Trung thu là kỳ nghỉ lễ lớn, ai đi xa đều cố gắng trở về
Nguyễn Ngọc Quyên (hiện 28 tuổi, quê ở Hải Phòng) kết hôn với ông xã người Hàn Quốc được 5 năm, cũng là 5 năm cô đón Tết Trung thu ở xứ sở kim chi. Quyên kể, đối với người Hàn Quốc thì Tết Trung thu (Chuseok) là kỳ nghỉ lễ lớn, quan trọng hơn cả Tết âm lịch. Cứ đến ngày này, mỗi cá nhân dù đi xa đến đâu cũng cố gắng trở về, cùng cha mẹ và anh chị em trong nhà nấu một mâm cỗ lớn, dâng lên tổ tiên, cầu bình an, sức khỏe và no ấm.
Thông thường, toàn dân sẽ được nghỉ lễ Trung thu 3 ngày, nếu ngày nghỉ sát ngày thứ 7 – Chủ nhật thì sẽ được nghỉ 5 ngày. Những ngày này ra đường rất vắng vẻ và yên ắng do mọi người tập trung ở nhà quây quần hết.
Ngọc Quyên hiện đang định cư ở thành phố Daegu, Hàn Quốc.
Ngọc Quyên chia sẻ thêm, ở Hàn Quốc, việc bếp núc phần lớn vẫn là do bàn tay của những người phụ nữ chế biến và dọn dẹp. Trước Trung thu một ngày (tức 14/8 âm lịch), chị em sẽ đi chợ sắm đủ nguyên liệu. Đến sáng ngày 15/8 thì cùng nhau nấu nướng. Để giảm bớt công việc và đỡ stress thì nhiều chị em hiện nay lựa chọn cách mua đồ nấu sẵn thay vì phải nấu nướng lách cách. Cũng có nhiều gia đình bỏ phong tục cúng Trung thu mà chỉ ra nhà hàng ăn uống.
Một mâm cỗ cúng Trung thu truyền thống ở Hàn Quốc sẽ bao gồm: Táo đỏ, bạch tuộc, cá khô, cá chiên, các loại rau trộn để làm món cơm trộn, các loại đồ chiên rán và một tảng thịt luộc, ngoài ra còn kèm theo những loại hoa quả đặc trưng của mùa thu Hàn Quốc như: Lê, táo và hồng.
Mâm cúng Trung thu ở Hàn Quốc rất cầu kỳ
Đặc biệt, mâm cỗ Trung thu không thể thiếu món bánh gạo Songpyeong. Bánh này được làm từ gạo và đậu đỏ. Gạo nấu chín rồi giã mịn, đậu đỏ hấp chín trộn với đường. Sau đó, lấy một phần bánh gạo dàn mỏng ra tay rồi cho nhân đậu đỏ vào giữa gói lại. Bánh có ba loại hình thù: Tròn, vuông và hình lưỡi liềm, tượng trung cho trời, đất và mặt trăng.
Người Hàn Quốc cho rằng đậu đỏ rất may mắn nên món bánh này có nhân đậu đỏ. Mọi người ăn bánh Songpyeong vào dịp Trung thu với mong muốn những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với mình.
Tất cả những món ăn này đều đại diện cho các ngành nghề nông, lâm, thủy của Hàn Quốc, ngụ ý mong cho mọi người nhiều sức khoẻ, công việc thuận lợi, gia đình no ấm.
Ngọc Quyên và gia đình thường hay đến chùa vào dịp Trung thu
Mọi người quây quần, cùng nhau nói về những điều tốt đẹp
“Trong bữa cơm ngày Trung thu thì người Hàn Quốc uống rượu gạo và nói về dự định và những điều tốt đẹp trong tương lai. Mọi người chúc nhau sức khỏe, đạt được mọi điều mình mong muốn.
Trước đây vào ngày Trung thu thì phụ nữ và đàn ông sẽ mặc hanbok, nhưng ngày nay, mọi người cũng đã bỏ bớt các thủ tục rườm rà nên phụ nữ không cần mặc hanbok còn đàn ông sẽ mặc suit. Trẻ nhỏ sẽ vẫn mặc hanbok đến trường học và được nhà trường tổ chức các trò chơi dân gian rất thú vị như trò Yutnori (giống trò ô ăn quan ở Việt Nam), kéo co, phóng lao, đập giấy Takji Chigi, trò hoa Mukung nở rồi (từng xuất hiện trong bộ phim “Squid Game”),…”, Ngọc Quyên bộc bạch.
Nàng dâu Việt rất nhớ không khí Trung thu quê nhà
Điều mà nàng dâu Việt ở Hàn Quốc thích nhất ở Tết Trung thu xứ kim chi là được nghỉ lễ nhiều ngày. Hai vợ chồng cô có thời gian để về thăm mẹ chồng, sau đó tìm một địa điểm để đi du lịch ngắn ngày. Khoảng thời gian này thời tiết ở Hàn Quốc bắt đầu mát mẻ vào ban ngày và se lạnh vào ban đêm nên rất thích hợp để mọi người tụ tập, hẹn hò.
Đã xa quê 5 năm, Ngọc Quyên rất nhớ Việt Nam, nhớ không khí Trung thu náo nhiệt ở quê nhà: “Lúc còn ở nhà, dịp Trung thu mình hay chạy xe đi khắp phố phường xem các đoàn múa lân, ngắm những cửa hàng bán đầy các loại đèn lồng, đồ chơi lung linh rực rỡ sắc màu ở hai bên đường. Và mình cũng nhớ cả cảm giác cả gia đình ngồi quây quần phá cỗ trông trăng, nhâm nhi những chiếc bánh Trung thu ngọt lành nữa“.
Sau 5 năm đón Tết Trung thu ở Hàn Quốc, năm nay, Ngọc Quyên sẽ sắp xếp thời gian để về Việt Nam đón Tết đoàn viên với gia đình.
Ảnh: NVCC