Đó là một trong những quan điểm của Morgan Curtis – một người thừa kế thuộc gia đình siêu giàu Mỹ. Khối tài sản của gia đình cô được tích lũy từ thế kỷ 19. Khi đó, ông cố tổ của cô là một chủ ngân hàng đầu những năm 1800 ở New York đã đầu tư vào đường sắt, trong khi anh trai ông đầu tư vào các mỏ ở Trung Mỹ. Khối tài sản của gia đình tăng dần qua các thế hệ và cha của Curtis cũng kiếm được khoản tiền lớn nhờ công việc tư vấn quản lý cho các công ty lớn.
Ngay từ khi sinh ra, Curtis đã có cuộc sống nhung lụa: Được học ở các trường tư thục phía tây London; kỳ nghỉ lễ hàng năm đều đi trượt tuyết ở Thụy Sĩ; học cưỡi ngựa và các môn thể thao quý tộc. Nhưng Curtis (30 tuổi) hiện chọn sống trong một trang trại ở California cùng với 40 người khác. Cô chỉ chi tiêu khoảng 25.000 USD một năm.
Cuộc sống khiêm tốn của Curtis hiện tại không phải do cô đầu tư thua lỗ hay tiêu tán hết tài sản gia đình. Lí do đơn giản là cô đã chọn từ bỏ 100% tài sản thừa kế và 50% thu nhập kiếm được để “phân phối lại” cho các phong trào xã hội, các tổ chức vì người da màu, các dự án đất đai và các nhóm chống biến đổi khí hậu. Để minh bạch, Curtis còn chia sẻ công khai các khoản quyên góp hàng năm của cô trên mạng.
Curtis hành động như vậy bởi cô cho rằng tổ tiên của mình không bắt đầu từ con số không. Ông cố của cô sở hữu một nhà máy bông ở New York nơi mà công nhân “không thể ngừng lao động trong đồn điền”, trong khi ông nội cô có một đồn điền đường rộng 11.000 mẫu Anh ở Cuba. “Tổ tiên của tôi đã làm giàu từ việc ủng hộ chế độ nô lệ và thuộc địa. Vì vậy, tôi coi số tiền này không phải của mình, nó thuộc về những cộng đồng đã bị đánh cắp đất đai và bị bóc lột sức lao động”, Curtis nói.
Curtis lần đầu tiên biết đến đặc quyền con nhà giàu của mình vào năm 8 tuổi, khi gia đình cô mua một ngôi nhà thứ hai tại Isle of Wight. Ở tuổi thiếu niên, khi một người bạn thân của cô đã phải đi làm thêm để giúp mẹ trả tiền thuê nhà còn cô “thậm chí chưa bao giờ phải nghĩ đến việc hỗ trợ gia đình”. Cùng lúc đó, Curtis cũng quan tâm tới những tác hại từ công việc khai thác mỏ của gia đình đến môi trường và ngạc nhiên khi cha nói “những thứ đó đem lại rất nhiều lợi nhuận”.
“Tôi cảm thấy tội lỗi, xấu hổ, tức giận và khao khát được thay đổi. Có thể bạn cũng giống tôi, có tổ tiên đã làm giàu từ những bất công xã hội. Nhưng điều làm chúng ta xấu hổ nhất không phải là những gì họ đã làm mà là những gì chúng ta chưa làm”, Curtis nói.
Curtis hiện kiếm sống bằng cách huấn luyện những người thừa kế, giúp họ nghiên cứu về tổ tiên và lập kế hoạch phân phối lại tài sản. Cô có hai anh trai – một người cũng đang từ bỏ quyền thừa kế của mình.
Theo tập đoàn dịch vụ tài chính Sanlam, trong thập kỷ tới, thế hệ con nhà giàu sẽ thừa hưởng 409 tỷ USD từ cha mẹ họ. Song không phải ai cũng muốn nhận khoản thừa kế khổng lồ này. Một bộ phận nhỏ nhưng dường như đang đông dần những người trẻ tuổi cảm thấy tội lỗi và xấu hổ về tài sản thừa kế của họ.
Hiện số lượng người giàu lên tiếng về bất bình đẳng thường xuyên hơn. Tiêu biểu là MacKenzie Scott, vợ cũ của người giàu thứ hai thế giới Jeff Bezos, đã chi 12 tỷ USD cho các tổ chức từ thiện trong hai năm qua. Trong một bài đăng trên blog vào tháng 7/2020, Scott “hi vọng những người giàu có không còn nghĩ rằng những lợi ích mà họ nhận được là điều hiển nhiên”. Trong khi đó, Abigail Disney, người thừa kế đế chế giải trí Disney cũng nói rằng bà không chọn trở thành tỷ phú và sẽ thông qua luật cấm máy bay tư nhân trên toàn cầu nếu bà có thể.
Resource Generation – một cộng đồng tập trung những người từ 18 đến 35 tuổi giàu nhất ở Mỹ. Họ thực hiện “cam kết phân phối công bằng của cải, đất đai và quyền lực”. Được thành lập vào những năm 90, tổ chức này có tốc độ phát triển nhanh chóng gần đây. Tính đến cuối năm 2021, số thành viên của Resource Generation tăng hơn 65% so với năm 2019. Năm ngoái, hơn 800 thành viên đã cam kết đóng góp 100 triệu USD cho các phong trào công bằng xã hội. Đối tác tại Anh của tổ chức này có tên Resource Justice, được thành lập vào năm 2018 bởi Leonie Taylor – người có cha kiếm được hàng triệu USD từ dầu mỏ.
“Cảm giác tội lỗi thực sự đến từ việc được hưởng lợi từ những bất công trong hệ thống xã hội. Tôi coi số tiền mình được hưởng là của chung toàn xã hội”, Taylor nói. Anh điều hành một chương trình kéo dài 6 tháng, trong đó người giàu tìm hiểu về sự bất bình đẳng và chia sẻ câu chuyện cá nhân. “Nó giúp thành viên tìm cách hành động, hơn là che giấu và cảm thấy xấu hổ”, Taylor cho biết.
Đối với Curtis và Taylor, cảm giác tội lỗi là một cảm xúc hữu ích thúc đẩy họ cho đi của cải. Nhưng không phải ai cũng hành động theo cách này. Stephen, người được thừa kế 2 triệu USD sau khi ông qua đời một thập kỷ trước cũng cảm thấy “tội lỗi khi chứng kiến những người khác vật lộn để sinh tồn”. Nhưng Stephen cho rằng cảm giác tội lỗi “không nhất thiết khiến tôi phải quyên góp một đống tiền”. Thay vào đó, anh chăm chỉ làm nhiều việc hơn như một cách báo đáp xã hội.
Sau thời gian từ bỏ lối sống thượng lưu, Curtis cho biết: “Tôi yêu cuộc sống hiện tại. Tôi thấy nó giàu ý nghĩa và mục đích hơn. Tôi không mua nhiều thứ. Tôi không đi nghỉ mát xa hoa và cũng không thấy mình muốn nhiều hơn thế. Bản thân tôi và những người đến từ các gia đình giàu có khác, chúng tôi thấy việc nghỉ dưỡng ở khách sạn 5 sao không quyết định bạn có kỳ nghỉ hạnh phúc bên gia đình. Ý nghĩa cuộc sống và cảm giác hạnh phúc của chúng ta đến từ các mối quan hệ và chất lượng của chúng, hơn là chất lượng của những món đồ đắt tiền”.
Sơn Nam (Theo Guardian)