Xác lập kỷ lục về món ngon 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long

Xem bài viết

Xác lập kỷ lục về món ngon 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu LongCác món ngon của các tỉnh, thành phố được trình bày trên mô hình bản đồ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ngày 22/11, Liên chi hội đầu bếp chuyên nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Lễ hội công diễn và xác lập kỷ lục món ngon 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long được chế biến với số lượng nhiều nhất Việt Nam, năm 2022.

Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho biết sự kiện nhằm đẩy mạnh quảng bá ẩm thực, đặc sản đặc trưng của vùng đến du khách trong nước và quốc tế, khai thác thế mạnh văn hóa ẩm thực của địa phương.

Đồng thời sự kiện này nhằm từng bước gắn kết sự phát triển giữa ẩm thực và du lịch, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong, ngoài nước đến Đồng bằng sông Cửu Long.

Lễ hội đã quy tụ 30 đội gồm 60 nghệ nhân ẩm thực, thực hiện 130 món ăn ngon, đặc trưng của vùng trong thời gian 120 phút (gồm các hình thức sốt, hấp, chiên, lẩu, kho, canh, chưng, xào…)

[Phở tiếp tục lọt top những món ngon nổi tiếng nhất thế giới]

Các món ăn được trình bày trên mô hình bản đồ 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh những món nổi tiếng lâu đời của vùng như lẩu bần Phù Sa, sỏi mầm, bánh củ cải Bạc Liêu, gỏi xứ dừa, gỏi sầu đâu, bún nước lèo Sóc Trăng, nem nướng Cần Thơ, hủ tiếu Mỹ Tho, bánh bầu Sóc Trăng… đã xuất hiện các món mới mang hương vị đặc trưng của địa phương như tôm càng sốt sầu riêng Tân Thới, cá lóc bay Tây Đô, mực trứng nhồi nhum biển sốt mè gạo lứt (Phú Quốc), ức vịt cuộn bồn bồn sốt cà ri (Bạc Liêu), vịt xiêm nấu ấu và hạt sen (Đồng Tháp)…

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Lộc, Chủ tịch Liên chi hội Đầu bếp Đồng bằng sông Cửu Long cho biết Ban tổ chức hy vọng sự kiện sẽ góp phần đưa ẩm thực của vùng ghi dấu đậm nét vào bản đồ ẩm thực Việt Nam và ẩm thực thế giới, từ đó tạo nên những bước đột phá mới cho ẩm thực miền Tây Nam Bộ nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung; gắn phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với đặc sắc của ẩm thực bản địa.

Đầu bếp Nguyễn Kiều Thắm, đến từ An Giang chia sẻ đội mang đến lễ hội 4 món đặc trưng của tỉnh, trong đó nổi bật nhất là món “Gỏi sầu đâu khô cá lóc,” được coi là món “nhận diện” của tỉnh An Giang, được các nghệ nhân sáng tạo cách chế biến mới, mang lại hương vị độc đáo.

Kết thúc chương trình, Hội đồng Ban giám khảo gồm những nghệ nhân nổi tiếng đến từ Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã chính thức công nhận 130 món ngon đặc trưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục “Sự kiện chế biến, công diễn món ngon 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng nhiều nhất Việt Nam”./.

Ánh Tuyết (TTXVN/Vietnam+)