Vốn theo chủ nghĩa “xê dịch,” hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Tuấn Khanh (sinh năm 1998, Vũng Tàu) đã có chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy. Điều đặc biệt chính là trong suốt cuộc hành trình đi qua 40 tỉnh thành, chàng trai này đã lựa chọn mặc áo dài mỗi khi đến một địa điểm mới, tạo nên bộ ảnh “Tự hào áo dài Việt” vô cùng ấn tượng.
Rong ruổi mọi miền bằng xe máy
Vốn theo học ngành du lịch, sở thích ngao du đây đó đã hình thành trong Tuấn Khanh từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Với anh, du lịch được xem như một công cụ thay đổi bản thân và giúp con người trở nên cởi mở và phóng khoáng. Sau khi tốt nghiệp, chàng trai trẻ trở thành hướng dẫn viên du lịch tự do cho nhiều công ty, dẫn các tour chuyển trải nghiệm như thám hiểm, leo núi… Đây cũng là lúc ý định xuyên Việt bắt đầu.
[Áo dài – Di sản văn hóa Việt, niềm tự hào của người Việt Nam]
“Tôi đã dự định xuất phát từ năm 2020, nghĩa là ngay sau khi tốt nghiệp nhưng vì dịch COVID-19 nên tháng Sáu năm nay tôi mới có thể khởi hành,” Tuấn Khanh chia sẻ.
Chuyến đi của Tuấn Khanh bắt đầu từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Tây Nguyên-Miền Trung-Hà Nội-Tây Bắc-Đông Bắc-Miền Trung-Cung đường biển-Vũng Tàu. Một nửa chặng đường anh có bạn bè cùng đồng hành, nửa còn lại là chuyến đi độc hành tự khám phá.
Chuyến đi xuyên qua 40 tỉnh thành trong 40 ngày cũng có những thử thách đặc biệt, khiến Khanh suýt phải bỏ cuộc như đoạn từ đèo Khau Cốc Chà (Pắc Bó). Khi di chuyển vào ban đêm, Khanh và nhóm bạn đã bị mất sóng, mất định vị, tín hiệu chuyển sang vùng Trung Quốc.
“Những lúc như vậy phải di chuyển từ từ, chờ khi có định vị để tránh lạc đường,” Khanh chia sẻ.
Thời gian di chuyển kéo dài từ cuối tháng Sáu đến đầu tháng Tám, nhiều mưa, cũng khiến đoàn xuyên Việt của Tuấn Khanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi đặt chân đến Tây Bắc, có nhiều đoạn đèo sạt lở.
Hay đoạn đường từ Tam Kỳ đến Cửa Đại (Quảng Nam), dọc hai bên đường có nhiều bia mộ khiến chàng trai “rợn tóc gáy.”
Đem áo dài đi khắp đất nước
Hai năm chờ đợi không phụ lòng kẻ “cuồng chân” Tuấn Khanh, khi anh được tận mắt chứng kiến những khung cảnh hùng vĩ của Việt Nam.
Tuấn Khanh cho biết anh luôn lựa chọn các địa điểm có địa hình phải leo núi hoặc đi bộ rất xa để chụp được những tấm hình đẹp. Một trong những ấn tượng sâu đậm nhất là ruộng bậc thang Mù Cang Chải Từng lớp ruộng nối nhau chạy quanh chân núi đã làm say lòng chàng trai miền biển.
Giữa khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, Tuấn Khanh tự hào khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống. Bộ ảnh “Tự hào áo dài Việt” đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn trẻ.
Chia sẻ về điều này, Tuấn Khanh bộc bạch: “Tôi nghĩ tại sao không mặc áo dài truyền thống ở tất cả những nơi mà mình đến. Như vậy sẽ vừa có thể giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, vừa có thể quảng bá, tôn vinh văn hóa dân tộc.”
Tuấn Khanh đã chọn 3 chiếc áo dài để mang theo trong thành trình 8.000km của mình. Đó là một áo dài truyền thống màu đen, một áo tấc xám khói và một chiếc áo dài cách tân.
Được biết, chiếc áo dài đen mà anh sử dụng là trang phục truyền thống của người dân đảo Long Sơn, Vũng Tàu.
“Áo dài đen là trang phục không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân nơi đây. Chúng tôi thường mặc vào những dịp lễ, Tết. Các bô lão cao tuổi, râu tóc bạc phơ cũng sẽ diện áo dài đen, hóa thân thành các ông đồ ở Nhà Lớn Long Sơn để viết liễn (thư pháp),” Tuấn Khanh kể.
Thông qua hành trình của mình, Tuấn Khanh có thêm nhiều kiến thức bổ trợ cho nghề hướng dẫn viên du lịch. Điều quan trọng hơn cả là anh đã truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ rằng: “Áo dài là trang phục truyền thống mà người trẻ cần giữ gìn và phát triển. Không chỉ mặc trong những ngày Tết, chúng ta có thể mặc trong những sự kiện, cuộc phiêu lưu. Điều kiện cần là bạn có tình yêu với trang phục này và sử dụng hợp lý”./.
Ngắm áo dài Việt trong bộ ảnh của Tuấn Khanh: