Sự hời hợt của người chồng sau 17 năm hôn nhân và câu chuyện về những bà vợ chịu đựng “cuộc hôn nhân cơm nguội”

Xem bài viết

01

Chị Hoài Thu, 42 tuổi, công việc ổn định theo kiểu tháng 20 triệu, về nhà là dứt việc và xắn tay vào cắm cơm, bơm nước lo toan cho gia đình. Sáng chị nấu cơm cho 2 vợ chồng mang đi làm. Chiều về vội vã lo chuẩn bị cơm tối, quát tháo lũ con tắm rửa và ngồi vào bàn học.

Chồng chị về đến nhà thường coi như việc nhà không liên quan đến bản thân mình. Nhưng tổng thể vẫn là hiền lành, ngoan ngoãn, không tệ nạn, mẹ chị bảo “con còn mong gì hơn”.

Sự hời hợt của người chồng sau 17 năm hôn nhân và câu chuyện về những bà vợ chịu đựng

Ai cũng nói chị sướng khi có căn nhà 4 tầng khang trang, có công việc ổn định và những đứa con sáng sủa. Chị cũng tự thấy mình may mắn. Vì cái tiếng người ta nói rằng chị đảm đang, hạnh phúc nên chị cũng cố gắng để xứng đáng danh hiệu đó. Việc giỗ Tết, lễ lạt chị luôn lo chu toàn vì ai cũng tín nhiệm giao cho chị.

Vì vậy, nhiều lúc chị cảm thấy mệt nhoài. Vì sự đảm đang của mình nên việc gì cũng vào tay chị. Vì gia đình hạnh phúc như cách người ta nghĩ nên lắm lúc chị tức chồng cũng không dám nâng tông giọng. Ừ thì bình yên đấy, ổn định đấy, nhưng có lúc tự hỏi mình có vui không, chị đã biết ngay câu trả lời.

02

Chị không vui vì cuộc sống cuốn chị trôi đi nhanh quá đến mức không có 1 khoảng thời gian nào cho riêng mình. Đã 17 năm hôn nhân trôi qua, thành quả không tồi, nhưng tiếng cười thì không nhiều.

Chị không vui vì chồng tuy ngoan ngoãn theo cách đánh giá của số đông, nhưng anh chưa bao giờ để ý đến cảm xúc của chị. Một câu nói âu yếm tình cảm chị lại càng không nhận được. Thậm chí, thấy con cái nheo nhóc là chồng chị dường như không chịu được và chọn cách trốn ra ngoài.

Người đàn ông xưa kia nói rằng: “Anh muốn chúng ta sau này sẽ sinh hẳn 1 đội bóng” giờ đang trốn tránh đội tuyển khi chỉ có 2 cầu thủ. Đấy là còn chưa nói đã lâu rồi 2 vợ chồng không hề đi ra ngoài, tới 1 nơi mà chỉ có 2 người, lời âu yếm, sự lãng mạn càng không.

Chị không vui vì những lễ nghĩa giỗ chạp sao nhiều thế, khiến chị đi chưa qua lễ hội này đã bước chân vào lễ hội khác.

Chị không vui vì đã lâu chị chưa có lúc nào đọc 1 cuốn sách mới, xem 1 bộ phim trọn vẹn hay được học một khóa học vẽ như đam mê từ thuở thiếu thời của chị.

Sự hời hợt của người chồng sau 17 năm hôn nhân và câu chuyện về những bà vợ chịu đựng

Bình yên và nhàm chán sao nhiều lúc có màu giống nhau, chị đã từng nghĩ như thế.

Bạn bè xung quanh chị nhiều người bỏ chồng. Bạn bè xung quanh chị nhiều người thậm chí khánh kiệt về tài sản. Bạn bè xung quanh chị nhiều người đường đời nhiều gian nan. Nhưng sao họ dường như lại cười nhiều hơn chị?

Bạn A sau khi bỏ chồng, vượt qua 1 quãng thời gian như trầm cảm, bạn đã trở lại là con người khi xưa bạn đã là chính mình nhiều nhất. Bạn B bao nhiêu biến cố xảy đến khiến vết chân chim trên khóe mắt đã hằn rõ nhưng đủ bản lĩnh nghị lực kiên cường mà khuyên chị: “Nếu không biết yêu bản thân mình thì sẽ chẳng yêu được ai hết. Đừng để sự bình thường giống như bình yên đánh lừa rằng mình đang hạnh phúc. Hãy nhìn sâu vào trong trái tim của mình xem bạn đang muốn thứ gì?”.

03

Bình yên thực ra không phải là 1 mái nhà đủ vợ đủ chồng đủ con mà ai cũng tã tời theo một cách giấu kín, đó có lẽ chỉ là “hôn nhân hạt cơm nguội” thôi. Con chị thực ra không hạnh phúc vì bố mẹ chúng không thực hạnh phúc, chính chúng cũng chưa thực có những niềm vui bé mọn của những nụ cười rạng rỡ từ 1 ông bố điên rồ và 1 bà mẹ không hoàn hảo.

Sự chỉn chu của 1 người đàn ông biết kiếm tiền, nhưng không biết kiếm hạnh phúc cho ai đó hay một bà mẹ đảm đang ai cũng khen và 1 cuộc sống gia đình đầy đủ nhưng ít tiếng cười và thiếu chất lượng khiến cho những đứa con chị cũng sống nhạt nhạt như cách bố mẹ chúng đang thể hiện.

Cuối ngày đặt lưng xuống chiếc giường không nhiều lo toan đầy ắp, nhưng cũng không hề có hạnh phúc thực sự. Chị nhận ra mình đã lâu quên mất cả bạn bè, cả gia đình lớn, quên luôn cả sự chăm sóc cha mẹ già vì bận bịu lo toan cho bữa ăn gia đình nhỏ.

Ai đó đã nói rằng sai lầm của nhiều phụ nữ là sau khi có gia đình là quên hết quá khứ, quên luôn cả hy vọng và giấc mơ để cắm đầu cắm cổ làm vợ đảm, mẹ đảm. Thứ danh nghĩa mà cuộc đời khoác lên vai đã vùi dập những khát khao của không ít người phụ nữ để họ bỏ quên mất giấc mơ đời mình.

Họ cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống và tất tả “hưởng” sự bận rộn đó và gọi nó là bình yên. Đến lúc trung niên mới giật mình nhìn lại thấy đầu 2 thứ tóc và quên cả những nụ cười tươi trẻ mình đáng ra có thể được hưởng nếu chỉ cần biết… nhìn lại.

Sự hời hợt của người chồng sau 17 năm hôn nhân và câu chuyện về những bà vợ chịu đựng

Phụ nữ không có nghĩa vụ đảm đang vì 1 lời tâng bốc hay ngợi khen nào cả. Gia đình là số 1 nhưng gia đình phải là nơi nương tựa cho tất cả các thành viên, không phải chỉ 1 mình phụ nữ gồng lên làm mái nhà và chỗ bình yên cho người khác rồi còng lưng vì thấy rằng nếu chống đỡ 1 mình phụ nữ đã quên hết tuổi trẻ, quên cả việc mình đã là một người của những hoài bão biết đi tới tận cùng cho những đam mê.

Không loại trừ có những người phụ nữ lấy sự bình yên của việc chăm sóc chồng con làm hạnh phúc và họ đạt được sự hạnh phúc ấy. Nhưng hãy nhìn lại đi có khi nào họ nhìn những người mẹ đơn thân, những cô gái còn son mà giấu đi giọt nước mắt. Thứ người khác gọi là hạnh phúc, còn người trong cuộc thì thấy rằng ai cũng chỉ có 1 cuộc đời để sống nhưng dường như mình đã phung phí nó bằng sự bị động của việc giữ cái mác đảm đang hay 1 gia đình bình yên.

Ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa ư, còn những trái tim người phụ nữ bên trong đó thì sao?

Theo Trí Thức Trẻ