Mây lớn lên ở nông thôn, tuy là con gái nhưng rất ham chơi, hoạt bát, nghịch ngợm như con trai và thường xuyên gây rắc rối. Vì bố mẹ bận việc đồng áng nên Mây đã học làm việc nhà và nấu ăn từ khi còn rất nhỏ.
Mây có tính cách thẳng thắn và chăm chỉ. Sau khi trượt đại học, cô rất thất vọng bởi từ lâu bố mẹ luôn coi đó là lối thoát duy nhất cho Mây đổi đời. Gia đình không khá giả, nên sau đó Mây phải tìm đến một xưởng may ở quê để làm việc.
Là người mạnh mẽ giàu nghị lực, Mây không chọn cúi đầu trước số phận. Vốn nấu ăn ngon lại ham thích nấu ăn từ nhỏ, ở tuổi 23, cô lấy hết can đảm bắt đầu kinh doanh riêng, mở một nhà hàng nhỏ trong thị trấn.
Công việc lúc đầu không tốt, Mây có lúc nản chí. Thế rồi Quân xuất hiện, anh thường đến ăn tối, giữa hai người nhanh chóng nảy sinh tình cảm.
Quân chỉ là một nhân viên bình thường của một công ty địa phương. Tuy thu nhập không cao nhưng anh ấy thật thà, chịu thương chịu khó. Sau khi hai người yêu nhau, Quân thường đến cửa hàng để giúp đỡ. Sau hơn một năm qua lại, cả hai đã nói với bố mẹ về mối quan hệ của mình và sẵn sàng làm đám cưới.
Bố mẹ Mây không ý kiến gì, cũng không có yêu cầu gì đối với con rể tương lai, miễn là cậu ấy tốt. Nhưng mẹ của Quân có chút không hài lòng. Đầu tiên là bà chê Mây học vấn thấp, tiếp đến là bà thấy mở một nhà hàng nhỏ không có tương lai. Nhưng trước sự quyết tâm của đôi trẻ, cuối cùng họ vẫn kết hôn.
Sau khi kết hôn, cuộc sống của Mây không thoải mái. Vì không mua được nhà nên Mây sống với bố mẹ chồng và em chồng. Mẹ chồng không muốn gặp cô chút nào. Mỗi lần làm đồ ăn khuya, bà chỉ mang cho con gái, không bao giờ cho con dâu.
Điều khiến Mây buồn hơn cả là dù có mệt đến đâu, cô cũng sẽ được mẹ chồng sắp xếp việc nhà cho mà làm. Dù trên danh nghĩa, cô muốn coi mình như con gái trong nhà chồng nhưng mẹ chồng lại đối xử với cô và em chồng hoàn toàn khác biệt, một bên thì hết mực cưng chiều, một bên lại xét nét và dồn cho đủ thứ việc. Những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống khiến Mây cảm thấy mình không còn muốn gần nhà chồng nữa.
Năm thứ hai sau khi kết hôn, Mây thay đổi mô hình kinh doanh. Cô học hỏi phương thức kinh doanh của người anh họ ở một thành phố lớn. Cô chủ yếu kinh doanh cá hồi vào mùa hè, súp cừu vào mùa đông và nhà hàng thì thường chỉ bán bữa tối. Sự thay đổi đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Mây chỉ trong một quý. Sau đó, cô mở rộng quy mô, công việc kinh doanh đột nhiên có bước ngoặt.
Lúc này nhà hàng của Mây đã hoạt động rất tốt, có những tháng thu lời đến hàng trăm triệu đồng. Nhìn việc kinh doanh của Mây trôi chảy, lợi nhuận chảy vào ầm ầm, cả nhà ai cũng mừng, kể cả mẹ chồng. Mây cũng không quan tâm đến những chuyện vặt vãnh trước đây, cô không tiếc tiền chu cấp cho nhà chồng, mua cho nhà chồng nhiều đồ tốt, thức ăn ngon, quần áo cao cấp.
Chỉ không ngờ rằng, lòng tốt của Mây lại khiến mẹ chồng thêm tham lam. Bà càng ngày càng hay chủ động bảo con dâu lo tiền thay cái này sửa cái kia trong nhà. Lần gần nhất, bà gọi hai vợ chồng vào bảo đời này bà cái gì cũng mãn nguyện rồi, chỉ có một việc chưa làm được là mua nhà cho con gái, cho nó phòng thân lúc đã đi lấy chồng.
Rồi bà bảo Mây: “Bố mẹ già rồi không lo được, các con là anh là chị thì đứng ra mua cho em cái nhà, không cần nhà to, chỉ cần cái hơn 2 tỷ. Bấy nay con kiếm được rất nhiều tiền, lo cho em cũng là trách nhiệm và việc trong tầm tay…”.
Mây nghe xong mà không tin nổi vào tai mình. Cô không nghĩ được rằng một yêu cầu như thế mà mẹ chồng cũng có thể mở lời ra nói với mình được.
Về năng lực tài chính, cô có thể mua nhà ở mức đó rồi nhưng còn chưa nghĩ đến chuyện mua cho riêng mình vì chồng vẫn canh cánh chuyện muốn ở cùng phụng dưỡng bố mẹ khi em gái đi lấy chồng.
Cô cũng không phải người keo kiệt bủn xỉn nhưng vẫn thấy rằng yêu cầu của mẹ chồng quá vô lý. Dù là ruột thịt máu mủ nhà chồng thì mua nhà cho em chồng sao có thể là trách nhiệm của cô. Ấy là chưa kể, khi cô chưa có gì trong tay, mẹ chồng khinh ra mặt, chê con dâu học vấn thấp, chưa một ngày cho thấy được rằng bà lo lắng cho con dâu dù ở bất cứ chuyện gì.
Mây không ngần ngại đáp lời: “Yêu cầu này của mẹ, con xin phép được từ chối. Con yêu chồng, theo chồng nên chăm lo cho cả những người thân của anh ấy vì tấm lòng, chưa từng nghĩ là vì trách nhiệm. Việc mua nhà cho cô út, càng không phải trách nhiệm của con”. Nói rồi Mây lặng lẽ rút ra ngoài. Chồng Mây hiểu tính thẳng thắn của vợ nên cũng không nói thêm lời nào nữa.
Trong cuộc sống, có rất nhiều mối quan hệ cá nhân – tình bạn, tình thân – có thể mang lại cho chúng ta nhiều năng lượng tích cực, miễn là nó phải xuất phát từ sự chân thành. Những người dùng lợi ích để xác định thái độ hòa hợp trong các mối quan hệ thường không thể có được tình cảm đích thực, cũng như không có được sự tôn trọng của đối phương.
Nếu thái độ sống của bạn là coi trọng tiền bạc, cảm thấy đối phương có thu nhập thấp, không thể mang lại lợi ích cho mình thì xa lánh khinh bỉ, cảm thấy đối phương thu nhập cao và có thể mang lại lợi ích cho mình thì quay ra xu nịnh – những người như vậy không chỉ gặp vấn đề với giá trị của họ mà còn bị người khác chán ghét.
Nhiều vấn đề trong cuộc sống sẽ giải quyết bằng tiền, nhưng chúng ta không thể dùng tiền để đo lường một con người, cũng như không thể dùng tiền để ràng buộc tình cảm xung quanh.
Trong mọi mối quan hệ, điều quan trọng nhất là thể hiện sự chân thành, nếu không mối quan hệ sẽ thật mong manh và không thể vượt qua thử thách.