Người xe ôm mất tích
Đó là chiều muộn 29/12/2005, gió đầu Đông rít qua từng con phố vắng, lạnh cóng tay chân. Thường ngày, cứ sẩm tối là anh Lê Xuân P (trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Tây cũ) đã về tới căn nhà trọ gần sân vận động Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội). Thế nhưng hôm nay, dù đêm đã khuya, ngoài trời sương muối bao phủ mờ ảo mà bóng dáng anh P vẫn “bặt vô âm tín”.
Vốn là người cùng quê, cùng hành nghề xe ôm hay bắt khách tại cổng Trường ĐH Giao thông vận tải (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nên anh Khánh rất hiểu thói quen của bạn. Việc anh P về muộn khiến Khánh lo lắng. Bất chợt, anh Khánh nhớ tới câu chuyện P kể về vị khách trả thiếu nợ 10 nghìn đồng từ chuyến xe hôm trước (tức ngày 28/12/2005).
Số là tối 28/12, anh P về nhà trọ than thở bị một vị khách nợ mất 10 nghìn đồng. Theo thỏa thuận, người khách ấy thuê anh P đưa về Hưng Yên với giá 160 nghìn nhưng khi tới nơi, người này chỉ đưa được 150 nghìn đồng, xin khất 10 nghìn. Để làm tin, vị khách ấy có đưa cho anh P một lá đơn xin việc, có đính bức ảnh thẻ.
Anh Khánh nhìn lướt qua tờ đơn nhàu nhĩ ấy, điều đầu tiên đập vào mắt là vẻ mặt lạnh lẽo, cô hồn trên bức ảnh cận mặt của gã khách hàng trẻ. Bất giác, có cảm giác lo lắng nên anh Khánh nói anh P đừng tiếc 10 nghìn nữa, sau nếu “thằng này” đến cũng không chở. Anh P chẳng nói gì, đi về giường nghỉ ngơi.
Câu chuyện đó không thôi ám ảnh anh Khánh. Đến chiều tối 29/12, gã thanh niên với đôi mắt lạnh lẽo ấy lại tới tìm anh P. Lần này hắn đặt vấn đề thuê anh P đưa đi công việc. Anh P nhận lời.
Đêm ấy, thấy bạn mình chưa về, trong lòng Khánh không khỏi lo lắng, có cảm giác “gờn gợn” nôn nao. Anh Khánh hết nằm, lại trở dậy đi ra ngoài cửa, hướng ánh mắt về phía con ngõ vắng vẻ. Thỉnh thoảng phía con đường đó có vài ánh đèn xe máy lướt qua, thế nhưng họ đi thẳng, không rẽ vào khu trọ.
Anh Khánh không ngủ an giấc, chập chờn cho tới sáng với nỗi hoài nghi về điều chẳng lành xảy ra cho anh P.
Hai gã trai lạ
Sáng hôm sau, Khánh gọi thêm người bạn cũng hành nghề xe ôm và nói ra nỗi lo lắng của mình. Vào tối 28/12, khi nhìn tờ đơn xin việc mà gã khách trẻ gửi cho anh P để “làm tin”, Khánh có nhớ mang máng gã đó tên Trương hay Trường gì đó, nhà ở Kim Động, Hưng Yên.
Chỉ có ngần ấy thông tin, nhưng anh Khánh và người bạn kia vẫn quyết tâm tìm về Hưng Yên để dò la tin tức anh P.
Cả hai đến Kim Động, mất nhiều giờ đồng hồ hỏi han nhưng chẳng thu được kết quả. Nỗi sợ hãi, vô vọng hiện lên khuôn mặt hai người.
Trở về Hà Nội, anh Khánh vẫn thấp thỏm. Chiều cùng ngày, đi qua một quán cơm ở phố Nguyễn Khánh Toàn, anh Khánh sững người lại khi nhìn thấy chiếc xe máy của anh P đỗ ngoài cửa. Chỉ trong tích tắc, cả “đội” xe ôm quen đã tụ tập đầy đủ trước quán cơm.
Khi hai gã thanh niên trẻ, lạ mặt bước ra, định lên xe máy để đi thì anh Khánh và nhóm bạn lao vào tấn công, đè nghiến chúng xuống đất. Thấy lộn xộn, người dân báo cho công an, chỉ ít lâu sau lực lượng cảnh sát 113 Công an quận Cầu Giấy xuất hiện, đưa tất cả về trụ sở để làm rõ. Tại đây, anh Khánh đã trình báo toàn bộ sự việc với cơ quan điều tra.
Hai người thanh niên sử dụng xe máy của anh P được xác định là Vũ Huy Trưởng và Vũ Hồng Thanh (đều trú tại Song Mai, Kim Động, Hưng Yên). Anh Khánh nhận ra, Trưởng chính là người khách nợ 10 nghìn đồng anh P vào tối 28/12 sau đó tiếp tục thuê anh P chở đi công việc vào tối 29/12. Sau chuyến đi hôm ấy, anh P đã biến mất không dấu vết.
Trước trình báo của anh Khánh, bằng con mắt nghiệp vụ, các điều tra viên Công an quận Cầu Giấy đánh giá việc anh P mất tích ẩn chứa nhiều dấu hiệu bất thường, hai gã thanh niên kia chắc chắn có liên quan.
Sau nhiều giờ đấu tranh, cuối cùng đối tượng Trưởng thừa nhận đã sát hại anh P nhằm cướp tài sản.
Căn nhà hoang
Trưởng khai, tối 29/12 gã tìm anh P thuê chở về Hưng Yên, vốn từng đi một lần nên anh P chẳng nghĩ nghi ngờ, lập tức đồng ý.
Hai người về tới khu vực đường vắng thuộc thôn Phượng Hoàng (Hùng Cường, Kim Động, Hưng Yên) thì Trưởng bất ngờ rút con dao mang theo đâm thẳng vào gáy anh P.
Bị tấn công, anh P quay lại chống cự, giằng co với Trưởng. Tuy nhiên do mất nhiều máu, anh P yếu dần rồi tử vong sau đó.
Thấy anh P đã chết, Trưởng lục lọi lấy tiền, giấy tờ rồi đẩy thi thể nạn nhân xuống mương nước cạnh đường. Để che giấu, Trưởng đi xe máy về làng gọi thêm hai người bạn là Vũ Hồng Thanh, Vũ Văn Sỹ giúp sức chôn xác.
Thanh, Sỹ nghe xong thì “hăm hở” đồng ý, một gã cầm theo xẻng, gã khác đi lấy chiếc hòm rồi cùng ra hiện trường.
Trong đêm tối, nhóm thanh niên này cho thi thể anh P vào hòm rồi kéo về ngôi nhà bỏ hoang và đào đất chôn.
Ngày hôm sau, Trưởng, Thanh đi xe máy của anh P lên Hà Nội tìm cách tiêu thụ, khi ngồi ăn cơm bụi thì bị phát hiện, bắt giữ.
Dù đã khai nhận hành vi phạm tội, thế nhưng Trưởng, Thanh cương quyết không chỉ chỗ chôn xác anh P. Thời điểm này, một tổ công tác của Công an quận Cầu Giấy đã có mặt ở Kim Động, chỉ ít giờ sau, đối tượng Vũ Văn Sỹ đã bị bắt giữ.
Ban đầu, Sỹ khăng khăng mình không biết việc gì, chẳng liên quan. Tuy nhiên, trước những chứng cứ mà Công an quận Cầu Giấy đưa ra, Sỹ phải cúi đầu khai nhận. Gã dẫn công an đến căn nhà hoang, chỉ vài nhát cuốc, chiếc hòm tôn đã hiện ra, bên trong đó là thi thể anh P, người lái xe ôm xấu số.
Sự ranh ma của những tên tội phạm trẻ tưởng như đã có thể che giấu đi tội ác của mình. Thế nhưng, chỉ sau vài giờ đồng hồ, những kẻ lưu manh ấy đã bị Công an quận Cầu Giấy lật tẩy, bắt chúng phải nhận sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật.