Phương án khả thi nhất
Như tin đã đưa, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND TP Đà Nẵng khóa X ngày 13/12, Chủ tịch Ủy ban TTQ Việt Nam TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng cho biết, cử tri TP mong muốn sớm triển khai phương án quy hoạch xây dựng lại chợ Cồn đầy đủ các tiêu chí của chợ truyền thống và công năng thương mại văn minh, hiện đại với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, kết hợp với phát triển văn hóa ẩm thực.
Cơ sở hạ tầng của chợ Cồn hiện đã xuống cấp nặng nề, không còn đảm bảo tiêu chí chợ hạng 1.
Phản hồi về vấn đề này, chiều 14/12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cho biết, trong năm 2021, UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở Công Thương xây dựng phương án đầu tư, xây dựng, quản lý chợ Cồn. Đến nay, Sở đã hoàn thành phương án xây dựng lại chợ Cồn, trình UBND TP xem xét.
Theo đó, dự án chợ Cồn được thiết kế theo mô hình chợ truyền thống văn minh, hiện đại với quy mô 1 tầng hầm để xe và 3 tầng nổi. Tổng diện tích 20.914 m2, tổng mức đầu tư dự kiến 322 tỷ đồng. Khi hoàn thành, chợ Cồn sẽ đáp ứng nơi kinh doanh cố định cho 2.000 hộ kinh doanh các ngành hàng.
Bà Lê Thị Kim Phương cũng cho biết, để đảm bảo việc triển khai thực hiện đầu tư, trong phương án đầu tư, quản lý và khai thác chợ Cồn đã tập trung phân tích, nêu rõ các vướng mắc, khó khăn và đề xuất, kiến nghị hướng giải quyết. Qua nghiên cứu, rà soát cơ sở pháp lý hiện hành, Sở Công Thương Đà Nẵng nhận thấy hình thức đầu tư chợ Cồn bằng vốn đầu tư công là phù hợp, khả thi nhất và đề xuất UBND TP xem xét, lựa chọn phương án sử dụng 100% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
“Việc phân bổ vốn đầu tư công triển khai dự án đảm bảo tính khả thi, giúp dự án đầu tư nâng cấp chợ Cồn sớm được triển khai do nguồn vốn có sẵn, đồng thời vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý hoạt động của chợ sau này, đặc biệt là đem lại lợi ích cho bà con tiểu thương đang kinh doanh tại chợ. Sau khi dự án hoàn thành, TP xem xét giao Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng tiếp tục là đơn vị tổ chức quản lý, vận hành và khai thác chợ”, bà Lê Thị Kim Phương cho biết.
Nếu thuận lợi, năm 2025 – 2026 sẽ có chợ Cồn mới
Danh xưng “chợ Cồn” có từ thập niên 1940 của thế kỷ trước, gắn liền với lịch sử văn hóa, mảnh đất con người Đà Nẵng. Hiện đây là chợ hạng 1, do Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng (thuộc Sở Công Thương Đà Nẵng) quản lý, khai thác vận hành. Kể từ khi xây dựng lại (năm 1985) đến nay, chợ đã nhiều lần được tu bổ, sửa chữa nhưng hiện hệ thống hạ tầng, trang thiết bị đã xuống cấp nặng nề, không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển thương mại.
Việc đầu tư xây dựng lại chợ Cồn là nhu cầu cấp thiết được đặt ra từ năm 2016. Năm 2019, TP Đà Nẵng đã tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc xây dựng chợ Cồn theo mô hình Trung tâm thương mại gắn với chợ truyền thống, hình thức đầu tư PPP. Tuy nhiên, năm 2020, khi luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư ra đời thì danh mục các dự án đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng thương mại không thuộc hạng mục đầu tư PPP. Vì vậy, phương án đầu tư PPP tại chợ Cồn đã không còn phù hợp với quy định của pháp luật.
Tháng 3/2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 359 phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, chợ Cồn được quy hoạch là chợ truyền thống gắn với các điểm chợ theo tiêu chí văn minh, hiện đại.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, hiện Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ xem xét Nghị định sửa đổi Nghị định 02 về quản lý chợ. Trong dự thảo này có nội dung cho phép đầu tư xây dựng chợ hạng 1 bằng vốn đầu tư công. Dự kiến trong tháng 12/2022, Bộ Công Thương sẽ trình dự thảo này cho Chính phủ.
Nếu Nghị định thay thế Nghị định 02 được phê duyệt vào đầu năm 2023 thì Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ báo cáo UBND TP thống nhất việc đầu tư chợ Cồn theo hình thức đầu tư công. Nếu công tác chuẩn bị đầu tư được thuận lợi thì kỳ vọng trong giai đoạn 2024 – 2025 sẽ tiến hành xây dựng đầu tư chợ và qua năm 2025 – 2026 sẽ có chợ mới.
Về bố trí chợ tạm trong thời gian triển khai dự án, Sở Công Thương Đà Nẵng đề xuất sử dụng một phần diện tích khu đất khoảng 6000 m2 còn lại thi công giai đoạn sau của dự án. Đồng thời, sử dụng nửa lòng đường Chi Lăng cùng với vỉa hè phía sân vận động Chi Lăng và đường phía Bắc chợ Cồn để bố trí các hộ còn lại.
Hải Châu