Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến nông sản Việt

Xem bài viết

DNVN – Phát triển cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng nông sản, phát triển bền vững, tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

Từ ngày 24 – 26/8, tại TP Cần Thơ đã diễn Hội thảo “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”. Đây là một trong những hoạt động chính của chuỗi sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG), Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và các đơn vị có liên quan tổ chức.

n

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, mục tiêu của hội thảo là thúc đẩy phát triển Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Gia tăng sự chuyển giao sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu chế biến và sản xuất nông nghiệp, để đạt các mục tiêu của cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030 và phấn đấu đưa Việt Nam lọt top 10 nước hàng đầu thế giới về chế biến nông sản.

Theo ông Nam, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng nông sản, phát triển bền vững, tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Mức độ cơ giới hoá ở một số khâu trong một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã đạt tỷ lệ khá cao, như trồng trọt đạt 70-100%, chăn nuôi đạt 55-90%.

Hiện cả nước có khoảng 7.800 doanh nghiệp cơ khí, hơn 270 tổ chức nghiên cứu khoa học và 538.700 lao động thuần cơ khí, trong đó có gần 20.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo chính quy. Có hơn 4.000 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với gần 1.900 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp tại nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Hiệu quả cơ giới hóa chưa cao, đa số sử dụng máy công suất nhỏ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chỉ mới tập trung ở một số khâu và áp dụng với một số cây trồng, vật nuôi chủ lực.

Mặt khác, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ và hạ tầng kỹ thuật tại nhiều nơi chưa phù hợp để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Việc sản xuất các loại máy móc trong nước còn hạn chế. Công nghệ và thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến, bảo quản nhiều loại nông sản còn lạc hậu, nông dân gặp khó về vốn khi đầu tư mua các máy móc, thiết bị…

n

Toàn cảnh hội thảo.

Để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, nhiều đại biểu kiến nghị Nhà nước cần có thêm cơ chế, chính sách ưu đãi thúc đẩy người dân và doanh nghiệp đầu tư, phát triển các loại máy móc, thiết bị hiện đại. Đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với tổ chức lại sản xuất, phát triển liên kết chuỗi giá trị, phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ dùng chung máy, thiết bị.

Phát triển hạ tầng kết cấu kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới. Xây dựng thể chế mới kết nối “cung cầu” đối với các thiết bị, máy móc và công nghệ mới. Tăng cường đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện người dân được vay vốn mua máy móc, thiết bị. Mặt khác, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, thu hút các nguồn lực đầu tư…

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay vừa là điều kiện để giải phóng sức lao động, vừa đáp ứng nhu cầu bổ sung sức lao động cho nông nghiệp, trong bối cảnh lực lượng lao động đang chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp.

“Đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn”, Phó Chủ tịch Cần Thơ nhấn mạnh.

Hòa Minh