Phát biểu tại hội thảo, Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng từ dữ liệu điều tra DN thường niên hàng năm bởi Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam.
Chỉ số này nhằm đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, nỗ lực cải cách hành chính, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành trong cả nước. Qua đó, góp phần quan trọng thu hút DN đầu tư, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tại địa phương phát triển. Đồng thời, đây cũng là chỉ số phản ánh, khách quan chính xác, trung thực về kết quả đánh giá của cộng đồng DN trong mối quan hệ tương tác với chính quyền thành phố thông qua 10 chỉ số thành phần của 141 chỉ tiêu.
“Những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của chỉ số PCI, TP Cần Thơ đã ban hành các nghị quyết, chương trình hành động nhằm cải thiện chất lượng quản lý điều hành, chất lượng phục vụ của các sở, ngành TP và nâng cao năng lực cạnh tranh trên các lĩnh vực”, Chủ tịch Trần Việt Trường thông tin.
Trong 5 năm qua, kết quả PCI của TP Cần Thơ đã được cải thiện nhưng không đáng kể, trong khi các tỉnh thành trong cả nước có sự cải thiện mạnh mẽ. Riêng trong năm 2021, PCI của TP Cần Thơ đạt hơn 68 điểm (tăng 1,73 điểm), giữ nguyên hạng và xếp 12/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, đứng thứ 2 trong vùng ĐBSCL và nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “tốt” của cả nước.
“Tuy nhiên, với vị trí PCI đứng thứ 12, thấp nhất trong nhóm “tốt”, là chưa tương xứng với vai trò địa phương trung tâm của vùng ĐBSCL. Vì vậy, việc đưa ra các giải pháp khả thi, tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm cải thiện điểm số PCI trong năm 2022 và các năm tiếp theo là rất cần thiết, cấp bách. Đặc biệt là những giải pháp nhằm cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần có điểm giảm trong năm 2021 như: Gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động. Đồng thời, không ngừng duy trì giữ ổn định điểm số của các chỉ số thành phần có điểm số tăng trong thời gian qua”, Ông Trường cho biết thêm.
Với tinh thần nghiêm túc, tâm huyết và trách nhiệm, các đại biểu tham gia hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp, nêu rõ nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất các giải pháp trọng tâm nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đó là:
Quan tâm, nâng cao chất lượng cổng thông tin điện tử của chính quyền, bổ sung và cập nhật đầy đủ thông tin, biểu mẫu thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định và đáp ứng được nhu cầu của DN.
Giải quyết kịp thời các khiếu nại, kiến nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm tính công bằng, minh bạch và nâng cao lòng tin đối với DN
Đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin trong đấu thầu, quy hoạch, kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất của các địa phương để các DN thuận tiện khai thác, nghiên cứu.
Thường xuyên rà soát, kiểm tra tình hình giải quyết TTHC, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, tăng cường chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng kiến nghị, để nâng cao năng lực cạnh tranh cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nhà nước, nâng cao trình độ chuyên môn, giải quyết công việc hiệu quả, nhiệt tình và thân thiện. Cùng với đó là quy trình thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa cần được niêm yết công khai, có văn bản hướng dẫn rõ ràng chi tiết để DN dễ dàng thực hiện.
Tăng cường tính công khai, minh bạch quy trình thực hiện TTHC liên quan đến hoạt động đăng ký DN, nâng cao tỷ lệ DN thực hiện đăng ký qua mạng; tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch, thông thoáng, hấp dẫn, bình đẳng giữa các DN.
Lãnh đạo TP Cần Thơ mong muốn, các giải pháp cải thiện, nâng cao PCI tại hội thảo sẽ được quán triệt, thực hiện hiệu quả nhằm phấn đấu đưa TP Cần Thơ lọt Top 10 về PCI kể từ năm 2022.
Hòa Minh
Có thể bạn quan tâm