng phải trả thêm tiền vé vào cổng cho từng người. Quả thực tốn kém, nhưng tôi thấy ngày vui của mình được hạnh phúc trọn vẹn”, cô tâm sự cùng Zing.

Xác định lỗ, may mắn thì hòa vốn khi làm đám cưới riêng tư - Ảnh 2.

Thảo Ngân và chồng xin phép gia đình để tổ chức tiệc cưới riêng tư theo như ý muốn.

Đầu tư

Vài tháng trước đám cưới, Thảo Ngân đặt mua một khung gỗ và nhiều nguyên liệu để cùng chồng tự làm cổng chào, trang trí cho tiệc cưới. Cô muốn mọi thứ trong sự kiện đều có kỷ niệm của hai người. Từ hoa lụa, thiết bị ánh sáng, tấm trải bàn, ghế… đều được cô mua mới để vừa ý, thay vì thuê hàng có sẵn.

“Riêng khoản này, chúng tôi tốn hơn 10 triệu đồng. Tự tay làm, nhưng chi phí không rẻ so với giá thuê, thậm chí còn đắt hơn. Vào ngày thành hôn, vợ chồng tôi dậy sớm đi mua hoa tươi về trang trí xe đón dâu và cắm lọ để bàn. Ngoài ra, tôi cũng thuê đầu bếp ở ngoài vào nấu tiệc, phục vụ bữa ăn cho khách để đảm bảo chất lượng”, cô nói.

Cô dâu 23 tuổi cho biết kế hoạch đám cưới được cô và những người bạn thân cùng vạch ra chi tiết. Người dẫn chương trình hôm đó cũng là bạn tri kỷ của đôi trẻ. Theo lịch trình, buổi lễ bắt đầu từ 16h và kết thúc vào 21h cùng ngày, gồm phần lễ và hội.

“Ở phần lễ, thay vì cắt bánh kem, chúng tôi tưới cây và đem về trồng vì thấy ý nghĩa hơn, biểu tượng cho sự vun vén hạnh phúc. Đích thân bố mẹ hai bên gia đình sẽ trực tiếp gửi lời nhắn nhủ thay vì đại diện dòng họ như truyền thống. Đến phần hội, chúng tôi tổ chức trò chơi với bạn bè, cùng chiếu lên màn ảnh những kỉ niệm đẹp của cả hai. Sau đó, mọi người vừa dùng bữa vừa hát hò”, Thảo Ngân kể lại.

Quan khách trong bữa tiệc đều quen biết nhau, vì vậy mọi người đều tỏ ra thân thiết, cùng khoác vai nhau và nâng ly chúc phúc cho đôi vợ chồng.

Vợ chồng Thảo Ngân tự tay chuẩn bị hoa cưới, trang trí cổng chào cho bữa tiệc.

Tương tự Thảo Ngân, Phương Anh (Hà Nội) cũng quyết định tổ chức một đám cưới riêng tư thay vì bữa tiệc mâm cao, cỗ đầy cùng hàng trăm khách mời như truyền thống. Cô thuê một phim trường ở ngoại thành, mời khoảng 40 khách bao gồm cha mẹ đôi bên cùng bạn bè thân thiết.

“Ánh sáng, âm thanh và màu sắc trong bữa tiệc đều được chúng tôi sắp xếp hài hòa, tạo không gian ấm áp, gần gũi cho bạn bè tham dự. Mọi người được yêu cầu mặc trang phục với 3 màu chủ đạo là trắng, be và nâu để chụp hình đẹp hơn”, cô nói.

Phần lễ của sự kiện chỉ kéo dài trong 10 phút. Thời gian còn lại, Phương Anh cùng bạn bè chia sẻ về kỷ niệm cũng như truyền đạt kinh nghiệm về cuộc sống hôn nhân.

“Tôi rất hạnh phúc khi đám cưới của mình chỉ có tiếng cười và những lời yêu thương. Nếu tổ chức theo lối thông thường, có lẽ chúng tôi chỉ cố gắng cho xong thủ tục, sau đó lo lắng tiếp khách không chu đáo. Nhưng với tiệc riêng tư, hai vợ chồng tôi được thoải mái vui đùa và tận hưởng”, cô nói.

Kể thêm về chi phí, Phương Anh cho biết vợ chồng mình tiêu tốn hơn 200 triệu đồng để có được tiệc cưới như mong muốn và bữa ăn thịnh soạn đủ món Âu, Á.

Xác định lỗ, may mắn thì hòa vốn khi làm đám cưới riêng tư - Ảnh 6.

Phương Anh chi hơn 200 triệu đồng cho đám cưới với khoảng 40 khách mời.

Còn với Thanh Hảo (25 tuổi, Hà Nội), đám cưới của cô “vừa riêng tư, vừa đông đúc” với sự tham gia của gần 80 khách mời là bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí có cả người lạ không quen biết.

“Chúng tôi quyết định gây bất ngờ cho chính mình bằng cách làm theo hình thức bất kỳ ai cũng có thể đến đám cưới, tức là mọi người chỉ cần ấn vào trang web được thiết kế riêng và đăng ký tham gia như một sự kiện bình thường. Sau đó, họ sẽ nhận được email và tin nhắn xác nhận, thông tin cụ thể về lịch trình đám cưới”, Thanh Hảo nói.

Xác định lỗ, may mắn thì hòa vốn khi làm đám cưới riêng tư - Ảnh 8.

Đám cưới của Thanh Hảo được dẫn dắt bởi người bạn thân thiết của cô.

Buổi tiệc cưới của vợ chồng cô được lược bỏ các nghi thức truyền thống, thay vào đó là phần tâm sự của cô dâu, chú rể với người thân, bạn bè. Hảo cho biết đã tạo một không gian riêng để mọi người có thể hoạt động, tương tác, kết nối với nhau như khu chụp ảnh máy phim lấy ngay, góc ký tên lên bảng và cuốn sổ ghi lời chúc…

Bữa ăn cũng được thực hiện theo hướng tiệc đứng và finger food, mọi người sẽ di chuyển đến các địa điểm để lấy đồ ăn và có không gian để trò chuyện với nhau.

Cô cho biết sau sự kiện, khách tham dự được tặng hạt giống cây trồng và vé số mang về. Đây là cách mà đôi trẻ muốn chia sẻ niềm vui, sự may mắn đến với tất cả.

Từng chi tiết trong tiệc cưới đều được Thanh Hảo chuẩn bị, lên ý tưởng kỹ lưỡng.

Không đặt nặng tiền bạc

Mời bạn bè đến dự tiệc cưới, Thanh Hảo và chồng quyết định từ chối nhận tiền mừng. Cô không muốn khách mời cảm thấy áp lực về chuyện tiền nong. Trước đó, vợ chồng cô dành một năm để tiết kiệm 100 triệu đồng, sử dụng số tiền này thực hiện hôn lễ theo ý muốn.

“Biết hai đứa không nhận phong bì, mọi người đem tặng nến thơm, bình nước, đồ ăn cho mèo… Họ biết chúng tôi nuôi 7 con mèo tại nhà. Tôi nhận ra một đám cưới hạnh phúc là khi tất cả đều vui vẻ. Dù là tiệc truyền thống với trăm mâm cỗ hay tiệc thân mật chỉ vài người bạn, nhưng đến cuối cùng, thứ chúng ta lưu giữ được lâu nhất là kỷ niệm. Tôi chỉ mong mình có thể làm cho kỷ niệm này đẹp đẽ và đáng nhớ”, Hảo tâm sự.

Xác định lỗ, may mắn thì hòa vốn khi làm đám cưới riêng tư - Ảnh 10.

Thanh Hảo và chồng làm nghi lễ tưới cây thay cho cắt bánh, rót rượu.

Trong khi đó, bữa tiệc kéo dài so với dự kiến do đa số khách muốn ở lại chung vui, vợ chồng Thảo Ngân phải trả thêm tiền thuê địa điểm và dịch vụ quay, chụp sự kiện.

“Tôi nhẩm tính chi phí thuê phát sinh thêm 7 triệu đồng, chưa kể có khách tới muộn phải trả thêm tiền vé vào cổng. Những khoản khác như hoa tươi, đồ trang trí, món ăn thêm… cũng tiêu tốn hơn đáng kể so với dự tính ban đầu. Thú thực, tiền mừng cưới cũng không đủ để bù lại. Trước đó, tôi xác định sẽ ‘lỗ’ khoảng 3-4 triệu đồng, nhưng thực tế lại hao hụt gấp 3-4 lần”, cô bật cười và chia sẻ.

Tuy vậy, Thảo Ngân cho biết mình và chồng không mấy bận tâm. Đối với cô, dù cho tốn kém nhiều hơn, cô cũng sẵn sàng đầu tư bởi “cả đời chỉ cưới một lần”.

“Dù ‘lỗ’ tiền, nhưng chúng tôi ‘lãi’ kỉ niệm”, Thảo Ngân nói.

Xác định lỗ, may mắn thì hòa vốn khi làm đám cưới riêng tư - Ảnh 11.

Với Thảo Ngân, đám cưới của mình trọn vẹn bởi mọi người đều vui vẻ, thoải mái cùng nhau.

Còn với Phương Anh, cô khá cầu kỳ và tâm huyết trong việc đưa đón, chăm sóc khách mời. Cô thuê xe chở khách đến địa điểm đám cưới, sau đó thuê luôn phòng cho ai muốn nghỉ lại.”

“Phim trường rất rộng, tôi không muốn mọi người phải đi bộ xa mệt mỏi nên đã thuê xe đón họ từ cổng vào đến nơi tổ chức. Trong đêm sự kiện, khách của tôi xác định sẽ chơi hết mình nên tôi cũng thuê cả phòng để mọi người có thể nghỉ lại nếu muốn. Hai khoản này khiến chi phí phát sinh thêm khoảng 10 triệu đồng so với dự kiến. Ngoài ra, tôi muốn đám cưới chỉn chu nhất có thể nên thuê thêm ghế và hệ thống âm thanh, ánh sáng… Cộng tất cả các khoản, nếu hỏi có lỗ không thì chúng tôi lỗ nặng”, cô tâm sự.

Nhưng điều cô gái này quan tâm không phải vấn đề tiền bạc mà là trải nghiệm của khách mời. Việc quan tâm khách tận tình cũng chính là lời cảm ơn của vợ chồng cô đến những người đặc biệt trong đời mình.

Thanh Nga – Bích Ngọc