Theo Dược sĩ Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, với nền sản xuất đang trên đà phát triển, giao thương hàng hóa rộng mở, đa dạng và hội nhập đã khiến cho quyền được tiếp cận thực phẩm an toàn của người dân gặp nhiều thách thức. Cùng với đó đã làm bộc lộ những tồn tại trong mô hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP).
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 5 kiểm tra công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn Đà Nẵng hồi tháng 5/2022.
Trước tình hình đó, từ năm 2017 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thí điểm thành lập các BQL ATTP tại TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh. Cuối tháng 6 vừa qua, BQL ATTP TP Đà Nẵng đã đăng cai tổ chức hội thảo mô hình quản lý nhà nước về ATTP sau 5 năm thực hiện thí điểm, với sự tham dự của lãnh đạo chủ chốt BQL ATTP 3 địa phương.
DS Nguyễn Tấn Hải cho biết, tại hội thảo, lãnh đạo BQL ATTP của 3 địa phương đã đưa ra đánh giá chung, qua 5 năm thí điểm cho thấy, việc áp dụng mô hình một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý bảo đảm tạo được sức mạnh tổng hợp, gia tăng hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP. Đồng thời giảm thiểu các rào cản trong công tác phối hợp, giảm chồng chéo về trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; tạo thuận lợi hơn cho các cơ sở thực phẩm.
“Dù là mô hình thí điểm, còn rất mới, chưa có tiền lệ nhưng với nỗ lực các cấp, ngành, của tập thể các BQL, công tác ATTP tại 3 TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh đã có chuyển biến tích cực và rõ nét. Đó là minh chứng cho sự phù hợp của mô hình quản lý nhà nước thống nhất về ATTP tuyến tỉnh”, DS Nguyễn Tấn Hải nói.
Từ thực tế này, DS Nguyễn Tấn Hải cho biết, lãnh đạo BQL ATTP 3 địa phương đã thống nhất đề xuất cấp ủy, chính quyền các địa phương thí điểm, các bộ, ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt thí điểm mô hình BQL ATTP. Đồng thời cho phép thành lập chính thức cơ quan Quản lý ATTP là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp sở hoặc tương đương cấp sở, theo mô hình quản lý ATTP tuyến tỉnh thống nhất, có hệ thống quản lý ATTP ở tuyến cơ sở.
Lãnh đạo BQL ATTP 3 địa phương cũng thống nhất đề xuất các cấp thẩm quyền cho phép tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình cơ quan Quản lý ATTP nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo ATTP ở các đô thị lớn. Từ đó tập trung sức mạnh quản lý nhà nước đủ để giải quyết các bài toán lớn, bài toán phức tạp về ATTP trong điều kiện thực tế hiện nay, có tính đến xu thế phát triển kinh tế – xã hội trong 30 – 50 năm tới.
Về tầm nhìn đối với mô hình tổ chức cơ quan Quản lý ATTP trong tương lai, DS Nguyễn Tấn Hải nêu trường hợp Singapore khá tương đồng với TP Đà Nẵng trên nhiều khía cạnh và lĩnh vực. Mô hình quản lý nhà nước về ATTP của Singapore đã chứng minh nhiều ưu điểm, đã đạt được nhiều thành công trên thực tiễn mà Đà Nẵng có thể nghiên cứu để áp dụng.
Với mô hình này cho phép tận dụng năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ để quản lý ATTP trong toàn bộ chuỗi cung ứng (từ trang trại đến bàn ăn), nhất là đối với thực phẩm có nguy cơ cao như rau, trái cây nhập từ bên ngoài. Hình thành cơ chế một cửa cho việc cấp phép, kiểm tra, phản hồi các vấn đề về ATTP của cơ quan chức năng. Và có vị trí tốt để tác động vào cộng đồng cơ sở thực phẩm nhằm cung cấp đầy đủ, đa dạng chủng loại thực phẩm an toàn, giá cả hợp lý.
Hải Châu