Chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang là một yêu cầu cấp thiết
Đảm bảo cơ hội tiếp cận đào tạo
Theo đó, mục
tiêu cụ thể và các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 sẽ chuẩn hóa trình độ kỹ năng
nghề quốc gia (KNNQG) cho khoảng 50% lực lượng lao động.
Trong đó, trên
30% lao động đạt trình độ cao có bậc trình độ KNNQG 4, 5 hoặc trình độ tương
ứng, trong đó ưu tiên người lao động làm việc trong các ngành, nghề thuộc công
nghiệp mũi nhọn, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, người lao động thuộc
các ngành nghề kinh tế trọng điểm, ưu tiên, chương trình phát triển kinh tế –
xã hội bền vững. Khoảng 70% lao động đạt các bậc trình độ còn lại, trong đó ưu
tiên lao động là thanh niên từ 15 đến 30 tuổi, lao động đang làm việc trong các
doanh nghiệp, lao động yếu thế.
Đảm bảo cơ
hội tiếp cận về đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, học tập suốt đời cho trên 70%
lực lượng lao động. Xây dựng mới và cập nhật khoảng 500 bộ tiêu chuẩn
KNNQG, 500 bộ ngân hàng câu hỏi kiến thức, bài thi thực hành tương ứng từng
nghề để phát triển chuẩn đầu ra theo tiêu chuẩn KNNQG, xây dựng chương trình,
tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Nâng cao
chất lượng lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề gắn với đánh
giá, cấp chứng chỉ KNNQG, đảm bảo trên 90% lao động được chuẩn hóa đáp ứng yêu
cầu của thị trường lao động trong nước và tham gia hiệu quả thị trường lao động
quốc tế. Phấn đấu 80% lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được đào
tạo, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng, năng lực cơ bản, tiến tới phổ cập kỹ năng,
năng lực cơ bản cho người lao động.
Trước yêu cầu ngày càng cao về lao động có kỹ năng nghề phục vụ
công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và
hội nhập ngày
càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, lực lượng lao động Việt
Nam còn nhiều hạn chế, bất cập thể hiện ở các khía cạnh như: có tới gần 74% lao
động qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ chiếm đa số. Sự thiếu hụt kỹ năng
cơ bản, kỹ năng cốt lõi và kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật phổ biến, nhất là các
lĩnh vực, ngành, nghề có sự thâm dụng về lao động.
Đáng chú ý, các chỉ số liên quan đến kỹ năng lao động Việt
Nam còn thấp so với khu vực và thế giới, mất cân đối về cơ cấu lao động theo
ngành, nghề, giữa vùng, miền, nông thôn và thành thị… Khoảng 90% lao động Việt
Nam đi làm việc tại nước ngoài có trình độ kỹ năng nghề thấp, lao động giản đơn,
khó khăn khi hội nhập thị trường lao động quốc tế.
Cùng đó, định hướng đến năm 2045 nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam nhằm phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bắt kịp và tiến cùng trình độ tiên tiến của thế giới. Nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng nghề lực lượng lao động thuộc nhóm 60 nước đứng đầu, góp phần đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Nhiệm vụ cấp thiết
Hai năm qua, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động sâu
rộng tới thị trường lao động, chuỗi cung ứng về lao động bị đứt gãy, sự thiếu
hụt kỹ năng lao động trở nên nghiêm trọng hơn ở nhiều ngành nghề, lao động bị
thiếu việc làm, mất việc làm, giảm thu nhập, nhất là nhóm lao động có kỹ năng
làm việc thấp. Sau đại dịch COVID-19, đã xuất hiện phong trào thử nghiệm
và thực hiện rút ngắn thời gian làm việc trong tuần trên thế giới như Mỹ, Anh,
Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.
Điều này cho thấy việc nâng cao trình
độ kỹ năng nghề cho người lao động nhằm nâng cao năng suất lao động chuẩn bị
cho quá trình này là rất quan trọng, thiết yếu trong thời gian tới.
Nhằm đáp ứng yêu cầu giai đoạn phục hồi kinh tế – xã hội, tạo
nền tảng vững chắc để tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn
nhân lực có kỹ năng nghề, đưa đất nước ta trở thành quốc gia phát triển với nền
công nghiệp hiện đại như mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII của Đảng đặt ra. Căn cứ vào thực tiễn và quán triệt Nghị quyết Đại hội
Đảng, Nghị quyết của Chính phủ, việc xây dựng Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động
Việt Nam” để đáp ứng yêu cầu trên là nhiệm vụ cấp thiết.
Anh Quang