Liên quan đến vụ bé trai 10 tuổi lọt xuống trụ bê tôngtại công trình Kênh cầu Rọc Sen (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Sau khi xác định nạn nhân đã tử vong vào tối 4/1, lực lượng cứu hộ đã triển khai phương án khác để sớm đưa thi thể nạn nhân lên mặt đất, nhưng đến thời điểm hiện tại, việc cứu hộ vẫn chưa hoàn tất.
Ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin với báo chí về những khó khăn trong công tác cứu hộ tại công trình Kênh cầu Rọc Sen.
Lý giải cho việc này, chiều qua (5/1), ông Võ Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, vừa có buổi thông tin với báo chí rằng, các lực lượng vẫn đang có mặt xuyên suốt tại hiện trường đảm bảo mặt bằng an toàn và các biện pháp thi công. Tuy nhiên, việc cứu hộ vẫn chưa hoàn tất vì liên quan đến kỹ thuật cũng như các phương án đưa ra làm cũng bị trở ngại.
“Vì vậy, các chuyên gia Nhật Bản được mời đến hiện trường cùng các nhóm kỹ thuật cũng đã khảo sát, đánh giá hiện trạng để chọn giải pháp tốt nhất để triển khai trên tinh thần sớm đưa được thi thể bé trai lên mặt đất. Họ cũng đưa ra phương án kỹ thuật cứu hộ khả thi, nhưng ở đây các thiết bị chưa đáp ứng được”, ông Bửu nói.
Về thiết bị chưa đáp ứng, ông Bửu cho rằng, hiện nay địa phương đang huy động thêm một số phương tiện, máy móc, trong đó có cẩu 120 tấn từ nơi khác đến hiện trường để dự phòng. Tuy nhiên, do địa hình đồng ruộng nên việc vận chuyển thiết bị gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng cứu hộ triển khai nhiều phương án xuyên suốt những ngày qua.
Cũng theo ông Bửu, suốt đêm 4/1, lực lượng cứu hộ tiếp tục dùng mũi khoan guồng xoắn xuyên thấu 5m đất cuối cùng. Tuy nhiên, việc thi công trên tầng đất sâu, đặc dính và trải qua nhiều lần khoan guồng xoắn, bơm thủy lực nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu nên phải thay đổi phương pháp nên công tác cứu hộ hiện nay đang chậm hơn dự kiến ban đầu. Hiện, các biện pháp tối ưu đang được các chuyên gia trong và ngoài nước cùng thảo luận để chọn phương án phù hợp với điều kiện, năng lực và thiết bị thi công, làm thế nào đưa được đoạn ống thứ nhất lên để triển khai phương án cứu hộ tiếp theo.
Ghi nhận từ hiện trường cho thấy, đến 17h chiều qua (5/1), tất cả các lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang túc trực xuyên suốt tại hiện trường để chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng, điều kiện cần thiết để triển khai ngay khi các chuyên gia thống nhất phương án cứu hộ.
Như Doanh nghiệp Việt Nam đưa tin, khoảng 11h30 trưa ngày 31/12/2022, em Thái Lý Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình để nhặt phế liệu. Lúc đi qua công trình đang thi công, Nam lọt xuống cọc bê tông rỗng bên trong, đường kính 25cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m. Những người chứng kiến ngay từ đầu cho biết, sau khi rơi vào cọc bê tông, bé trai kêu cứu chừng 10 phút rồi tiếng dần mất hút. Sau đó, lực lượng cứu nạn cứu hộ thuộc Công an tỉnh Đồng Tháp có mặt tại hiện trường, triển khai nhiều phương án cứu hộ như tiếp oxy vào bên trong… lực lượng chức năng duy trì cứu hộ xuyên đêm.
Đường kính trụ bê tông mà bé trai lọt vào rất nhỏ.
Ngày 1/1/2023, máy khoan cọc nhồi công suất lớn được điều đến hiện trường, lực lượng cứu hộ vừa khoan vừa bơm bùn cát ra ngoài. Trong quá trình khoan, tác động của máy đã gây sạt đất đá dẫn đến nguy cơ sụt lún trụ bê tông chứa nạn nhân bên trong bị lệch nên việc khoan cọc nhồi đã tạm dừng; tiếp oxy vào trong vẫn được lực lực lượng chức năng duy trì xuyên đêm.
Lực lượng Công binh thuộc Quân khu 9 cùng nhiều thiết bị hiện đại được chi viện đến hiện trường.
Ngày 2/1, công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân gặp nhiều khó khăn; lực lượng cứu hộ đã điều thêm các phương tiện kỹ thuật khác đến giải cứu; lực lượng Công binh thuộc Quân khu 9 được chi viện với các thiết bị chuyên dụng như camera hồng ngoại, quét thân nhiệt tham gia giải cứu; tiếp oxy vào trong vẫn được lực lượng chức năng duy trì xuyên đêm.
Lực lượng cứu hộ triển khai phương án đóng một ống thép có đường kính 1,5m, sâu 19m bao quanh trụ bê tông chứa nạn nhân để làm sạch đất.
Ngày 3/1, lực lượng cứu hộ triển khai phương án đóng một ống thép có đường kính 1,5m, sâu 19m bao quanh trụ bê tông chứa nạn nhân để làm sạch đất xung quanh nhằm giảm áp lực để kéo trụ bê tông lên khỏi mặt đất. Đến 8h cùng ngày, ống thép đã được đóng xuống hoàn toàn; thực hiện phương pháp khoan guồng xoắn mang đất, đá bên trong ống thép ra ngoài và đã làm sạch được 23/35m trong lòng ống thép; khuya cùng ngày, khi đến độ sâu 27m thì kết cấu đất chặt, dẫn đến khó khăn trong công tác thực hiện nên lực lượng cứu hộ kết hợp thêm phương pháp khoan xoáy nước; tiếp oxy vào trong vẫn được lực lượng chức năng duy trì xuyên đêm.
Ngày 4/1, lực lượng cứu hộ đang xử lý những công đoạn cuối cùng trong lòng ống, dự kiến sau khi hoàn thành đủ điều kiện đảm bảo an toàn thì sẽ tiến hành kéo trụ bê tông lên. Tối cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xác định nạn nhân đã tử vong.
Công trình Kênh cầu Rọc Sen (nơi bé trai 10 tuổi xảy ra tai nạn) thi công khoảng 6 tháng nay, đã hoàn thành mố cầu hai bên, mỗi mố được cố định bằng ba trụ bê tông. Vài ngày trước khi xảy ra sự cố, đội thi công chuyển máy móc sang mố cầu bên kia nhưng chưa lấp đất những trụ đã cắm xuống. Xung quanh mố cầu được rào tạm bằng dây.
Công trình này thuộc gói thầu số 14 thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Công trình cầu phà TP Hồ Chí Minh – Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Xây dựng Giao thông T&T. Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải làm đơn vị giám sát.
Thái Cường