Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, ngày 20/12/2021, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ra Quyết định 3502 phê duyệt Đề án Di sản đương đại Mang Thít, trên cơ sở xác định di sản Mang Thít là di sản vật thể và phi vật thể.
Năm 2021, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đưa Mang Thít thành một điểm sáng trong chiến lược phát triển không gian và du lịch toàn vùng.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành một số định hướng, chủ trương lớn nhằm bảo tồn và phát triển khu di sản này. Chính quyền cũng đã bước đầu thành công trong việc vận động người dân giảm tốc độ hoặc tạm ngưng phá dỡ lò. Người dân, đặc biệt là các chủ lò, đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với ý tưởng của Đề án.
Yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần có các giải pháp đồng bộ làm cơ sở cho việc ban hành các chính sách, thiết lập khuôn khổ pháp lý, lập quy hoạch, xúc tiến đầu tư… Làm sao để biến “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng Di sản đương đại độc đáo có tầm cỡ quốc tế, một điểm đến hấp dẫn về du lịch – dịch vụ; kết nối, lan tỏa tác động tới các khu du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
“Chúng tôi rất mong ý kiến đóng góp của các chuyên gia đa ngành, trong nước và quốc tế, để trên cơ sở đó, chính quyền tỉnh sẽ sớm thực hiện các hành động quyết liệt, thiết thực, đưa ý tưởng trở thành hiện thực, tạo ra một diện mạo, tinh thần mới cho vùng di sản”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà tư vấn, kiến trúc sư đóng góp nhiều ý kiến về bước tiếp cận đối với điểm đến Mang Thít từ quan điểm phát triển du lịch bền vững; kinh nghiệm thực tiễn về bảo tồn, chuyển đổi di sản văn hóa, sinh thái đời sống và phát triển cộng đồng tại TP Hội An, TP Huế; kinh nghiệm phát triển không gian sáng tạo dựa trên giá trị di sản tại Việt Nam cùng những gợi ý về các bước triển khai đầu tư, phát triển cộng đồng tại Mang Thít…
Trình bày tham luận về “Chuyển đổi mục đích sử dụng di sản công nghiệp để hỗ trợ sáng tạo văn hóa và phát triển bền vững”, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam cho rằng: văn hóa là yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, ngoài khía cạnh xã hội, văn hóa còn đóng góp cho phát triển kinh tế trong nhiều ngành, chẳng hạn như du lịch bền vững, các ngành sáng tạo, và hạ tầng văn hóa. Di sản văn hóa hấp dẫn được coi là tài sản lớn, ngày nay, di sản văn hóa không còn được coi là tài sản không đem lại của cải vật chất, mà là cơ sở để cung cấp các dịch vụ đem lại của cải vật chất. Di sản có thể được coi là khối tài sản có khả năng đem lại các loại dịch vụ mới cho người dân ở địa phương cũng như người dân ở bên ngoài.
“Đó cũng là cơ hội để khai thác đầu tư của nhà nước và tư nhân, tìm ra những mô hình kinh doanh, huy động tài chính và quản trị mới theo hướng tuần hoàn để hỗ trợ hoán cải mục đích sử dụng di sản; nhằm nâng cao sự hấp dẫn của các công trình và điểm di tích lịch sử – văn hóa, qua đó tạo giá trị cho các doanh nghiệp, cải thiện chất lượng cảnh quan, đem lại tác động tích cực về môi trường, kinh tế và xã hội, vì lợi ích của toàn thể cộng đồng”, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam nhấn mạnh.
Ths.KSKT Phạm Thị Huệ Linh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch IV, Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn Quốc gia thuộc Bộ Xây dựng lưu ý, khi tổ chức lập quy hoạch khu du lịch cần chú ý trình tự lập quy hoạch xây dựng khu Du lịch, nên tiến hành quy hoạch phân khu, gần như song song với lập quy hoạch chung để rút ngắn thời gian lập quy hoạch và thuận tiện trong việc tuân thủ quy hoạch chung trong quá trình triển khai thực hiện và những căn cứ pháp lý cần thiết, ví dụ quy hoạch khu Du lịch phải nằm trong quy hoạch chung của tỉnh…
Về kinh nghiệm đầu tư, sáng tạo trong chuyển đổi di sản công nghiệp và gợi ý cho quần thể Mang Thít, ThS Vũ Hoàng Quyên, Công ty tư vấn Giải pháp Đô thị – Nông thôn cho rằng, cần tôn trọng hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, nguồn năng lượng tự nhiên và tái tạo; tối ưu hóa đầu tư, giảm thiểu chi phí san lấp mặt bằng, tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho chính quyền, nhà đầu tư và cộng đồng; giảm thiểu xáo trộn gia tăng tính đa dạng, hạn chế di dời, khuyến khích chuyển đổi tại chỗ, tạo nhiều không gian giao tiếp mở, sáng tạo
Khi quy hoạch các phân khu trong quy hoạch Mang Thít, ví dụ là một cộng đồng nhỏ dọc theo lõi “Rạch Thầy Cai” gồm 9 hộ gia đình và 27 lò gạch thì cần chú ý khai thác lợi thế về kênh rạch, bờ sông để xây mở nhà hàng miệt vườn; khu mua sắm, cửa hàng lưu niệm; bảo tàng gạch, gốm; vườn nghệ thuật; dịch vụ lưu trú homestay; tháp ngắm cảnh và trạm xe đạp.v.v…
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cảm ơn các ý kiến đóng góp, gợi ý, đề xuất của các đại biểu, điều này thể hiện sự quan tâm và niềm tin vào triển vọng đề án Mang Thít.
Các ý kiến tại hội thảo cũng giúp chúng tôi khẳng định đây là một tài sản quý báu, mang tầm quốc gia và quốc tế, sẽ góp phần làm nên thương hiệu, hình ảnh riêng có của Vĩnh Long, của ĐBSCL, là sức hút và đòn bẩy giúp thế hệ chúng ta phát triển kinh tế du lịch, kinh tế sáng tạo, nâng cao sinh kế, làm giàu đời sống văn hóa và hạnh phúc cho người dân.
Từ hội thảo này, để triển khai thành công Đề án, tỉnh nhấn mạnh tới ba giải pháp đột phá cần được ưu tiên, đó là:
Trong tháng 12 này, trình Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ người dân bảo tồn lò, và cần bảo vệ cả quần thể lò thay vì một cụm lò nhất định.
Khẩn trương tiến hành công tác lập quy hoạch chung xây dựng khu vực “Di sản đương đại Mang Thít” 3.060 ha, đồng thời cân nhắc lập quy hoạch phân khu vùng trung tâm dọc theo kênh Thầy Cai.
Tiến hành song song với công tác lập quy hoạch, UBND tỉnh chủ động các hoạt động xúc tiến với các Nhà đầu tư với các quy mô khác nhau thực hiện đầu tư tiên phong, làm điểm, tạo ra các điển hình, phát triển đặc biệt là tại khu vực trung tâm, để tạo hiệu ứng lan tỏa cho cả cộng đồng.
Hòa Minh
Có thể bạn quan tâm