Vụ 2 nghệ sĩ Việt Nam bị tố hiếp dâm mới đây gây xôn xao trong dư luận. Tòa án Tây Ban Nha hiện chưa có phán quyết cuối cùng cho vụ việc. Hai nghệ sĩ Việt Nam được tại ngoại, nhưng bị thu giữ hộ chiếu. Đây là chủ đề lúc này được mang ra bàn tán, trao đổi, tranh luận.
Phóng viên Zing có cuộc trao đổi về việc này với tiến sĩ, luật sư Nguyễn Thành Tô.
– Hiện nhiều người trẻ Việt Nam hay thậm chí người lớn tuổi hơn thường nói với nhau rằng: ở phương Tây, người ta dễ dãi trong chuyện tình dục. Với những kinh nghiệm trong nghề, anh thấy quan niệm này chính xác hay chưa?
– Thực tế một điều, nhu cầu tình dục của những người mới lớn hoặc người trưởng thành là rất bình thường. Còn quan niệm phương Tây dễ dãi trong chuyện tình dục là hoàn toàn sai. Sai ở đây là những gì chúng ta thấy chỉ trên phim ảnh, thực tế không như vậy. Chúng ta dễ dàng thấy những bộ phim người ta vào bar hay gặp nhau trong quán ăn lần đầu tiên, mà có thể đưa nhau lên giường.
Ở phương Tây, người ta đề cao sự tự do của con người, sự tự do của bản thân. Họ có quyền quyết định bản thân hôm đó đi với ai hay làm gì, nhưng với điều kiện là họ phải đồng ý chuyện đó.
Giả dụ chúng ta ra nước ngoài gặp một cô gái trong bar, cô gái đó cởi mở, dễ dàng nói chuyện hay mời rượu, thậm chí ngồi sát bên, ôm, cầm tay,… nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể đưa cô ấy lên giường nếu không được sự đồng ý của cô gái đó.
– Vấn nạn xâm hại tình dục không còn quá xa lạ trên báo. Anh có thể giải thích để phân biệt giữa hiếp dâm và xâm hại/tấn công tình dục?
– Hiếp dâm là hành vi mà thủ phạm đã thực hiện giao cấu một cách đúng nghĩa, là khi đã quan hệ tình dục thì đó là hiếp dâm.
Xâm hại tình dục có nhiều hình thức. Xâm hại bằng hành động như va chạm với người khác giới mà họ chưa có được sự đồng ý, không mong muốn hoặc họ bị cưỡng ép. Xâm hại bằng lời nói là chúng ta có những lời nói dâm dục, lời nói quá đáng vượt quá giới hạn của 2 người với nhau, gây nên cho họ những tổn thương về tinh thần.
Như vậy, không phải mỗi hành động mới gọi là xâm hại tình dục, mà những lời nói, ánh mắt, cử chỉ tác động lên người đối diện cũng gọi là xâm hại tình dục.
– Anh thấy thực trạng hiếp dâm hay xâm hại, tấn công tình dục ở châu Á và châu Âu diễn ra như thế nào?
– Thực trạng hiếp dâm thì tôi không nói nhiều tới, cái đó có số liệu thống kê rõ ràng rồi. Còn vấn nạn xâm hại tình dục thì lại đang diễn ra nhiều, đặc biệt tại châu Á. Ngay cả trong công sở hay ngoài đời, không khó để bắt gặp hành động ví dụ như đi ngang qua vỗ mông người phụ nữ, hay nắm tay, đụng chạm vào cơ thể của họ cũng gọi là xâm hại tình dục rồi.
Trong môi trường công sở, người phái yếu sợ sệt không dám nói lên điều này. Có thể họ vì miếng cơm manh áo, sợ mất việc làm hoặc khi lên tiếng nói ra những điều đó, họ không được bảo vệ. Đây là vấn nạn diễn ra từ lâu rồi. Theo thời gian có thể đã tiến bộ hơn, nhưng không phải là không còn hiện hữu. Không chỉ trong môi trường công sở mà ngay tại môi trường học đường, nói chung mọi nơi đều có thể xảy ra.
– Những nạn nhân có cách nhìn nhận, đối mặt với vấn đề thế nào? Giữa người châu Á và người phương Tây có gì khác biệt?
– Tại nhiều nơi ở châu Á, khi một cô gái đi vào bar, mặc đồ sexy nhảy nhót mà chúng ta vô tình hay cố tình đụng chạm, sàm sỡ rồi nói chuyện khiếm nhã, thì được coi là những việc bình thường ở những nơi như vậy.
Tuy nhiên, ở phương Tây, đó là điều nghiêm trọng. Pháp luật của họ quy định chặt chẽ hơn và những người phương Tây biết mình được pháp luật bảo vệ. Nên nếu có ai đó có hành vi xâm hại tình dục, ngay lập tức họ sẽ báo cảnh sát tới và người thực hiện hành vi đó sẽ bị xử tội rất nặng.
Còn tại châu Á, lấy ví dụ như Việt Nam cũng đều có quy định bảo vệ. Tuy nhiên, đa số nạn nhân không biết mình được bảo vệ. Họ thường có suy nghĩ vào bar hay những địa điểm đông người, bị vỗ mông hay sàm sỡ là bình thường, không sao, người kia xin lỗi là có thể bỏ qua hoặc họ cũng không dám nói ra. Nhưng theo tôi, nếu họ biết mình được bảo vệ và làm tới nơi tới chốn, những vụ án như sẽ được nhân rộng. Lúc đó, những kẻ có ý định tấn công tình dục mới biết sợ, biết hậu quả của những hành vi đồi bại đó là gì.
– Hiện có những chế tài pháp luật và giải pháp nào để bảo vệ những người bị xâm hại, thưa anh?
– Nếu ở nước ngoài, những hành vi đó bị xử phạt rất nặng. Pháp luật về bảo vệ trẻ em và phụ nữ tại châu Âu rất nghiêm ngặt. Đây cũng là vấn đề thường xuyên được tranh luận nhiều. Họ có những tổ chức bảo vệ cho trẻ em và phụ nữ rất lớn. Những người họ bị xâm hại dễ có cơ hội để tìm được những tổ chức giúp đỡ mình, bởi những tổ chức đó có nhiều. Đó là những tổ chức phi chính phủ, không vụ lợi, thường xuyên giúp đỡ nạn nhân gặp những vấn nạn đó. Điều quan trọng là nạn nhân dám nói ra, vì họ biết những tổ chức đó có thể giúp đỡ mình.
Còn tại châu Á, những tổ chức như thế cũng có, nhưng rất nhỏ lẻ và cũng thường trực thuộc, dưới sự quản lý của cơ quan nào đó, nên họ không có tiếng nói độc lập. Điều này đồng nghĩa với việc những tổ chức này không thể có tiếng nói lớn mạnh bằng những cơ quan độc lập, phi chính phủ.
– Anh có nghĩ sự ngại ngùng, xấu hổ với xã hội khi bản thân mình bị xâm hại tình dục có phải nguyên nhân khiến nạn nhân không dám nói ra không?
– Chính xác, những nạn nhân thường xấu hổ, ngại ngùng khi nói ra mình bị xâm hại tình dục. Nhiều khi những nạn nhân đó còn bị dè bỉu, hoặc người ngoài sẽ có ánh nhìn không tốt về họ.
Tại châu Á, đa số là do tính cách dễ bỏ qua, chỉ cần bên kia xin lỗi và đền bù thiệt hại là có thể bỏ qua rồi. Họ muốn giải quyết sự việc êm ấm, dĩ hòa vi quý như ở Việt Nam hay nói “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Họ luôn nghĩ lúc nào cũng phải thỏa hiệp, và nhiều lúc thỏa hiệp với cái xấu luôn. Lúc đó, ai có thể đứng ra bảo vệ trong khi các nạn nhân còn không nói ra vấn đề của mình.
– Hệ quả về lâu dài nếu tiếp diễn là như nào, thưa anh?
– Theo thời gian, những người xấu họ chỉ cần dùng tiền hay những thứ khác thỏa hiệp để giải quyết là xong. Còn những nạn nhân theo thời gian, tâm lý của họ ảnh hưởng rất nặng. Tâm lý của họ luôn trong trạng thái sợ sệt, không giống như những bình thường.
Càng về lâu dài càng phát sinh thêm nhiều vấn đề trong xã hội. Thực ra, những vấn đề này dễ để thấy được, nhưng không dễ giải quyết được. Các nhà chính sách xã hội, những nhà xã hội học phải nhìn thấy được vấn đề và đề xuất làm sao cho những hội phụ nữ hay trẻ em được lớn mạnh lên để bảo vệ được các nạn nhân về xâm hại tình dục.
– Liên hệ vụ việc liên quan 2 nghệ sĩ Việt Nam lần này, theo anh sự thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn tới những hành vi sai trái không?
– Cái đó rất chính xác. Thực ra pháp luật được đề ra không phải để bắt hay xử phạt người này người kia mà để răn đe giáo dục, tránh cho con người thực hiện những hành vi sai trái. Chúng ta hay hiểu sai pháp luật là cán cân công lý để xử phạt người ta.
Đó là lý do tại sao tại một số nước châu Á, những hành vi xâm hại rất nhiều, nhưng tỷ lệ người bị xử phạt lại không nhiều. Tới khi ra nước ngoài, người ta cảm thấy những chuyện này bình thường, họ không nghĩ nó lại nghiêm trọng tới mức như thế.
Ví dụ cụ thể, tại châu Âu, họ cho phép múa khỏa thân, thoát y trong những quán bar, club. Khi những người tới uống bia, chơi tại đó, chỉ được nhìn chứ không được đụng chạm tới bất kỳ thân thể của người múa thoát y, nếu không chấp hành chắc chắn sẽ bị xử phạt.
Không giống như người châu Á hay nghĩ tôi có tiền vào đó, đụng chạm cái đâu có mất mát hay chết chóc ai. Nhưng đó là ý thức công cộng, cần đọc nội quy trước khi tới đó. Ngay cả ra đường, khi sử dụng những dịch vụ công cộng như xe bus mà mình vô tình chạm vào người đó, đã cảm thấy có lỗi chứ chưa kể tới ở đây là cố ý.
– Ở Tây Ban Nha, 4.000 người sập bẫy tống tiền tình dục. Liên quan tới vụ việc của 2 nghệ sĩ Việt Nam, anh có nhận định như thế nào?
– Thực tế việc dàn cảnh hại người khác là có xảy ra ở một số đất nước như Tây Ban Nha. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây vẫn là tư cách đạo đức.
Để giảm thiểu rơi vào tình thế như vậy, bản thân chúng ta phải biết nên làm gì? Ví dụ như ở Việt Nam, vấn đề mua bán dâm là chưa hợp pháp, nhưng ở nước ngoài một số nơi là hợp pháp. Ở đây, không phải tôi khuyến khích việc này, nhưng nếu muốn trải nghiệm, chúng ta phải nghiên cứu nơi nào là hợp pháp. Đó là thực tế để bảo vệ bản thân mình, bởi những nơi hợp pháp sẽ không thể xảy ra các vấn đề tệ nạn được.
– Những bài học và giải pháp có thể rút ra là gì sau vụ việc, thưa anh?
– Ở đây chúng ta phải nhìn nhận theo 2 trường hợp.
Giả định thứ nhất, nếu 2 người nghệ sĩ kia phạm tội thật chứ không phải nạn nhân của lừa đảo nào, bài học rút ra là ngay cả trong nước hay ra nước ngoài, chúng ta phải tự biết giới hạn cho bản thân mình. Xâm hại tình dục tới phụ nữ, trẻ em hay vị thành niên là không nên mắc vào những chuyện đó dù pháp luật nước đó có quy định xử phạt nặng hay nhẹ.
Giả định thứ hai, nếu 2 người đó thực sự bị lừa, bài học ở đây là khi tới nước nào, nên tìm hiểu về những chính sách của nước đó, nơi nào hợp pháp chuyện tình dục, nơi nào không. Những điều đó giờ quá dễ dàng, lên mạng tìm hiểu chắc chắn sẽ có.
Mở rộng ra với xã hội, chúng ta chưa cần biết chính xác họ là ai, có phạm tội hay không, ngay cả khi phạm tội thì họ đã có pháp luật trừng phạt. Chúng ta có quyền yêu ghét, nhưng không thể mạt sát, kỳ thị quá mức như vậy.
Sự việc này rồi sẽ chìm xuống rồi có thể có những vụ khác nổi lên, nhưng chúng ta đã bao giờ nghiêm túc nhìn nhận vấn đề xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em. Nếu nhìn nhận đúng cách, chúng ta sẽ có cách giáo dục làm sao để bảo vệ quyền lợi của mình trước những tình huống bị xâm hại.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi
Truyền thông trong nước và quốc tế xôn xao vụ việc 2 nghệ sĩ người Việt Nam bao gồm một diễn viên và một nhạc sĩ bị cáo buộc hành vi hiếp dâm cô gái người Anh.
Cô gái 17 tuổi này nói với cơ quan chức năng rằng 2 người đàn ông (một người 37 tuổi, một người 42 tuổi) đã tấn công tình dục mình tại khách sạn ở Andratx, phía tây nam của hòn đảo Majorca sau khi họ gặp gỡ và vui vẻ tại nhà hàng gần đó. Hai nhân vật này được cho là diễn viên và nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam.
Cô cho biết thêm 2 người này sau khi thực hiện hành vi hiếp dâm, bắt cô đi tắm để xóa đi những bằng chứng có thể buộc tội họ.
Hai nghệ sĩ bị bắt vào hôm thứ 7 tuần trước, hiện được tại ngoại nhưng bị cấm rời khỏi Tây Ban Nha trong khi cuộc điều tra tiếp tục được tiến hành.