Lập Sở chỉ huy tiền phương để tập trung chỉ đạo ứng phó bão Noru
Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (gọi tắt là PCTT) Đà Nẵng, sau cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì chiều 25/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh tiếp tục có chỉ đạo khẩn về ứng phó bão Noru trên địa bàn TP.
Tối 25/9, rất đông người dân Đà Nẵng đã đổ xô đến các siêu thị mua đồ dự trữ để ứng phó với bão Noru.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Văn phòng UBND TP tham mưu thành lập Sở chỉ huy tiền phương (bao gồm các thành viên nòng cốt Bộ Chỉ huy Quân sự TP; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP; Công an TP; Sở NN&PTNT…), chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để lãnh đạo UBND TP tập trung chỉ huy, chỉ đạo ứng phó với siêu bão Noru. Đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai cho tòa nhà Trung tâm Hành chính TP.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng ưu tiên đảm bảo cấp điện, khắc phục sự cố hệ thống điện bị hư hỏng cho các khu vực, cơ quan quan trọng trong TP như: Trung tâm Hành chính TP; các bệnh viện; cơ quan quân đội, công an, trạm bơm chống ngập….
Cùng với đó, yêu cầu Sở GTVT chú ý các khu vực đoạn đường bị ngập sâu (như các hầm chui) có biện pháp ngăn chặn, cảnh báo không cho người và phương tiện đi vào các khu vực nguy hiểm. Yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước; chỉ đạo Công ty Công viên Cây xanh và các địa phương khẩn trương hoàn thành chằng chống và rong tỉa cây xanh đường phố, hạn chế ngã đổ.
Sở TT&TT, Sở Văn hóa và Thể thao được yêu cầu rà soát, kiểm tra mức độ an toàn chịu lực, ổn định hiện trạng của công trình viễn thông, bảng quảng cáo; tiến hành các biện pháp gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn; tháo dỡ các thiết bị, bộ phận không đảm bảo an toàn. Sở Du lịch phối hợp với Sở Ngoại vụ thông tin về tình hình thiên tai cho các trụ sở, cơ sở hạ tầng du lịch và khách du lịch, người nước ngoài trước, trong và sau thiên tai; nghiên cứu thời gian cấm người dân ra biển.
Sở GD-ĐT được giao chủ động việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học; Sở Công Thương có phương án chuẩn bị lương thực, nước uống, nhiên liệu, các nhu yếu phẩm; đảm bảo cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân khi có thiên tai xảy ra; Sở Y tế sẵn sàng phương án cấp cứu nạn nhân và phương án cấp cứu lưu động; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và hóa chất cần thiết để xử lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh sau bão lũ.
Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cấp độ rủi ro thiên tai do bão Noru lên tới cấp 4/5
Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, sáng sớm nay 26/9, bão Noru đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022. Hồi 4h, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ vĩ Bắc; 119,5 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Tây đảo Luzon, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 810km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 – 13 (118-149km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 230km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 4 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ vĩ Bắc; 114,6 độ kKinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134 – 149km/giờ), giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,5 độ kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Theo dự báo, từ trưa 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.
Từ tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.
Từ gần sáng 28/9, khu vực ven biển từ Quảng Trị trở vào đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10; ven biển khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, từ sáng sớm ngày 28/9 có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9; giật cấp 12-13; khu vực Kon Tum, Gia Lai ngày 28/9 có gió mạnh dần lên 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Cảnh báo từ chiều 27/9 đến ngày 28/9 ở khu vực từ Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên mưa to, đến rất to, dông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm. Từ 28-30/9 mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định: Cấp 4; Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai: Cấp 3 (thang cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão gồm 5 cấp).
Hải Châu