Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, hồi 7h ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Giữa Biển Đông, cách Đà Nẵng – Quảng Nam khoảng 330km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/giờ), giật cấp 9, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h.
Mưa lũ lớn làm xô lệch, ngã đổ dải phân cách trên một số tuyến đường thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng)
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với áp thấp nhiệt đới, lúc 7h sáng 14/10, tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Từ chiều tối 14/10, khu vực đất liền ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9; cần đề phòng nước dâng cao 0,2 – 0,4m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây ngập úng vùng trũng, thấp, sạt lở bờ biển.
Tổng lượng mưa tích lũy cả đợt tính từ đêm 13/10 đến hết ngày 16/10 ở Quảng Bình phổ biến từ 100 – 200mm, có nơi trên 250mm; khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi 250 – 550mm, có nơi trên 800mm. Do mưa lớn xảy ra trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày nên cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi; lũ, ngập lụt trên các sông trong khu vực.
Để chủ động ứng phó với đợt mưa lũ lớn này, Sở GTVT Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu các chủ đầu tư, nhà đầu tư các dự án xây dựng công trình giao thông, các công trình thi công trên đường bộ đang khai thác thực hiện tốt công tác đảm bảo giao thông; rào chắn, chốt gác các vị trí xung yếu như cầu, cống, khu vực ven sông, suối, đào sâu, đắp cao, gần các khu dân cư,… để cảnh báo, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Khơi thông hệ thống thoát nước dọc, ngang trên tuyến; có phương án đảm bảo an toàn công trình; lưu ý neo giữ, gia cố giàn giáo thi công nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, thiết bị, công trình đang thi công và công trình lân cận. Có giải pháp gia cố tạm để bảo vệ các hạng mục, phần việc có nguy cơ ngã, đổ mất an toàn do ảnh hưởng của mưa, lũ; đồng thời có phương án xử lý ngập úng công trình khi có mưa lớn kéo dài.
Đồng thời kiểm tra, kịp thời di dời các vật tư, thiết bị thi công, các hạng mục công trình phụ trợ, nhà xưởng, lán trại đến nơi an toàn, tránh phạm vi ảnh hưởng của dòng chảy, sụt trượt khi có nguy cơ. Sửa chữa, khắc phục ngay các vệt hoàn trả đang thi công để đảm bảo an toàn giao thông; chằng chống kiên cố các hàng rào phục vụ thi công, đảm bảo đèn cảnh báo vào ban đêm; cử người thường xuyên theo dõi trong suốt thời gian mưa, lũ để kịp thời xử lý khi có sự cố.
Sở GTVT Đà Nẵng cũng yêu cầu Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng, Công ty TNHH Xây dựng TM&DV Linh Sương phối hợp với Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông TP, các phòng, đơn vị liên quan chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc… kịp thời triển khai khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra. Tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả bước 1 trên các đoạn quốc lộ, các tuyến đường do đơn vị quản lý.
Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện & Người lái có trách nhiệm phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo hành khách theo đề nghị của các đơn vị liên quan. Thanh tra Sở GTVT kịp thời phối hợp với các lực lượng Công an thực hiện phân luồng, đảm bảo giao thông, hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các vị trí nguy hiểm, ngập úng và ách tắc giao thông để đảm bảo an toàn.
Hải Châu