Triển lãm “Âm không” (Soundlessness) với hơn 35 bức tranh vẽ hoa sen của nữ họa sỹ Bình Nhi sẽ khai mạc tại Nepal vào ngày 26/8. Đây là thành quả trong vòng 3 tháng sinh sống và khám phá vùng đất Nepal của cô.
Ước nguyện đầu tiên của Bình Nhi khi đến đất Phật là mong muốn tìm hiểu thêm về Phật giáo, Mandala (biểu tượng tinh thần của Phật giáo) và Thangka (tranh Phật giáo Tây Tạng) tại Tsering Art School thuộc tu viện Shechen, Kathmandu.
Sau một tháng trải nghiệm nhiều nơi như Mustang, Pokhara, Lumbini, nữ họa sỹ cảm thấy màu sắc, con người và phong cảnh nơi đây như hòa làm một.
[Ngô Bình Nhi và những hoang mang của người trẻ qua tranh vẽ]
“Nepal thật yên bình và con người nơi đây vô cùng thân thiện. Tôi đã sống vui vẻ, làm việc và học tập rất hiệu quả,” Bình Nhi cho biết.
Chị đã vẽ một cách tự nhiên, không gò ép và hơn 20 bức tranh trên giấy gạo đã ra đời. Ý tưởng lưu lại kỷ niệm đẹp qua một triển lãm cá nhân làm Bình Nhi thấy có ý nghĩa và chị bắt đầu sáng tác nhiều hơn ngoài giờ học.
“Màu sắc tôn giáo nơi đây cuốn hút tôi, khiến tôi đam mê và muốn bộc lộ nó bằng đường nét, chất cảm và màu sắc. Tôi không có ý định vẽ để gợi tả hay mô tả những gì tôi muốn nói. Tôi thích chạm vào mọi thứ bằng ‘âm không’,” Bình Nhi nói.
Mỗi chặng đường Bình Nhi đi qua đều mang âm vực của những bài kinh Phật. Đó là âm thanh của sự giải thoát, âm thanh của sự tự do và an lạc mà chị cảm nhận được. Điều đó không thể diễn tả thành lời, cũng không thể vẽ lên được.
Chị cho rằng đó là trạng thái khi bản thân mình chạm đến sự giải thoát, ở đó không phải là không có âm thanh nhưng chị lại cảm nhận được sự tĩnh lặng của tâm thức.
“Để trải nghiệm được tất cả những điều đó thật không dễ dàng với tôi. Hy vọng triển lãm của tôi nơi đất khách sẽ mang tới âm thanh của niềm an vui cho tất cả,” nghệ sỹ chia sẻ.
Triển lãm bao gồm 10 bức tranh vẽ về sen và côn trùng trên toan cùng với những sắc màu tôn giáo đan xen, tiếp đó là bộ tranh vẽ bột màu trên giấy gạo, ký họa về phong cảnh, con người Nepal.
“Trong 2 bộ tranh chất liệu khác nhau, tôi đều đưa tinh thần cá nhân tôi vào trong từng nét vẽ, đó chính là hơi thở Việt, tinh thần Việt không thể lẫn. Trong mỗi bức tranh sen, tôi đều gợi tả làng quê Việt Nam thanh bình, yên ả,” nghệ sỹ nói.
Do đó, dù là triển lãm cá nhân nhưng những tác phẩm thấm đẫm tinh thần Việt, mang hình ảnh quốc hoa Việt Nam cũng góp phần quảng bá hội họa Việt Nam ra với thế giới.
Triển lãm “Âm không” diễn ra trong 3 ngày, 26-28/8 tại Siddhartha Gallery, Kathmandu.
Vẽ để tu hay tu để vẽ, với Bình Nhi có lẽ cũng là một. Bởi vậy, Siddhartha Gallery trong lời giới thiệu tranh Bình Nhi viết rằng: Các tác phẩm mang theo tiếng thần chú, kinh Phật – trạng thái của hòa bình và giải phóng./.
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, họa sỹ Bình Nhi sinh ra và lớn lên tại Lạng Sơn. Gia đình có truyền thống nghệ thuật, chồng của Bình Nhi là họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng, nên mỗi bước đi của chị đều có sự dẫn dắt chuyên môn từ người chồng. “Tuy nhiên, nữ họa sỹ đã ý thức phải tìm hướng đi riêng cho mình. Trong hội họa, bút pháp có thể học được nhưng tư duy thì tuyệt nhiên không. Từ đó, công chúng thấy tranh Bình Nhi có hoa lá, côn trùng, động vật mà hàng ngày chị quan sát được,” ông Phan Cẩm Thượng nói. |
Một số tác phẩm của Bình Nhi sẽ được trưng bày tại Nepal: