Bắc Ninh-Kinh Bắc là mảnh đất nổi tiếng với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Qua thời gian, các giá trị đó đang tiếp tục được người dân lưu giữ, phát triển. Trong đó, rối nước Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành là loại hình nghệ thuật độc đáo đang được bảo tồn và phát triển.
Đau đáu giữ “lửa nghề”
Rối nước Đồng Ngư là một trong 14 phường rối nước còn hoạt động. Mỗi phường rối có nét đặc trưng riêng không chỉ ở mỗi tích trò mà còn là lối thể hiện.
Giám đốc Khu Bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu Nguyễn Thành Lai là một trong những nghệ nhân rối nước nổi tiếng, dày công lưu giữ và bảo tồn loại hình nghệ thuật này.
[Nhà hát Múa rối Việt Nam nỗ lực đổi mới để thu hút khán giả]
Anh Nguyễn Thành Lai vốn là thợ cơ khí. Từ nhỏ, anh đã có niềm đam mê đặc biệt với rối nước. Bởi vậy, mặc dù không sinh ra trong gia đình biểu diễn rối nước nhưng các buổi biểu diễn rối nước của nghệ nhân rối nước trong làng, anh đều có mặt.
Dần dần, anh thuộc từng tích trò, cách biểu diễn cũng như chế tác con rối và trở thành một trong những thành viên quan trọng trong phường rối nước Đồng Ngư.
Theo anh Nguyễn Thành Lai, bên cạnh cách biểu diễn, các tích trò, các phường rối phân biệt với nhau bằng hình ảnh con rối.
Ví như, rối nước Đồng Ngư ngoài những con rối phổ biến gồm chú tễu, tứ linh, con trâu… còn có những con rối đặc trưng cho văn hóa vùng đất Quan họ như liền anh, liền chị, chiếc thuyền rồng chở liền anh, liền chị, đám cưới chuột… Chính vì vậy, anh rất cẩn thận trong việc chế tác và sáng tạo từng con rối.
Mỗi con rối đều mang câu chuyện khác nhau. Khi chế tác, nghệ nhân phải thật chỉn chu, tỉ mỉ và tâm huyết.
Đến nay, Khu Bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu có hơn 1.000 con rối khác nhau đủ để 3 đoàn đi biểu diễn cùng một lúc.
Chia sẻ về ý tưởng thành lập Khu Bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu, anh Nguyễn Thành Lai cho biết trước đây, rối nước Đồng Ngư rất nổi tiếng trong vùng nhưng các nghệ nhân chủ yếu đi biểu diễn trong làng hoặc những lễ hội quanh đó.
Bởi vậy, năm 2009, anh quyết tâm thuê 5.000m2 đất của địa phương thời hạn 5 năm một lần cùng 1.000m2 đất thổ cư của gia đình, anh thành lập Khu Bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu và lập Phường rối nước Luy Lâu, tập hợp những người đam mê rối nước Đồng Ngư, xây dựng thủy đình là nơi biểu diễn tại chỗ.
Ban đầu, Phường rối nước Luy Lâu có 10 thành viên. Sau hơn 10 năm thành lập, đến nay, phường rối có 30 người tham gia, được chia làm 3 đoàn, hàng năm đi biểu diễn trên 700 ca (mỗi ca múa kéo dài khoảng 45 phút) múa rối nước ở khắp các địa phương trong cả nước.
Là nghệ nhân cao tuổi nhất phường rối nước Luy Lâu, ông Dương Văn Giáo (81 tuổi, quê tại thôn Đồng Ngư, xã Ngũ Thái) cho biết nét độc đáo nhất của rối nước Đồng Ngư là loại hình này có sự kết hợp hài hòa giữa biểu diễn rối nước và hát Quan họ.
Mở đầu buổi biểu diễn là màn chào hỏi của chú “Tễu.” Sau đó là tiết mục hái cau mời trầu thể hiện nét độc đáo của văn hóa Quan họ.
Dưới nước, chú rối trèo, hái cau. Trên bờ, liền chị hát Quan họ và bưng cơi trầu mời khách.
Những làn điệu Quan họ mượt mà đằm thắm cùng lối biểu diễn tự nhiên, dí dỏm của chú rối khiến du khách ai đã một lần xem rối nước Đồng Ngư không khỏi lưu luyến.
Khác với các phường rối khác thường biểu diễn bằng sào, rối nước Đồng Ngư được biểu diễn bằng dây lẫn sào. Vì vậy, con rối có thể đi ra xa buồng trò, biểu diễn được nhiều động tác hơn nên đến gần với khán giả.
Những con rối được chế tác tinh xảo hơn, bộ phận máy phức tạp hơn để di chuyển linh hoạt, mềm mại, thậm chí con rối có thể leo trèo bằng tay và chân.
Cùng với dòng chảy thời gian, sự phát triển của xã hội, nghệ nhân Phường rối nước Luy Lâu ngoài gìn giữ các tích trò cổ còn tiếp tục sáng tạo ra tích trò mới thể hiện nét đẹp của văn hóa Bắc Ninh và sự phát triển của thời đại như, tích trò đám cưới chuột, rước kiệu, đánh đu, giã bạn, Tôn Ngộ Không, chú mèo lười…
Bảo tồn, phát huy giá trị rối nước
Song song với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị rối nước Đồng Ngư, hiện nay, Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu còn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai cho biết anh đã quy hoạch, xây dựng Trung tâm thành nơi hội tụ văn hóa dân gian, làng nghề truyền thống của Bắc Ninh.
Sau khi trải nghiệm tại Trung tâm, em Nguyễn Bích Huệ, đến từ thành phố Hà Nội cho biết, em rất ấn tượng khi được trải nghiệm văn hóa dân gian tại Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu. Ở đây, em được sống trong không gian văn hóa truyền thống.
Đặc biệt, được xem các nghệ nhân biểu diễn rối nước, em càng thêm tự hào về nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Anh Nguyễn Văn Quang (quê tại Hòa Bình) biết đến nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư từ rất lâu. Anh được xem biểu diễn rối nước ở các sự kiện văn hóa, văn nghệ của tỉnh Bắc Ninh, trong các khu du lịch…
Thông qua các tích trò, mỗi lần xem biểu diễn, anh như được sống lại với trò chơi của tuổi thơ. Vì vậy, anh thường xuyên đưa người thân đến với Trung tâm để được xem nghệ nhân biểu diễn.
Anh Nguyễn Văn Quang mong rằng, các nghệ nhân rối nước Đồng Ngư tiếp tục giữ “lửa nghề” để giá trị văn hóa dân gian này mãi trường tồn.
Để đông đảo người biết đến rối nước Đồng Ngư, bên cạnh quảng bá hình ảnh rối nước mỗi dịp đi biểu diễn, các nghệ nhân còn giới thiệu loại hình nghệ thuật này trên các trang mạng xã hội, fanpage, zalo…
Nhiều khi biểu diễn phải ngâm mình trong nước lâu, dưới thời tiết 7-8 độ C nhưng chính những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả là niềm động viên lớn nhất, giúp nghệ nhân có thêm động lực giữ “lửa nghề” và truyền nhiệt huyết cho các thế hệ sau này, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Ảnh cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị múa rối nước làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành” với mục tiêu tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của môn nghệ thuật múa rối nước của làng.
Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2018-2020, tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng. Sau khi có Đề án, chính quyền địa phương đã xây dựng lại các công trình phục vụ biểu diễn rối nước như thủy đình, nhà văn hóa, tài trợ kinh phí để phường rối đầu tư sân khấu, hệ thống âm nhạc, con trò…
Đặc biệt, phường rối đẩy mạnh hoạt động đào tạo, truyền nghề, thu hút các bạn trẻ ở địa phương tham gia.
Thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa rối nước Đồng Ngư, tổ chức biểu diễn, quảng bá rối nước trong tỉnh, tập huấn, đào tạo cho con em địa phương tìm hiểu, thực hành múa rối nước… để đông đảo người dân trong, ngoài tỉnh được thưởng thức các tiết mục rối nước Đồng Ngư./.