1. Lựa chọn thời điểm để nói chuyện
Mọi người thường lựa chọn thời điểm để trò chuyện với con là vào bữa cơm tối hoặc trước khi đi ngủ. Song, theo Tiến sĩ Huebner – một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên điều trị cho trẻ em, đồng thời là tác giả của cuốn sách nổi tiếng What to Do When You Worry Too Much : A Kid’s Guide to Overcoming Anxiety (Tạm dịch: Phải làm gì khi con lo lắng quá nhiều: Hướng dẫn dành cho trẻ em để vượt qua sự lo lắng) đây đều là 2 thời điểm không thích hợp cho cuộc trò chuyện. Vì thứ nhất cả cha mẹ – con cái đều kiệt sức sau 1 ngày dài học tập và làm việc. Thứ hai, có những chuyện con muốn giữ làm bí mật cho mình và chưa sẵn sàng chia sẻ cùng bố mẹ ngay trong ngày.
Buổi sáng cuối tuần chính là thời điểm thích hợp nhất để cả nhà trò chuyện cùng nhau. Bạn sẽ không phải cau có hối giục con đi học cho kịp giờ, hay bản thân tất bật chuẩn bị đi làm.
“Bạn nên biết rằng ngay cả khi trẻ đang ở trong tâm trạng hưng phấn tuyệt vời thì não bộ sau 1 ngày học tập vẫn không thể tiếp nhận thông tin. Do đó, bất kỳ cuộc trò chuyện nào sau 1 ngày dài căng thẳng cũng khiến trẻ trở nên không thoải mái và bị mất ngủ”, bà nói.
2. Nói chuyện một cách hài hước
Nếu không phải bố mẹ, ai sẽ dạy con trẻ dùng sự hài hước để vượt qua những khoảnh khắc khó khăn trong đời? Nó cũng mang lại bầu không khí vui vẻ cho gia đình.
Để có tiếng nói chung với trẻ, bạn nên thể hiện khả năng diễn xuất, tưởng tượng và dạy con làm điều tương tự. Nhưng bạn nên giữ mọi thứ chừng mực vì trẻ thường phản ứng mạnh trước các lời châm biếm và sự đùa cợt thô bạo.
3. Tránh công kích cá nhân khi nói chuyện
Khi nói chuyện với con, cha mẹ cần đưa ra những lời khuyên mang tính chất xây dựng, tránh công kích cá nhân hoặc xúc phạm trẻ như “con thật lười biếng”, “con thật kém cỏi”…
Những lời công kích có thể gây tổn thương và phá hủy lòng tự trọng của trẻ. Thậm chí, lời nói của cha mẹ có thể khiến đứa trẻ ám ảnh suốt đời. Thay vì chỉ trích con, cha mẹ có thể bày tỏ ý kiến bằng cách hỏi han và thể hiện sự quan tâm con.
Ví dụ: “Hôm nay con có vẻ mệt, có phải con đang lo lắng chuyện gì không?”, “Dạo này con làm bài thi không tốt lắm, bố mẹ có thể giúp gì cho con không?”.
Nguyên tắc là cha mẹ cần tập trung hỏi nguyên nhân và tránh đưa ra những lời bình luận mang tính công kích. Điều này sẽ giúp trẻ mở lời và cảm thấy thoải mái hơn khi tâm sự.
4. Nói những câu ngắn gọn, dễ hiểu
Nhà trị liệu tâm lý gia đình, bà Paige Greytok, cho biết những khái niệm phức tạp như chuyển nhà, ly hôn hay cái chết rất khó hiểu đối với trẻ em.
Và nếu bạn “nhấn chìm” trẻ trong những thông tin phức tạp, con có thể bị choáng ngợp và ngừng hiểu. Thay vào đó, cha mẹ nên sử dụng những câu ngắn gọn, nội dung đơn giản phù hợp với lứa tuổi của con.
5. Đồng cảm với con
Khi con cái tâm sự những vấn đề chúng gặp phải, phụ huynh thường cảm thấy tiếc và ngay lập tức dạy con làm thế nào cho đúng. Câu cửa miệng “bố/mẹ đã bảo con rồi” thực sự tổn thương trẻ rất nhiều.
Vì thế, người lớn nên lưu tâm, tránh để con cảm thấy bạn xem nhẹ cảm xúc của chúng. Thay vào đó, bạn nên đồng cảm, để con hiểu rằng cảm xúc của bé rất quan trọng và hai bên sẽ thảo luận vấn đề khi con bình tâm trở lại.
6. Không tỏ thái độ coi thường
Nhiều cha mẹ có tâm lý mình là bề trên, có quyền coi thường, bác bỏ lời con nói. Trong vài trường hợp, cha mẹ “cạnh tranh” với con để thể hiện quyền lực của mình.
Cách thể hiện thái độ này sẽ khiến con bạn cho rằng các em không được cha mẹ coi trọng, lời nói của các em không mang giá trị trong gia đình. Khi nói chuyện cùng con, cha mẹ cần đặt mình ngang hàng với con như một người bạn.
Qua đó, trẻ sẽ dễ tiếp nhận và có cái nhìn khác về những cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái.
7. Ghi nhận cảm xúc của con
Dạy con gọi đúng tên của cảm xúc là cách giúp trẻ chuyển tâm trạng của mình thành lời nói. Ví dụ, khi đang nói về câu chuyện nào đó, cha mẹ có thể dừng lại và hỏi trẻ: “Nghe như vậy, con có buồn không” hoặc “Con có sợ không?”.
Tiến sĩ Huebner khuyên các cha mẹ đừng bao giờ gạt bỏ cảm xúc của con: “Bạn có thể giảm thiểu nỗi sợ hãi lo lắng của con bằng câu “Đừng sợ”, “Đừng lo”, nhưng bạn hãy nhớ rằng, bất cứ điều gì con đang cảm thấy đều là thật và có giá trị. Trẻ em cần phải “cảm thấy” trước khi có thể chuyển qua việc xử lý cảm xúc và giải quyết vấn đề”.
8. Tập trung lắng nghe
Một nguyên tắc quan trọng khi nói chuyện với con là tập trung lắng nghe. Bạn cần nhìn thẳng vào mắt con khi nói chuyện, tránh làm việc riêng như dùng điện thoại, xem tivi hoặc đọc sách.
Nếu trẻ nói chuyện nhưng bạn không tập trung lắng nghe, các em sẽ cảm thấy lời nói của bản thân không có trọng lượng và cha mẹ không quan tâm cuộc trò chuyện này.
9. Cho phép trẻ bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân
Một số cha mẹ cảm thấy khó khăn khi để con bày tỏ ý kiến cá nhân. Lý do là họ cảm thấy điều này đang hạ thấp quyền lực của người làm cha mẹ, hoặc họ sợ trẻ nghĩ rằng cha mẹ đang nhượng bộ con cái.
Tuy nhiên, nguyên tắc để xây dựng một cuộc trò chuyện bình đẳng là cả hai bên đều được bày tỏ quan điểm cá nhân. Bạn cần lắng nghe và cho phép trẻ nói nhiều hơn.
Nếu trẻ đưa ra quan điểm chưa tốt, cha mẹ có thể phân tích cái đúng, cái sai để trẻ hiểu và rút kinh nghiệm. Những đứa trẻ biết thảo luận sẽ học được cách suy nghĩ trước khi nói, đồng thời xây dựng kỹ năng đưa ra quyết định và quản lý cảm xúc.